Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 1/2023

Cập nhật: 02/02/2023

VOV.VN - Chiều 2/2, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp, Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cảnh vệ; đề nghị xây dựng Luật việc làm (sửa đổi); dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Cùng với đó, xem xét đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm Dữ liệu Quốc gia; về xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2021.

Các bộ, ngành chủ trì soạn thảo trình bày tờ trình tóm tắt các đề nghị, dự án Luật; giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định đối với các đề nghị xây dựng pháp luật. Các đại biểu thảo luận sôi nổi về sự cần thiết ban hành các Luật; tính thống nhất, phù hợp của các luật được đưa ra xây dựng lần này với pháp luật có liên quan với thông lệ quốc tế và về các nội dung, chính sách cơ bản của các luật, quy định.

Về đề nghị xây dựng Luật việc làm (sửa đổi), các thành viên Chính phủ đề nghị cần có tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về kết quả thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các quy định có liên quan; việc xây dựng Luật phải đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong cả hoạt động quản lý nhà nước và quản trị, điều hành của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan; góp phần phát triển thị trường việc làm bền vững cũng như nâng cao chất lượng, hiện đại hóa nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn mới; tạo thuận lợi cho thị trường việc làm phát triển đồng bộ, bền vững; thúc đẩy cung, cầu lao động có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao…

Đối với dự án Luật tài nguyên nước (sửa đổi), Chính phủ cho rằng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với những nội dung chính sách mới, nhất là các chính sách tác động trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp; bảo đảm tính hợp lý, khả thi và hiệu quả; cần nghiên cứu các chính sách về thuế, phí, cơ chế tài chính khác về tài nguyên nước bảo đảm các chính sách đồng bộ, công khai, hiệu quả về lâu dài; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường phối hợp công tác, bảo đảm thuận lợi cho quản lý, điều hành; tạo thuận lợi cho hợp tác công tư; thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp...

Các thành viên Chính phủ cũng nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ là cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật về cảnh vệ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.

Chính phủ cơ bản thống nhất về 04 chính sách theo đề xuất của Bộ Công an. Theo đó, bổ sung đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; xác định tiêu chí các hội nghị, lễ hội, sự kiện là đối tượng cảnh vệ; hoàn thiện chính sách về biện pháp cảnh vệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.

Chính phủ cũng nghe báo cáo tóm tắt và thảo luận về đề nghị xây dựng Trung tâm Dữ liệu Quốc gia; đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; báo cáo tóm tắt về xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2021. Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Nội vụ về xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2021 đối với 41 tác phẩm, tác giả, đồng tác giả.

Cùng cho ý kiến đối với từng nội dung, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhiệm kỳ này Chính phủ đã có 9 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật và đều đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đối với các nội dung thảo luận tại phiên họp này, Thủ tướng đề nghị các Bộ nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; bảo đảm tiến độ, chất lượng; đồng thời đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ; đề nghị các Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các dự án, đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình theo quy định.

Theo Thủ tướng, chương trình xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế năm 2023 của Chính phủ là rất lớn. Do đó, các Bộ, ngành phát huy thành quả của năm 2022, các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; bổ sung lực lượng, đầu tư nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là công việc khó, đòi hỏi công sức, trí tuệ, do đó cần có đầu tư, chế độ, chính sách tương xứng với lao động của người làm công tác xây dựng pháp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế, các Bộ tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và đối tượng có tác động; tổ chức tuyên truyền chính sách trước, trong quá trình xây dựng và sau khi ban hành tạo đồng thuận và thực hiện hiệu quả.

Đối với một số Luật, quy định thực tiễn đặt ra cần phải xử lý, Thủ tướng đề nghị các Bộ xây dựng dự thảo Nghị quyết hoặc xây dựng một luật trình Quốc hội để sửa nhiều Luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhất là các Ủy ban của Quốc hội để tranh thủ trí tuệ và thảo luận, trao đổi trực tiếp với nhau để thống nhất.

Về việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2021, Thủ tướng yêu cầu các Bộ liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa Nghị đinh số 90/2014/NĐ-CP của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" và xem xét cụ thể thành tích của các tác giả, bảo đảm sự tôn vinh, tính công bằng, khách quan, thực chất và đúng theo quy định. Trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định do yếu tố khách quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, cơ quan cần chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, cân nhắc tiến độ, nội dung phù hợp khi trình cấp có thẩm quyền. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung các nguồn lực về nhân lực, kinh phí, ưu tiên cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật; triển khai công tác ngay từ đầu năm, bảo đảm các yêu cầu về chương trình công tác của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội; chỉ đạo rà soát kỹ các dự thảo luật trước khi trình và chịu trách nhiệm về các nội dung trình;  thảo luận, trao đổi trực tiếp với nhau để thống nhất về các vấn đề còn ý kiến khác nhau./.

Từ khóa: Chính phủ họp về xây dựng pháp luật tháng 1-2023, phiên họp của Chính phủ, chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập