Thủ tục hải quan, thuế và bảo hiểm xã hội vẫn “hành” doanh nghiệp FDI
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
Đánh giá môi trường kinh doanh ở Việt Nam chuyến biến tích cực, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn than phiền về thủ tục hải quan, thuế, và bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp FDI đang có xu hướng nhỏ đi
Báo cáo điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, đang có sự gia tăng tỷ lệ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô nhỏ. Cụ thể, 9,4% doanh nghiệp (DN) được hỏi cho biết có chưa đến 5 lao động, 11% DN có quy mô từ 5 - 9 lao động, 32% DN có quy mô nhỏ hơn 50 lao động (tỷ lệ tương ứng trong năm 2017 lần lượt là 7,4%, 10,9% và 31%). Trong khi đó, số doanh nghiệp tham gia điều tra có sử dụng 1.000 lao động trở lên giảm từ 6,4% (năm 2017) xuống còn 4% (năm 2018).
Sự thu hẹp quy mô lao động của các doanh nghiệp FDI cũng song hành với sự sụt giảm tương ứng về quy mô vốn.
Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đang có xu hướng nhỏ đi. (Ảnh minh họa) |
Tỷ lệ các DN thuộc bốn nhóm lớn nhất đều giảm trong điều tra PCI – FDI năm 2018. Đáng chú ý, chỉ có 3,9% số DN được hỏi cho biết có vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng, trong khi năm ngoái tỷ lệ này là 5,9%.
Năm 2018, tỷ lệ các DN tăng vốn đầu tư là 11,8%, giảm từ 13,2% của năm 2017. Có 58,2% số DN cho biết tăng quy mô lao động, thấp hơn con số 62,4% trong năm 2017. Điều này cho thấy rõ ràng quy mô của doanh nghiệp FDI đang ngày càng nhỏ dần đi.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI, các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ, hướng tới xuất khẩu và chuyên cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia lớn, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường đến từ châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
“Nhiều doanh nghiệp FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh - nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn. Những doanh nghiệp FDI như vậy có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Đậu Anh Tuấn lo ngại.
Gánh nặng thủ tục hành chính
Về môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp FDI cho rằng những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đang dần có hiệu quả khi các chính sách đã tác động đến thực tiễn kinh doanh.
Cụ thể, việc phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các thủ tục hành chính đã giảm từ khoảng 70% ở các năm 2012 - 2016 giảm xuống còn 66,2% trong năm 2017 và nay là 42,6%.
Đáng ghi nhận, chỉ còn 1,4% DN phàn nàn bị thanh tra quá mức (tiếp đón từ 8 đoàn thanh, kiểm tra trở lên trong một năm) đã giảm từ 4,6% (năm 2016) xuống còn 3,4% (năm 2017).
Theo ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, năm 2018, các DN nói chung, DN FDI nói riêng ghi nhận sâu sắc các xu hướng tích cực đang diễn ra tại Việt Nam như gánh nặng thực thi quy định pháp luật đã được giảm bớt; sự cải thiện đáng kể về các thủ tục hành chính với thời gian rút ngắn hơn, nội dung làm việc của các đoàn thanh kiểm tra không bị trùng lặp; chi phí không chính thức giảm mạnh, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn…
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính như thông quan, bảo hiểm xã hội, thuế và thanh tra, kiểm tra. Bởi đây vẫn là những lĩnh vực doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn, phiền hà.
“Các DN FDI đang có một số điểm đáng lo ngại như quy mô có xu hướng bé đi và một số thủ tục hành chính vẫn bị đánh giá là gây phiền hà như đăng ký đầu tư, phòng cháy, bảo vệ môi trường, lao động… Đây là dư địa để các địa phương tiếp tục nỗ lực chinh phục, hoàn thiện trong thời gian tới”, ông Daniel J. Kritenbrink nói.
Về chi phí không chính thức, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, tình hình cũng được cải thiện đáng kể và rõ nét hơn, 36,5% DN cho rằng “cán bộ nhà nước sử dụng việc giám sát tuân thủ pháp luật ở địa phương để đòi hỏi chi phí không chính thức” và đã giảm so với mức 44,6% trong năm 2017.
Ngoài ra, 39,9% doanh nghiệp đã không ngại tiết lộ tại phiếu điều tra rằng họ đã từng chi trả chi phí không chính thức cho các cán bộ thanh, kiểm tra (song con số này đã giảm so với mức 44,9% của năm ngoái).
Bên cạnh đó, chỉ còn 6,8% doanh nghiệp cho hay phải chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục về đất đai đã giảm so với mức 17,5% trong năm 2017.
Lo ngại mất điện
Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá có nhiều cải thiện trong cung cấp điện và thuận tiện hơn trong kết nối giữa cao tốc, cảng và đường sắt. Tuy nhiên, chất lượng đường sá giữa các địa phương có sự cải thiện không đồng đều, một số các tỉnh như Long An, Tây Ninh... đang bị tụt lại phía sau. Tình trạng mất điện vẫn còn phổ biến.
“Các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất cho biết trung bình họ bị cắt điện 6 lần trong năm vừa qua và 87% cho biết cắt điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp của họ”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác chi phối đến hiệu quả sản xuất là lực lượng lao động, nhưng chất lượng lao động gần như không có sự chuyển biến trong nhiều năm qua. Theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI tại địa phương, chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề cho đối tượng lao động phổ thông là khá tích cực, song Việt Nam vẫn thiếu vắng các vị trí công việc đòi hỏi kỹ năng cao.
Theo đại diện VCCI, các địa phương đã thực hiện thành công các cải cách tương đối dễ, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư… nhưng những nhóm cải cách lớn hơn, liên quan đến đất đai, phối hợp các sở ban ngành hay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì hiện nay đang gặp khó khăn.
“Liệu có phải khuôn khổ thể chế, trần thể chế đang bó buộc họ, chưa tạo thuận lợi cho họ đột phá, sáng kiến mạnh mẽ hơn?”, ông Tuấn đặt câu hỏi./.
Từ khóa: doanh nghiệp FDI, PCI 2018, thủ tục hải quan, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN