Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2024
Cập nhật: 13/06/2024
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2024.
Ngày 13/6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ họp Phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 để thảo luận về 3 dự án Luật và 3 đề nghị xây dựng Luật gồm các dự án luật: Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các đề nghị xây dựng luật: Luật Dữ liệu; Luật Phòng bệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện đột phá về hoàn thiện thể chế nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng; tháo gỡ khó khăn, vường mắc; đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; ưu tiên nguồn lực con người, kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng pháp chế, xây dựng thể chế, xây dựng luật pháp; Phải ưu tiên nguồn lực thì có 2 nguồn lực là: nguồn lực con người phải chọn người có kiến thức, có thực tiễn và đam mê với công việc này để chúng ta bố trí nguồn lực con người.
Thứ hai là dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác này, dứt khoát là phải như thế! Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước và pháp luật chúng ta xây dựng thì phải đảm bảo được các yêu cầu; thứ nhất là thể chế hóa được các quan điểm đường lối của Đảng; thứ hai là phải góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thực tế; thứ ba là đáp ứng các yêu cầu thực tiễn diễn ra, những vấn đề đột xuất bất ngờ, những vấn đề mà có tính hệ thống", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 26 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế (9/2021); cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với gần 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết; ban hành hơn 350 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 85 quyết định quy phạm. Riêng trong năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 4 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua đối với 20 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết, dự án luật.
Cho rằng 6 nội dung tại Phiên họp xây pháp luật tháng 6/2024 đều là các nội dung có phạm vi rộng, nội dung phong phú, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với 8 nội dung gồm 3 dự án Luật: Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) do Bộ Công thương trình; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo.
4 đề nghị xây dựng Luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội; Đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu; và bàn về việc tiếp sóng truyền hình trực tiếp các giải bóng đá quốc tế đã mua bản quyền có xuất hiện hình ảnh liên quan đến đặt cược, cá độ.
Đặc biệt về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các thành viên Chính phủ đa số đồng tình với Dự thảo luật mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình bày, đồng thời đã cho ý kiến về diện tích quảng cáo trên báo in và quảng cáo trên báo nói; thời lượng quảng cáo trên truyền hình, về cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo, về quảng cáo xuyên biên giới, về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền trong xây dựng luật này.
Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ những yêu cầu cần bổ sung sửa đổi trong đó nêu rõ một số nội dung quan trọng nhất là về diện tích quảng cáo trên báo in và quảng cáo trên báo nói; thời lượng quảng cáo trên truyền hình và chỉ rõ nội dung quảng cáo phải hợp lý, phải phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt, có chính sách đặc thù riêng đối với khu vực vùng sâu vùng xa, người yếu thế.
Về việc cấp giấy phép công trình xây dựng quảng cáo, Thủ tướng cho rằng cần làm rõ hơn việc cho phép gắn bảng hiệu, biển quảng cáo có diện tích dưới 40m2 lên các với công trình xây dựng có sẵn không cần phải có Giấy phép xây dựng nhưng phải đáp ứng một số điều kiện vì trên thực tế chưa có quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của các biển quảng cáo gắn lên các công trình xây dựng có sẵn; mặt khác, thực tiễn áp dụng Luật Quảng cáo cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế trong việc cấp phép đối với trường hợp này; trong khi Hồ sơ dự án Luật chưa làm rõ. Bộ VHTTDL cần thuyết minh rõ hơn cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của quy định nêu trên khi Bộ Xây dựng đã có ý kiến cụ thể về vấn đề này.
Đồng thời Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ VHTTDL nghiên cứu thêm phương án tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người quảng cáo, người thực hiện dịch vụ quảng cáo và tổ chức kiểm định xây dựng.
Về quảng cáo xuyên biên giới, Thủ tướng đánh giá cao Bộ đã xây dựng phương thức quản lý từ cấp phép, tiền kiểm sang hậu kiểm; chỉ quy định các điều kiện nhất định. Tuy nhiên, các quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa làm rõ các điều kiện, yêu cầu chung với loại hình quảng cáo truyền thống, các điều kiện, yêu cầu đặc thù của loại hình quảng cáo xuyên biên giới. Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ TTTT, Bộ Tư pháp, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, bổ sung các quy định để bảo đảm thống nhất, khả thi và yêu cầu quản lý nhà nước.
Về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền Thủ tướng cho rằng, Dự thảo Luật quy định 08 thủ tục hành chính, Bộ VHTTDL cần tiếp tục rà soát để cắt giảm TTHC, đồng thời quy định đầy đủ các bộ phận cấu thành TTHC theo quy định, bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC. Cùng với đó tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, quy định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong các hoạt động như tổ chức thẩm định sản phẩm quảng cáo; xây dựng, phê duyệt bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp quảng cáo góp phần tăng tính hiệu quả của quản lý nhà nước đối với hoạt động này.
Từ khóa: Thủ tướng, Chính phủ, Thủ tướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính ,chuyên đề xây dựng pháp luật, phiên họp Chính phủ
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN