Thủ tướng chỉ đạo thí điểm đơn vị ngoài nhà nước cung cấp dịch vụ công
Cập nhật: 18/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chiều 18/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc theo hình thức trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện cải cách hành chính thời gian qua, nhưng cũng nêu một số tồn tại, trong đó, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong cung cấp dịch vụ hành chính. Do đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu một số mô hình mới gắn với tinh giản biên chế, tăng cường thí điểm chuyển giao dịch vụ công hiện nay cho các đơn vị ngoài nhà nước nếu các đơn vị này đáp ứng được yêu cầu.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 10 năm triển khai Chương trình, thể chế của nền hành chính, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể chế về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân được hoàn thiện, củng cố và được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Từ năm 2012 đến nay, tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành là hơn 8.600 văn bản. Các tỉnh, thành phố đã ban hành khoảng 386.000 văn bản quy phạm pháp luật.
Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, cắt giảm 63% trong tổng số gần 6.200 điều kiện kinh doanh, 68% trong tổng số gần 10.000 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tính toán cho thấy, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Chính phủ điện tử mang dấu ấn nhiệm kỳ
Sau khi các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 10 năm qua, kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đẩy mạnh thực hiện 4 đợt cải cách lớn là” cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Trong đó, việc cải cách hành chính liên quan đến con người nên càng phức tạp hơn, gồm có cải cách bộ máy, đội ngũ, hành chính công…
Thủ tướng đánh giá, cải cách hành chính đạt kết quả nhiều mặt trong 10 năm qua, góp phần vào những thành công của đất nước trên mọi lĩnh vực. Với quốc tế, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng các chỉ số thuộc nhóm tốt nhất toàn cầu. Trong đó, Chính phủ điện tử năm 2020 Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.
Sau 10 năm cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta liên tục được cải thiện, giúp hoạt động sản xuất kinh doanh năng động, hiệu quả. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước hướng về nhân dân, phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển. Riêng năm ngoái, Chính phủ đã trình Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó nhiều văn bản mang tính nền tảng như Hiến pháp, Bộ Luật Dân dự, Bộ Luật hình sự.
“Cải cách thủ tục được xác định là khâu đột phá được triển khai mạnh mẽ của các cấp hành chính. Chúng ta thấy rõ vai trò của Chính phủ và chính quyền các cấp đã nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thông qua cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, nhất là năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là môi trường đầu tư kinh doanh. Trước đây, sản xuất một gói socola phải tốn 13 loại giấy phép thì hiện nay cải cách đã bỏ 13 loại giấy phép này, nhưng socola vẫn sản xuất nhiều hơn, tốt hơn. Ngày trước, chúng tôi làm ở địa phương xin máy biến áp 35KV ít nhất 50 ngày, còn bây giờ chỉ thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia có thể chỉ 1 hôm là giải quyết xong”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Theo đó, đã duy trì phát huy kết quả Đề án 30 để cơ bản hoàn thành đơn giản hóa thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ đến 95,85%; đơn giản hóa thủ tục hành chính giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư theo Đề án 896 đạt kết quả tích cực; khai trương đi vào vận hành cơ chế cơ sở dữ liệu quốc gia…
Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được đẩy mạnh, khắc phục cơ bản tồn tại của giai đoạn trước, trong đó đã giảm đầu mối cơ quan và phân rõ chức năng trung ương, địa phương. Việc xây dựng Chính phủ điện tử đã làm thay đổi lề lối, phương thức làm việc theo hướng hiện đại. Đặc biệt, đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đạt 31%, một số bộ, ngành đạt 100%. Trên 2.800 dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương đc triển khai, qua đó giảm gặp gỡ trực tiếp và giảm các nhũng nhiễu, tiêu cực.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại, như còn tình trạng kêu ca của người dân và doanh nghiệp về việc cán bộ cơ quan hành chính gây khó khăn, chậm trễ, “đá bóng” qua lại giữa các cơ quan. Thậm chí, còn tình trạng vòi vĩnh, đòi hối lộ của một số cán bộ. Dù đã giảm biên chế trong bộ máy hành chính, nhưng tổng thể vẫn còn cồng kềnh. Việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước còn lãng phí…
Cải cách để “tiếng kêu” của người dân ít đi
Trước thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng nền hành chính văn minh, hiện đại, hướng về người dân, bởi muốn phát triển tốt hơn thì phải có một quyết tâm chính trị cải cách hành chính.
“Chúng ta phải thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn thì mới giảm được, tạo điều kiện thuận lợi được. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường công khai minh bạch của cả hệ thống chúng ta để công tác quan trọng này sát dân, sát cơ sở, phục vụ người dân tốt hơn. Tiếng kêu của người dân, tiếng kêu của doanh nghiệp ít đi chứng tỏ chúng ta giiải quyết minh bạch thông qua con người. Và chính sách của chúng ta, dù công nghệ thế nào cũng phải hướng về người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước. Công tác cải cách tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân và mọi tổ chức khát vọng phát triển, xây dựng Việt Nam hùng cường vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về cải cách hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh phải làm quyết liệt, đồng bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, sớm báo cáo Chính phủ.
Trong các nội dung cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: “Điều rất quan trọng trong cải cách hành chính là hoàn thiện thể chế pháp luật, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế tổ chức hoạt động của nền hành chính nhà nước. Hệ thống luật pháp của chúng ta, nghị định của chúng ta đó là luật dễ hiểu, dễ vận dụng; một luật cố gắng không quá hai nghị định, một nghị định không quá 1 thông tư, và ban hành 1 văn bản thì hủy văn bản cũ. Đặc biệt, chúng tôi nhấn mạnh và lần này Chính phủ quyết tâm là không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật do Nghị định Chính phủ ban hành. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh. Tăng cường công khai minh bạch, tăng cường chống tham nhũng. Thể chế của chúng ta phải áp dụng tốt đa hiệu quả tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước”.
Chỉ đạo tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy đinh về thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp và nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng cũng yêu cầu xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Đẩy mạnh nghiên cứu một số mô hình mới gắn với thu gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Tăng cường thí điểm chuyển giao dịch vụ công mà đơn vị ngoài nhà nước có thể thực hiện, từ đó sơ kết và nhân rộng khi hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ cần nghiên cứu lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay, hoạt động chưa hiệu quả và nhấn mạnh: “Đổi mới hệ thống tổ chức quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trung lắp chức năng nhiệm vụ, rà soát chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang các công ty cổ phần, đơn vị tự chủ. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, chúng ta có đến 58.000 đơn vị công lập cả nước với hàng triệu biên chế. Cả đất nước biên chế hành chính từ huyện trở lên chỉ hơn 500, gần 600 nghìn người, không phải là cao so với các nước. Nhưng đơn vị sự nghiệp công với trên 58.000 đơn vị có tới hàng triệu người. Các Nghị quyết chúng ta đều đề cập, nhưng đơn vị sự nghiệp công tự chủ tài chính, tự trang trải để giảm biên chế nhà nước còn rất ít. Đây là khâu tồn tại Chính phủ và các bộ đều thấy. Một sở khoa học công nghệ mà 4-5 đơn vị sự nghiệp công, lại xin ngân sách, lại xin việc này việc khác”.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và hợp lý giữa trung ương và địa phương, gắn với quyền lợi và trách nhiệm, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy tính tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao./.
Từ khóa: cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hành chính
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN