Thủ tướng Chính phủ chủ trì Đối thoại chính sách trong chuyển đổi công nghiệp

Cập nhật: 25/09/2024

VOV.VN - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên Đối thoại chính sách bàn về chuyển đổi công nghiệp. Thủ tướng cho biết Chính phủ đang xây dựng một số cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi.


Chiều 25/9, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM đã diễn ra Phiên Đối thoại chính sách với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Phiên này có sự tham gia của lãnh đạo các bộ ngành trung ương; lãnh đạo TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố trong nước; lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố quốc tế có quan hệ hợp tác với TP.HCM; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, chuyên gia trong và ngoài nước.

Cần thể chế, chính sách cho chuyển đổi công nghiệp

Mở đầu phiên đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM mỗi lần đều có quy mô lớn hơn, rộng hơn, vấn đề sâu sắc hơn và được sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Diễn đàn lần thứ 5 về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rộng nhưng có giới hạn cụ thể, đây là thế mạnh và tiềm năng của TP.HCM và cũng là chủ đề mang tính quốc tế.

Theo Thủ tướng, các đại biểu đến đây để trao đổi, học hỏi lẫn nhau, hợp tác, cùng làm- cùng hưởng- cùng thắng. Và sau Diễn đàn, mỗi đại biểu đều có thêm những kiến thức mà hội nghị mang lại.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về tổng thể, Chính phủ đã có nhiều chính sách khác nhau, trong đó đặc biệt quan tâm đến đổi mới sáng tạo. Chính sách thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp với việc nhấn mạnh chuyển đổi kép là chuyển đổi số và xanh song hành với nhau và để thành công thì phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết.

Chính phủ vừa ban hành 2 quyết định quan trọng là: phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. Đây là 2 quyết định quan trọng, mang tính then chốt để bước sang giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ hơn trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, đối với chuyển đổi xanh, hiện đã có những tiêu chuẩn tiêu chí cụ thể xác định thế nào là doanh nghiệp xanh, dự án xanh, sản phẩm xanh. Tất cả điều đó quyết định việc áp dụng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đang chuyển đổi số, xanh trong nền kinh tế.

Cũng về thể chế chính sách cho chuyển đổi công nghiệp, ông Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ này xây dựng dự án sửa đổi Luật Khoa học công nghệ thành Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Từ đó thể chế hóa tất cả chỉ đạo trong chuyển đổi công nghiệp, phát triển đổi mới sáng tạo thành các quy định pháp luật.

Trước đây, theo Luật, chủ yếu là dùng ngân sách nhà nước cho các đơn vị công lập làm đề án, đề tài nghiên cứu thì lần này luật sửa có sự thay đổi căn bản về đối tượng điều chỉnh, theo hướng xã hội hóa các nguồn lực cho khoa học công nghệ và để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được thực hiện ở các doanh nghiệp.

"Đó là hành lang pháp lý quan trọng để doanh nghiệp được sử dụng chính kinh phí của mình cho việc tìm hiểu, mua công nghệ để trở thành năng lực nội sinh. Xã hội hóa để doanh nghiệp thành nhân tố trung tâm hấp thu công nghệ, làm chủ công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo chuyển đổi công nghiệp" - ông Lê Xuân Định cho hay.

Thể chế hóa phù hợp với điều kiện Việt Nam và tình hình thế giới       

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hệ thống chính trị của Việt Nam là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, trong đó có Chính phủ và nhân dân làm chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra đường lối phát triển về công nghiệp, trong đó giai đoạn hiện nay có Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 29 ngày 17/11/2022 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của Chính phủ là phải thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết này để thực hiện có hiệu quả.

Chính phủ cũng xây dựng một số cơ chế chính sách để huy động nguồn lực thực hiện chuyển đổi. Tiếp tục phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng về giao thông vận tải, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, hạ tầng phát triển xanh và không thể không có hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục và văn hóa. Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp phải hình thành quản trị phù hợp với chuyển đổi.

Thủ tướng yêu cầu phải đào tạo nguồn nhân lực, phải có chiến lược, kế hoạch, lộ trình, có bước đi, có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực và Chính phủ đang làm điều này.

Ngoài ra, phải huy động được sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè quốc tế, giúp nước ta có nhiều kinh nghiệm hơn, có bản lĩnh hơn, tự tin hơn để thực hiện chuyển đổi. Vì chuyển đổi này là một yêu cầu khách quan, một lựa chọn chiến lược, là một ưu tiên hàng đầu, nhất là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong xu thế hiện nay.

Thủ tướng lưu ý, trong thể chế hóa và ban hành cơ chế chính sách cho chuyển đổi công nghiệp Chính phủ phải nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực và trong nước hiện nay. Tình hình trên có liên quan đến vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước như thế nào và Việt Nam chúng ta phải hiểu mình thế nào.

"Tôi muốn nói thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế của thế giới. Cho nên vì thế phải nắm tình hình. Phải xây dựng thể chế, vừa qua  Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội sửa đổi rất nhiều Luật, trong đó có Luật Giao dịch điện tử, đang xây dựng Luật dữ liệu rồi Luật môi trường, Luật đất đai, Luật nhà ở hay Luật kinh doanh bất động sản… Rất nhiều luật được sửa đổi và trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa này, số lượng Luật cần thông qua và thảo luận nhiều nhất từ trước đến nay. Khoảng 16 - 17 Luật đã thông qua và hơn 10 luật sẽ được thảo luận, đấy là thể chế và luật pháp. Ngoài ra thì Chính phủ còn xây dựng các nghị định, quyết định. Thể chế hóa là như vậy" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Sự phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến xã hội và môi trường; làm thay đổi căn bản, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức dựa trên đổi mới sáng tạo; đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Việt Nam. Nhờ vào chuyển đổi kinh tế số, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nguồn lực phải lớn, nhân lực phải dồi dào, chính sách pháp luật phải hoàn thiện; hợp tác quốc tế phải sâu rộng hơn nữa; sự chủ động của địa phương là rất cần thiết, nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng quyết định thành công của quá trình chuyển đổi.

Phiên Đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 đã tạo cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền Thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải pháp để xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TP.HCM và các địa phương trong cả nước.

Từ khóa: Đối thoại chính sách, Đối thoại chính sách,Diễn đàn Kinh tế TP.HCM,Thủ tướng Phạm Minh Chính,chuyển đổi công nghiệp

Thể loại: Nội chính

Tác giả: nhóm pv/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan