Thủ tục nhận con nuôi như thế nào là hợp pháp?
Cập nhật: 11/10/2023
Công an mật phục bắt kẻ trốn truy nã 17 năm
Bị phạt 30 tháng tù giam vì xâm phạm lợi ích nhà nước, cá nhân
VOV.VN - Nhận con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Vậy thủ tục nhận con nuôi như thế nào là hợp pháp?
Thính giả ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc gửi thư nêu băn khoăn: Tôi và chồng đã kết hôn cách đây 20 năm, mà vẫn chưa có con. Bạn tôi sắp sinh nhưng không có đủ điều kiện để nuôi, vì vậy tôi muốn nhận nuôi đứa trẻ và sẽ gửi cho bạn ấy một khoản tiền. Mẹ đứa trẻ cũng đồng ý. Chúng tôi thỏa thuận thời điểm sinh xong, khi làm giấy chứng sinh sẽ viết tên người mẹ là tên tôi để tiện cho việc làm giấy khai sinh cho con sau này. Tuy nhiên một số người tư vấn cho tôi làm như vậy là mua bán trẻ con trái phép. Xin hỏi như vậy có đúng không? Trường hợp này tôi nên xử lý như thế nào cho đúng quy định?
Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết: pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm giấy chứng sinh. Tuy nhiên, đây là một trong những loại giấy tờ được cấp từ khi mỗi người sinh ra, nhằm dùng làm căn cứ chứng thực, xác nhận sự ra đời của một người. Giấy chứng sinh còn dùng để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ hoặc các thủ tục hành chính khác khi có yêu cầu. Vì vậy, giấy chứng sinh sẽ do cha, mẹ của trẻ khai.
Mặc dù Thông tư không xác định cụ thể người khai có thể là mẹ nuôi hay không. Tuy nhiên, theo quy định của Luật nuôi con nuôi thì một người chỉ được nhận con nuôi đối với trẻ đã được sinh ra ít nhất là 15 ngày tuổi. Do vậy, không thể thỏa thuận việc “mẹ nuôi” (chưa có văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) khai tên mình trên Giấy chứng sinh cho trẻ.
Trong trường hợp này, khi mẹ đẻ của trẻ hoàn thành xong thủ tục khai sinh cho trẻ (họ và tên của cha mẹ là cha mẹ đẻ), người nhận nuôi mới có thể làm thủ tục nhận nuôi con nuôi. Bởi theo quy định tại Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010, việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi. Tại khoản 4 Điều này quy định, cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày. Bên cạnh đó, người nhận nuôi cũng cần phải đáp ứng các điều kiện nhận nuôi con nuôi quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 để được nhận nuôi con nuôi.
Ngoài ra, người nhận nuôi con nuôi không phải chi trả khoản tiền nào cho cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi. Nhưng, trong trường hợp người nhận nuôi muốn hỗ trợ cha mẹ trẻ do hoàn cảnh gia đình khó khăn thì cũng có thể hỗ trợ một khoản chi phí nhưng không mang tính chất chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất.
Bởi, theo quy định tại Điều 151 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội mua bán người dưới 16 tuổi được cấu thành bởi 3 nhóm hành vi khách quan:
- Nhóm hành vi khách quan thứ nhất: Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;
- Nhóm hành vi khách quan thứ hai: Hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
- Nhóm hành vi khách quan thứ ba: Hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi thuộc nhóm một và nhóm hai.
Về mặt chủ quan, hành vi mua bán người dưới 16 tuổi được biểu hiện cụ thể thông qua 3 khía cạnh:
- Lỗi: Lỗi cố ý trực tiếp, người thực hiện hành vi phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể thấy trước được hậu quả xâm phạm quyền tự do thân thể, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của người dưới 16 tuổi bị mua bán nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra (hoặc không mong muốn những vẫn nhận thức được hậu quả).
- Về mục đích: Như đã phân tích ở trên, người thực hiện hành vi này nhằm mục đích: 1) “vụ lợi”, để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; 2) bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc; 3) mục đích vô nhân đạo khác…
- Về động cơ phạm tội: có thể là vì lợi nhuận hoặc thỏa mãn nhu cầu bản thân. Động cơ đê hèn là một tình tiết định khung tăng nặng khi cấu thành tội quy định tại điểm g khoản 2 Điều 151 BLHS năm 2015.
Như vậy, người nhận nuôi con nuôi cần lưu ý để thực hiện quy trình nhận nuôi con theo đúng trình tự pháp luật quy định.
Từ khóa: nhận con nuôi, thủ tục nhận con nuôi, tư vấn luật, luật sư trần xuân tiền, giải đáp luật
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: thu hằng/vov2
Nguồn tin: VOVVN