Thủ tướng: Cần phát huy “vaccine có sẵn” để vượt qua khó khăn

Cập nhật: 08/03/2020

VOV.VN - Nguồn "vaccine" ấy, theo Thủ tướng chính là tinh thần kiên cường của dân tộc, càng khó khăn, khắc nghiệt thì càng mạnh mẽ để tiến lên.

Chiều nay, 8/3, tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về hạn hán và mặn xâm nhập.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, hiện trong nước đang xuất hiện một số ca dương tính với Sars-Covid-2 khiến một số người dân hoang mang, mua hàng hóa dự trữ, Thủ tướng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty cung cấp đủ hàng hóa, vật tư, lương thực, thực phẩm ở các thành phố lớn, các tỉnh thành cả nước một cách dư dả, kịp thời, không để thiếu thốn bất kỳ hàng hóa nào ảnh hưởng đến người dân.

thu tuong: dbscl can phat huy "vaccine co san" de vuot qua khac nghiet hinh 1
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL

Sau khi các địa phương, bộ, ngành nêu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã sáng tạo, năng động, khắc phục hạn hán và mặn xâm nhập, phục vụ cho sản xuất và đời sống của người dân. Điều đó giúp diện tích lúa bị thiệt hại chỉ chiếm 9,6% tổng diện tích các loại cây trồng. Người dân trong vùng đã nhận thức rõ hạn mặn là một vấn đề phải đối mặt và chung tay cùng chính quyền để có biện pháp thay đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời thực hiện các dự án công trình và phi công trình trên địa bàn.

Thủ tướng cho rằng, chiến lược trong Nghị quyết 120 với vùng đồng bằng sông Cửu Long được chứng minh khá rõ trong điều kiện thử thách khắc nghiệt của năm 2020 của nhiều địa phương như Bến Tre, đến năm 2023 có thể kiểm soát được mặn xâm nhập. Từ chuyển biến tích cực của Bến Tre và các tỉnh trong vùng, Thủ tướng cho rằng, đó là cố gắng của Đảng, Nhà nước và tất cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

"Qua mùa khô hạn, mặn, khắc nghiệt của năm nay có thể rút ra phương châm, một vấn đề khó, thậm chí rất khó, nhưng Chính phủ, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế và toàn dân cùng tập trung, quyết tâm cao nhất thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và giành thắng lợi. Cho nên “vaccine có sẵn” của Việt Nam là tinh thần kiên cường của dân tộc chúng ta vượt khó, càng khó khăn thì càng mạnh mẽ và tiến lên. Dân tộc ta, ý chí của chúng ta là như thế và chúng ta đã làm được điều đó một phần rất quan trọng ở vùng đất nhiều tiềm năng và đối mặt với khắc nghiệt của thiên nhiên này", Thủ tướng nêu rõ.

Mấy trăm nghìn tấn lương thực ai mua không?

Giao nhiệm vụ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới, trước bối cảnh Covid-19, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh chủ động, trách nhiệm, tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, không chủ quan, ngăn chặn dịch hiệu quả. Đặc biệt, Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu kép năm nay, vừa ngăn chặn Covid-19 thành công, vừa đạt các mục tiêu kinh tế xã hội, nên các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long không đặt vấn đề rút chỉ tiêu.

thu tuong: dbscl can phat huy "vaccine co san" de vuot qua khac nghiet hinh 2
Thủ tướng nhấn mạnh: ĐBSCL cần phát huy “vaccine có sẵn” để vượt qua khắc nghiệt

Cùng với tổ chức đại hội Đảng các cấp, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có lộ trình, bước đi bền vững, lâu dài, trong đó cần khảo sát, đánh giá cơ bản quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương, từ đó triển khai nhiệm vụ 5 năm tại địa phương sát, đúng, cụ thể, khoa học, tạo sự chuyển biến của địa phương. Thủ tướng lưu ý các hiệp định thương mại tự do đang mang lại lợi thế lớn cho xuất khẩu nông sản như tôm, cá tra, cũng là thế mạnh của vùng.

Nhấn mạnh tinh thần tự lực tự cường của chính quyền các cấp là rất quan trọng, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, tìm nguồn lực phát triển, Thủ tướng cho rằng, khi hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của vùng với hệ thống đường bộ 4 trục dọc, 4 trục ngag, sân bay, đường biển... sẽ là lợi thế phát triển của vùng.

Cho rằng nợ công so với GDP của nước ta giảm là điều kiện quan trọng để Nhà nước có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề nghiên cứu xây dựng một số hồ chứa nước ngọt trong vùng rất cần thiết.

"Làm một số hồ chứa nước ngọt quy mô nào, vị trí nào phải được xác định, nhất là ở Bến Tre, An Giang và một số công trình khác. Các công trình này phải cứu cụ thể để chúng ta chuẩn bị cho niên độ kế hoạch 2021-2025. Cũng như tôi đồng ý, các nhà máy nước, các công ty lương thực Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối để điều tiết thị trường, bảo đảm đời sống cho nhân dân. Hôm qua mới sơ sơ mấy người bị Covid-19 mà đã nhốn nháo thị trường. Tôi đã yêu cầu lương thực sẽ bán đến 23h đêm một cách đầy đủ nhất. Mấy trăm nghìn tấn có ai mua không? Sắp tới đây tôi sẽ chủ trì một hội nghị toàn quốc về an ninh lương thực của Việt Nam để thấy thế mạnh của chúng ta, nhất là trong tình hình thế giới phức tạp", Thủ tướng nói.

Theo dự báo, mặn xâm nhập còn phức tạp và tăng cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nguy cơ tiếp tục xảy ra thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Thủ tướng về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo ổn định đời sống, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các công trình xây dựng cơ bản, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết sẽ phê bình, kỷ luật các đơn vị giải ngân chậm, điều chuyển vốn sang các dự án và địa phương khác.

Tại buổi làm việc, cùng với việc cho ý kiến về một số kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ dành một phần kinh phí để hỗ trợ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong chống hạn và mặn xâm nhập./.

Từ khóa: Thủ tướng, đồng bằng sông Cửu Long, hạn mặn, Covid-19

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập