Thủ tướng chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
Cập nhật: 22/08/2024
VOV.VN - Chiều nay 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hội nghị được tổ chức tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị có: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Đoàn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/QĐ- TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trải qua hơn 21 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, NHCSXH là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Để phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hơn nữa của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, để cụ thể hóa Chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư. Trên cơ sở sơ kết đánh giá 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đề triển khai Kết luận của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021.
Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và hơn 03 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư cũng như Quyết định số 401/QĐ-TTg và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với cấu trúc hệ thống chinh trị và thực tiễn Việt Nam. Huy động sức mạnh toàn thể xã hội chăm lo cho các đối tượng chính sách thông qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tín dụng chính sách xã hội đã phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Chỉ thị đã đi vào cuộc sống của nhân dân rất nhanh, đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách, nguồn vốn ngân sách của địa phương ủy thác để cho vay và huy động vốn của xã hội đã đạt được mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với trước khi có Chỉ thị số 40. Đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua hệ thống NHCSXH đạt trên 47.000 tỷ đồng, từ đó nâng tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt trên 373.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt gần 351.000 tỷ đồng.
Với mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, việc triển khai kiên trì, đồng bộ các giải pháp nêu trên đã góp phần duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 0,93%/tổng dư nợ (khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW) xuống còn 0,56%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,22%/tổng dư nợ (thời điểm 31/7/2024). Thực hiện tốt mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh. Qua đó giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch Covid-19…
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều); góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đóng góp tích cực xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong cả nước.
Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân; sự đánh giá cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.
Tuy nhiên, những biến đổi phức tạp, khó lường của bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước đặt ra nhiều thách thức đến phát triển kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, đồng thời tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo và các đối tượng chính sách. Do đó cần xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Đây là việc làm sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương, chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách, trong suốt quá trình phát triển đất nước và từng địa phương.
Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW đặt ra yêu cầu: thực hiện TDCSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù.
Cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 xác định: Tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; duy trì và tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; tập trung thống nhất chức năng tín dụng chính sách từ các ngân hàng thương mại sang NHCSXH. Nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH để phát triển theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội.
Từ khóa: tín dụng, tín dụng chích sách xã hội, chính sách xã hội, thủ tướng phạm minh chính, phạm minh chính
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov
Nguồn tin: VOVVN