Thủ tướng: 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai ngay từ tháng 2

Cập nhật: 17 giờ trước

VOV.VN - Theo Thủ tướng, để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, không còn cách nào khác là phải duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững, liên tục trong 2 thập kỷ tới.

Sáng nay (21/2), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ và đôn đốc đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025.

Cùng dự có các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, lãnh đạo các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương. 

Hội nghị toàn quốc nhằm triển khai các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, nghị quyết số 25 của Chính phủ với tinh thần quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trung thảo luận các vấn đề trọng tâm là: Quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện Kết luận số 123 của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ, bảo đảm tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Các đại biểu đã phân tích, đánh giá bối cảnh tình hình thời gian tới, xác định rõ những khó khăn, thách thức, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong thúc đẩy tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công; xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, tác động mạnh mẽ, hiệu quả trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; là năm tăng tốc, về đích thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025; là năm chuẩn bị bước vào vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; hướng tới 2 mục tiêu chiến lược 100 năm: phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Thủ tướng, để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đó, không còn cách nào khác là phải duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững, liên tục trong 2 thập kỷ tới. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng đã chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế đồng thời cho biết, theo Báo cáo năm 2024 của WB từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế đã thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao, trong khi có tới 108 quốc gia chưa vượt qua. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 là 4.700 USD; nếu tăng trưởng bình quân 7%/năm thì đến năm 2040, Việt Nam mới trở thành nước có thu nhập cao.

Trong đó các nền kinh tế trở thành nước thu nhập cao đều duy trì tăng trưởng cao trên dưới 10%/năm trong khoảng 30 năm, đó là: Nhật Bản; Hàn Quốc; Trung Quốc; Đài Loan; Singapore.

Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,4%/năm trong gần 40 năm đổi mới, vì vậy giai đoạn 2 thập kỷ tới cần tăng tốc, bứt phá mạnh hơn nữa mới có thể đạt được mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2045.

Thủ tướng chỉ rõ, năm 2025, các cấp, các ngành, các địa phương đang thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng: Sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; quyết tâm đạt mức tăng trưởng 8% trở lên để vừa góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2021-2025, vừa tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, niềm tin cho tăng trưởng bình quân hai con số giai đoạn 2026-2030.

Thủ tướng cho biết, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 ngày 8/01/2025 của Chính phủ; được Trung ương đồng ý tại Kết luận số 123 ngày 24/1/2025; tại Nghị quyết số 25 ngày 5/2/2025 của Chính phủ, trong đó xác định mục tiêu tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực, địa phương; và đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường, ngày 19/2/2025 vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra đã được xác định rất rõ: Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, kiên trì, bền bỉ và hành động quyết liệt, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Đây là thời điểm chúng ta phải tăng tốc, bứt phá, tận dụng mọi cơ hội để đưa đất nước “tiến nhanh, tiền mạnh, bay xa, vươn cao” hơn nữa trên con đường phát triển.

Thủ tướng chỉ rõ, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt đồng bộ, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước. Muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, các ngành, các địa phương phải tăng trưởng trên 8%. doanh nghiệp trong, ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân đều phải tăng trưởng 8% trở lên thì cả nước mới đạt được. Không thể nào chỉ có một vài địa phương tăng trưởng trên 8% để kéo cả nước là rất khó, hay là chỉ một vài bộ ngành, chỉ một vài doanh nghiệp.

Trong cùng lúc phải làm rất nhiều việc, bên cạnh tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát được lạm phát để đảm bảo an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, không để ai bỏ lại phía sau, đảm bảo được môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, "không hy sinh tiến bộ công bằng xã hội, không hy sinh bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần". Chúng ta có rất nhiều việc phải làm và sự nỗ lực rất lớn.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung làm mới các động lực tăng trường truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, đầu tư công tiếp tục là một động lực rất quan trọng cho tăng trưởng, là “vốn mồi" để thu hút đầu tư tư nhân, dẫn dặt vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt đầu tư công là hoàn toàn mang tính chủ động vì chính sách huy động nguồn lực là của chúng ta và tổ chức thực hiện cũng là chúng ta.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai ngay trong tháng 2 và quý I/2025, Thủ tướng chỉ rõ: Một là tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, nhất là các Nghị quyết số 01, 02, 03, 25 của Chính phủ, Công điện số 16 ngày 18/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên; GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5-5%.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá” và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Ba là, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Nhất là về đầu tư phải tập trung hoàn thành phân bổ vốn đầu tư công: tổng số vốn đầu tư công 2025 là 826 nghìn tỷ đồng; đã phân bổ 741,1 nghìn tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ 84,8 nghìn tỷ đồng cần phải phân bổ ngay trong quý 1/2025; chưa xong sẽ kiên quyết điều chuyển cho nơi khác.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm, bảo đảm tỉ lệ giải ngân cả năm tối thiểu 95% kế hoạch. Tập trung thực hiện, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Phấn đấu vượt mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào cuối năm 2025. 

Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài, khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu...; khẩn trương khởi động các dự án lớn, trọng điểm như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội - Hải Phòng...

Tập trung triển khai các dự án khai thác không gian phát triển mới là: không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao... Thúc đẩy các dự án FDI lớn đi vào hoạt động; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển lực lượng sản xuất mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với đó thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, trong đó tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.

Tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Khẩn trương hướng dẫn, tập trung triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các chính sách thí điểm mới, đột phá về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát; phát huy hiệu quả các quỹ KHCN; khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; áp dụng mô hình “đầu tư công - quản trị tư”, “đầu tư tư - quản trị công"; bảo đảm sự chủ động, sáng tạo của các nhà khoa học.

Tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc cho Việt Nam. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet, internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí....

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế phải gắn với việc xử lý các vấn đề phát sinh cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đặc biệt là già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự biến động khó lường và rủi ro từ tình hình quốc tế, khu vực.

Bốn là, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Năm là, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỉ lệ giải ngân năm 2025 đạt tối thiểu 95%. Phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của 7 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, 26 đoàn công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương và Tổ công tác đặc biệt của các địa phương để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Sáu là, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, “không để ai bị bỏ lại phía sau".

Bảy là, giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; tăng cường phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là ở cơ sở.

Tám là, cũng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Chín là, tăng cường công tác thông tin, truyền thông; chủ trọng truyền thông chính sách, thông tin chuyên đề, thông tin vĩ mô, đưa tin, nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình, tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, góp phần tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các bí thư, chủ tịch địa phương phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Tạo không khí phấn khởi, đẩy mạnh phong trào thi đua, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ giữa các địa phương, nhất là trong việc giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng.

Tập trung chỉ đạo xây dựng, thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể triển khai các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện và xử lý những vấn đề phát sinh. Lưu ý quyết tâm hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách, giải pháp tạo đột phá phát triển địa phương.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, đúng người, đúng việc dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ, nhất là về việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, mang tính quyết định đến sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Vì sự phát triển trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân, hãy nỗ lực, cố gắng hết sức mình để làm.

 

Từ khóa: Thủ tướng, Thủ tướng, giải ngân vốn, đầu tư công, tinh gọn bộ máy

Thể loại: Nội chính

Tác giả: vũ khuyên/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan