Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường dự Hội nghị TICAD lần thứ 7

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Đây là lần thứ 5 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị cấp cao TICAD kể từ năm 2003.

Từ ngày 27-30/8/2019, Hội nghị cấp cao quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 7 đã được tổ chức tại Yokohama, Nhật Bản. Tham gia Hội nghị có đại diện của hơn 50 nước châu Phi, trong đó có 29 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế và châu Phi, đại diện đối tác khách mời và nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và châu Phi.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị. Đây là lần thứ 5 Việt Nam được mời tham dự Hội nghị cấp cao TICAD kể từ năm 2003.

thu truong bo ngoai giao nguyen quoc cuong du hoi nghi ticad lan thu 7 hinh 1
Toàn cảnh Hội nghị cấp cao quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 7 tại Yokohama, Nhật Bản. (ảnh: TTXVN)

Với chủ đề "Thúc đẩy sự phát triển của châu Phi thông qua con người, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Hội nghị đã tập trung thảo luận về 3 trụ cột chính: Thúc đẩy chuyển đổi kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đổi mới sáng tạo và sự tham gia của khu vực tư nhân; Xây dựng xã hội bền vững và tự cường; Tăng cường an ninh và ổn định.

Phát biểu tại Hội nghị, các lãnh đạo châu Phi cam kết thực hiện "Châu Phi im tiếng súng" vào năm 2020, khẳng định xu thế chung kiến tạo hòa bình, nhấn mạnh xây dựng các thiết chế ổn định và uy tín, tăng cường năng lực quản trị của các chính phủ, thúc đẩy các sáng kiến của chính châu Phi nhằm tăng cường hòa bình và ổn định ở khu vực xung đột, đảm bảo an ninh con người và chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Hội nghị đánh giá cao các thỏa thuận hòa bình đạt được gần đây tại Mozambique và một số nước, coi đây là phương thức cơ bản để chấm dứt xung đột tại châu lục.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Phi cũng cho rằng việc Thỏa thuận thương mại tự do toàn châu Phi (AfCFTA) với 54 nước thành viên - FTA lớn nhất thế giới về số nước tham gia kể từ khi WTO ra đời - đi vào hiệu lực sẽ là động lực mới cho hội nhập châu lục, khai thông các dòng chảy thương mại và thu hút đầu tư vào châu Phi.

Nhiều nước châu Phi đặt mục tiêu phấn đấu sớm trở thành các nền kinh tế mới nổi với trình độ công nghiệp hóa cao thông qua chính sách thiết lập các khu vực kinh tế với nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện châu Phi có tới 237 đặc khu kinh tế (SEZ) tại 38/55 nước đang trong quá trình xây dựng hoặc đã vận hành và dự kiến con số này tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Với đặc điểm dân số trẻ (chiếm 19% số người trong độ tuổi thanh niên của thế giới), châu Phi cần đầu tư cho giáo dục và quan tâm tới trao quyền cho phụ nữ như một trong những hướng đi cần thiết để xây dựng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa.

Nhiều tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân cũng đánh giá triển vọng sáng cho châu Phi trong thập niên tới, dự báo tăng trưởng của châu lục có thể đạt 6%/năm và GDP đạt khoảng 2,6 nghìn tỷ vào năm 2020.

Châu Phi có khả năng "đi tắt" dựa trên việc áp dụng các công nghệ mới của cách mạng số cho nhiều lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là nông nghiệp, giáo dục và sức khỏe. Các quốc gia châu Phi cần chú ý nhiều hơn tới kết nối, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy chuyển đổi kinh tế, tạo việc làm, cải thiện năng suất và khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, các vấn đề an sinh - xã hội như chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng, chống biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, giáo dục thanh niên ở châu Phi cũng đã được bàn thảo tại TICAD 7.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết nỗ lực đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân nước này vào tiến trình phát triển của châu Phi, sớm vượt mức 20 tỷ USD đầu tư trong 3 năm tiếp theo. Nhật Bản tiếp tục hợp tác với châu Phi thúc đẩy thực hiện các sáng kiến của châu Phi, xây dựng thể chế thông qua tôn trọng pháp quyền, xây dựng hệ thống tư pháp, năng lực thu thuế và kiểm soát biên giới. Nhật Bản cũng cam kết đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục cho thanh niên, y tế nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp, kinh tế biển và chống biến đối khí hậu.

Kết thúc Hội nghị, các bên tham gia đã nhất trí thông qua Thông cáo Yokohama 2019 và ban hành Chương trình hành động Yokohama 2019 triển khai Thông cáo chung của TICAD 7.

Trong thời gian tham gia Hội nghị, đoàn Việt Nam khẳng định cam kết tiếp tục đồng hành với tiến trình TICAD và tích cực tham gia thảo luận, thể hiện mong muốn đóng góp kinh nghiệm phát triển ở các lĩnh vực có thế mạnh của mình vào quá trình chuyển đổi của châu Phi, đặc biệt là nông nghiệp theo mô hình hợp tác ba bên có sự tham gia của khu vực tư nhân (PPP).

Bên lề Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã có các cuộc tiếp xúc với ông Lejeune Mbella Mbella Bộ trưởng Ngoại giao Cameroon và ông Mario Pezzini, Giám đốc Trung tâm Phát triển OECD để trao đổi phương hướng của hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cũng đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Nikai Toshihiro, Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP), Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt, ông Suzuki Norikazu, Thứ trưởng Nghị sỹ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Kanehara Nobukatsu, Trợ lý Chánh Văn phòng Nội các, Phó Trưởng ban thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, ông Kazuyuki Nakane, Thứ trưởng Nội các và ông Kuroiwa Yuji, Thống đốc tỉnh Kanagawa về quan hệ Việt-Nhật nói chung cũng như quan hệ giữa tỉnh Kanagawa với các tỉnh, thành phố của Việt Nam./.

Từ khóa: Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi, Bộ Ngoại giao, Hội nghị cấp cao TICAD, nền kinh tế mới nổi

Thể loại: Nội chính

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập