Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai chương trình phát triển vùng Đồng Bằng Sông Hồng

Cập nhật: 12/02/2023

VOV.VN - Chương trình hành động xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm;...

Sáng nay 12/2, tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng và Xúc tiến đầu tư Vùng do Bộ Kế hoạch đầu tư tổ chức đã được diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, các đại biểu, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phát triển trong và ngoài nước. 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã công bố Nghị quyết số 14 /NQ-CP ngày 08/02/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.

Theo đó, chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết. Đây là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Vùng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra.

Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong Vùng; tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động từ các cơ quan trung ương, các bộ, ngành tới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng.

Tập trung phát triển các ngành kinh tế theo Quy hoạch vùng và quy hoạch của từng địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong cả nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển; nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng đảm bảo cân bằng, bền vững gắn với phát triển các hành lang, vành đai kinh tế; phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và hệ thống giao thông kết nối giữa các cực tăng trưởng, giao thông nội vùng, liên vùng và các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến hành lang kinh tế. Tiếp tục phát triển vùng theo các tiểu vùng, trong đó vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của cả nước là đầu tàu, lôi kéo, thúc đẩy vùng Nam đồng bằng Sông Hồng và là động lực phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát huy vai trò đầu tàu, động lực của các tỉnh, thành phố trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Phát triển kinh tế biển bền vững theo quy hoạch, phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển Vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên thích ứng biến đổi khí hậu. Thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế chính sách ưu đãi, có tính chất đột phá nhằm thu hút mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển vùng và các tiểu vùng.

Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng, các cảng biển, cảng hàng không, đường sắt bảo đảm kết nối vùng, các tiểu vùng và kết nối với các vùng khác; Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ gắn với thế mạnh và định hướng phát triển của Vùng; Xây dựng hệ thống thông tin, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội.

Chương trình hành động xác định 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ/vạn dân. Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính.

Nghị quyết của Chính phủ cũng đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị; Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng; Phát triển kinh tế vùng; Phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;  Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Bên cạnh đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng Sông Hồng để giúp vùng phát triển đột phá, gồm: các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không, đầu tư xây dựng mới cảng biển trong vùng; đồng thời đã phân công cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể.

Tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 14 của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, ý tưởng mới và tầm nhìn mới có tính đột phá trong phát triển của Vùng đồng bằng Sông Hồng có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để Vùng đồng bằng Sông Hồng thực sự phát triển đột phá, khẳng định vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước và người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trước đó cũng trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành địa phương đã cắt băng khai mạc triển lãm ảnh, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người vùng đồng bằng Sông Hồng./.

Từ khóa: Thủ tướng Chính phủ, triển khai chương trình phát triển vùng Đồng Bằng Sông Hồng

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập