Thủ tướng: Bình Dương phát huy truyền thống "Miền Đông gian lao mà Anh dũng"

Cập nhật: 10 giờ trước

VOV.VN - Sáng 26/9, tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; về phía tỉnh Bình Dương có Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoàng Thao, lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh Bình Dương. 

Thời gian qua, tình hình phát triển KTXH của Bình Dương đạt được nhiều kết quả quan trọng,  kinh tế tiếp tục đà tăng khá ở cả 3 khu vực. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,19%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 11,25%, 8 tháng tăng 6,04% so cùng kỳ.

Thu NSNN đạt kết quả tích cực; Xuất nhập khẩu tăng cao, xuất siêu lớn, trong 8 tháng, xuất khẩu đạt 25,6 tỷ USD, tăng 13,7%; nhập đạt 18,2 tỷ USD, tăng 13,4%; xuất siêu 7,4 tỷ USD; Thu hút FDI trong 8 tháng đạt trên 1,36 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, xếp thứ 7/63. Tính đến nay, Bình Dương luôn duy trì vị thế trong nhóm 3 tỉnh thu hút FDI tốt nhất. Đến 31/8/2024, tổng vốn FDI đăng ký tại Bình Dương là hơn 41,8 tỷ USD.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động được quan tâm; triển khai hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội; đời sống Nhân dân được nâng lên. Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 03/38 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng; chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các đồng chí Lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương và những thành tựu quan trọng đã đạt được, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Thủ tướng đã chỉ rõ  6 bài học kinh nghiệm trong đó nhấn mạnh, tỉnh phải quán triệt, triển khai sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước vận dụng vào điều kiện thực tiễn của địa phương; Phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, huy động hiệu quả mọi nguồn lực; tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh, cơ hội nổi trội, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh; Công tác chỉ đạo điều hành phải có tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Càng áp lực thì càng phải nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; phân công nhiệm vụ, giao việc phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chủ động giải quyết công việc với tinh thần: đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được; làm việc nào dứt việc đó. 

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phải phát triển bứt phá trong các lĩnh vực.  Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch; xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch nhất là các dự án trọng điểm.

Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; tiếp tục phát huy mô hình hợp tác công - tư; thu hút FDI có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao.

Nghiên cứu và phát triển khu phi thuế quan, khu thương mại tự do (phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong xây dựng Đề án, trong đó có đề xuất cụ thể về vị trí, quy mô, mô hình tổ chức, thể chế, cơ chế, chính sách và đánh giá tác động một các toàn diện), hướng đến xuất khẩu và thu hút đầu tư; Xây dựng chương trình, kế hoạch kích cầu tiêu dùng trên địa bàn, nhất là dịp Lễ, Tết cuối năm; đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Về các động lực tăng trưởng mới Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và lân cận, trước tiên là giao thông liên kết; thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN; quyết liệt triển khai chuyển đổi số, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển. Triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí.

Về công nghiệp, phát triển hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới. Thúc đẩy chuyển đổi các KCN sang mô hình KCN sinh thái, KCN đô thị - dịch vụ, KCN công nghệ cao; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; Phát triển mạnh các ngành dịch vụ mũi nhọn, hỗ trợ công nghiệp như: thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, logistics, đào tạo nhân lực chất lượng cao…; Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng KTXH đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin, viễn thông.  

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ cơ chế xin - cho; tăng cường đối thoại, đồng hành và giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong ngành, lĩnh vực tiềm năng, ưu tiên. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.

Thủ tướng đề nghị Bình Dương, tiên phong trong chính sách nhà ở xã hội tạo điều kiện cho người lao động mua, thuê, thuê mua nhà ở; Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chú trọng quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hoá tiêu biểu của tỉnh; Giữ vững ổn định chính trị, ninh, trật tự, an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

"Tôi mong muốn và tin tưởng Bình Dương phát huy truyền thống của "Miền Đông gian lao mà Anh dũng", với vị trí, vai trò chiến lược của Bình Dương là cực tăng trưởng quan trọng của vùng động lực phía Nam, trong nhóm 3 địa phương có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước, với đà phát triển những năm qua cùng khát vọng, quyết tâm của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, không ngừng phát huy vị thế là thủ phủ công nghiệp hiện đại hàng đầu Việt Nam, phấn đấu sớm trở thành đô thị loại I, thông minh, văn minh, giàu đẹp; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc", Thủ tướng nói.

Từ khóa: bình dương, thủ tướng chính phủ, thủ tướng phạm minh chính, thủ tướng làm việc với bình dương, tỉnh ủy bình dương

Thể loại: Nội chính

Tác giả: vũ khuyên/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập