Thủ tướng: Cần suy nghĩ một gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội

Cập nhật: 24/03/2020

VOV.VN -Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời điểm khó khăn do Covid-19 hiện nay, cần suy nghĩ một gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội.

Sáng nay, 24/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó có 24/26 chỉ tiêu đạt và vượt, trong đó 8 chỉ tiêu về đích trước 2 năm, 16 chỉ tiêu đạt vào năm 2020.

thu tuong: can suy nghi mot goi ho tro quoc gia ve an sinh xa hoi hinh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp

Đến nay, cả nước xác nhận được 9,2 triệu người có công, trong đó, trên 1,3 triệu người đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư địa phương. Hàng năm đã giải quyết việc làm cho 1,5 – 1,6 triệu người và đưa trên 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức thấp, khoảng 2 – 2,2%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 3,5%.

Bảo hiểm xã hội có sự đột phá và hiện chiếm khoảng 32% lực lượng lao động. Đến hết năm 2019, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% dân số, cơ bản đã bao phủ toàn dân, vượt trước 4 năm so với mục tiêu Nghị quyết…

Sau khi các bộ, ngành nêu ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, qua thực hiện Nghị quyết cho thấy có nhiều điểm sáng trong chính sách người có công, an sinh xã hội. Tỷ lệ giảm nghèo nhanh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, chính sách xã hội còn chưa bao phủ hết các đối tượng, triển khai chưa đồng bộ. Còn 2 chỉ tiêu cần phấn đấu hơn nữa để đạt được là về tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia.

Nhấn mạnh phát triển kinh tế phải song hành với các vấn đề xã hội, Thủ tướng nêu các thách thức sắp tới là già hóa dân số, cuộc cách mạng 4.0, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…, nhất là tác động tiêu cực của Covid-19 đặt ra nhiều vấn đề lớn đối với lĩnh vực xã hội. Do đó, yêu cầu tiếp tục kế thừa quan điểm của Nghị quyết Trung ương 5, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm con người là trung tâm của quá trình phát triển, bảo đảm chính sách xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa với phát triển kinh tế. Đầu tư thực hiện chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển.

thu tuong: can suy nghi mot goi ho tro quoc gia ve an sinh xa hoi hinh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước mắt, phát huy mọi nguồn lực chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Chính sách xã hội phải bảo đảm phát triển bao trùm, toàn diện, đặc biệt nâng cao chất lượng phát triển con người, tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt cho mọi người. Kiểm soát tốt hơn nữa phân hóa giàu nghèo, giảm bất bình đẳng xã hội, đạt bình đẳng giới. Ở Việt Nam, phải xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm, tập trung giải quyết nhóm nghèo nhất, vùng nghèo nhất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc.

Cùng với yêu cầu nghiên cứu Đề án về chính sách xã hội giai đoạn 2021-2030 để trình Ban chấp hành Trung ương, Thủ tướng nêu rõ, chỉ còn 3 quý nữa là hết năm 2020, do đó phải cố gắng để hoàn thành 2 chỉ tiêu chưa đạt được. Trước mắt, phát huy mọi nguồn lực chống dịch Covid-19 hiệu quả. Hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, Thủ tướng cho rằng, trong thời điểm hiện nay, cần suy nghĩ về một gói hỗ trợ quốc gia về an sinh xã hội, có tính thiết thực với người lao động.

Cùng với đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống luật pháp, đánh giá các chính sách trên từng lĩnh vực để có cơ sở đề xuất, bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế chính sách mới phù hợp. Tiếp tục nâng cơ, mở rộng, thực hiện đầy đủ chính sách người có công, giải quyết tốt vấn đề tồn đọng. Phải bảo đảm không còn hộ nghèo có thành viên là người có công.

Trợ giúp xã hội linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của người dân và cộng đồng sau thiên tai, thảm họa với tinh thần bảo đảm hỗ trợ kịp thời người yếu thế, thiệt thòi khắc phục rủi ro, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Trong cách mạng 4.0 và tình hình hiện nay, Thủ tướng cho rằng, cần đặt ra vấn đề đào tạo, sử dụng hiệu quả nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao, phát triển thị trường lao động lành mạnh, đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Bên cạnh đó là phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lĩnh vực nông nghiệp, lao động phi chính thức. Quản lý Nhà nước tốt hơn đối với các công ty bảo hiểm.

Cho rằng, cần tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết toàn diện các vấn đề chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện các văn bản, báo cáo, trong đó phải nêu được các trở ngại về thể chế, chính sách, những mô hình, cách làm, vai trò của chính quyền địa phương, cơ sở.

Một số vấn đề về tiêu chí xã hội cần toàn diện hơn như môi trường, đạo đức xã hội. Phân bổ nguồn lực cho các chính sách xã hội cần chặt chẽ, sát sao hơn. Thủ tướng lấy ví dụ, nhà ở xã hội hiện có tỷ lệ còn thấp, trong khi đây là nhu cầu lớn của công nhân, lao động./.

Từ khóa: Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dịch Covid-19, Nghị quyết Trung ương 5

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập