Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư, liệu phí chồng phí?
Cập nhật: 21/08/2024
Miền Tây đang thiếu cơ hội nội sinh kinh tế
Cầu vượt đi bộ ở Hà Nội bị sinh viên “biến” thành nơi tập tụ ăn uống thâu đêm
VOV.VN - Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất hai mức thu phí khác nhau cho cao tốc do Nhà nước đầu tư, với mức phí từ 900 đồng đến 1.300 đồng/km đối với xe tiêu chuẩn.
Đây là nội dung trong Dự thảo Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư mà Bộ GTVT đang soạn thảo và lấy ý kiến. Nhiều DN vận tải lo ngại việc thu phí cao tốc dễ gây ra tình trạng phí chồng phí?
Vậy đâu là cơ sở đề xuất các mức phí này, việc thu phí cao tốc có dẫn đến phí chồng phí hay không? PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Đinh Cao Thắng, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đường bộ VN xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết cơ sở đề xuất các mức thu phí trong Dự thảo Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư?
Ông Đinh Cao Thắng: Luật Đường bộ đã Quốc hội ban hành, trong đó có quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc. Nhận thức đây là một chính sách mới, có tác động đến người sử dụng đường bộ. Nên trong quá trình nghiên cứu, xác định mức phí, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, dựa trên các nguyên tắc, trong đó đáng lưu ý là nguyên tắc mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bên cạnh đó, mức thu phải phù hợp với lợi ích, khả năng chi trả của người sử dụng. Sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải đảm bảo còn dư để cân đối vào ngân sách Nhà nước.
Số tiền thu được từ các cao tốc đầu tư bằng ngân sách sẽ nộp lại ngân sách Nhà nước và ưu tiên sử dụng cho đầu tư, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Mức phí được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tính toán và phân tích lợi ích của của chủ phương tiện khi lưu thông trên các tuyến cao tốc. Có 3 phương án quy định mức thu được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu đề xuất áp dụng, gồm phương án thấp với mức phí xác định trên cơ sở 50% lợi ích người sử dụng; phương án trung bình với mức phí xác định trên cơ sở 60% lợi ích người sử dụng; phương án cao với mức phí xác định trên cơ sở 70% lợi ích người sử dụng.
Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất chọn phương án cao (mức 1 tương ứng khoảng 70% lợi ích người sử dụng, khoảng từ 1.300 đồng/xe.km đối với xe tiêu chuẩn) cho các tuyến cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan và hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đồng thời chọn phương án thấp (mức 2 tương ứng khoảng 50% lợi ích người sử dụng, tương ứng khoảng 900 đồng/xe.km đối với xe tiêu chuẩn) cho các tuyến cao tốc đã có chủ trương đầu tư trước khi Luật Đường bộ có hiệu lực chưa đáp ứng đầy đủ quy định tại Luật Đường bộ; mức phí này bằng 50-65% mức thu trên các tuyến cao tốc hiện đang tổ chức thu phí đầu tư theo hình thức BOT và tuyến cao tốc do VEC quản lý.
PV: Nhiều DN vận tải cho rằng hiện nay họ đã phải gánh rất nhiều loại phí, kể cả phí bảo trì đường bộ. Vậy việc thu phí này liệu có xảy ra tình trạng phí chồng phí?
Ông Đinh Cao Thắng: Như đã trình bày ở trên, mức phí đã được cơ quan chuyên môn tính toán trên cơ sở loại trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan; trong đó đã loại trừ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện. Ngoài ra, hiện nay, trên tất cả các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đều đang có đường quốc lộ song hành.
Theo đó, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ hiện có hoặc trả phí sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn. Phí sử dụng đường cao tốc được xác định với nguyên tắc phù hợp với chất lượng nhưng không vượt quá lợi ích thu được và tính đến giá trị lợi ích mang lại của đường cao tốc so với các quốc lộ thông thường cũng như khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.
Cục Đường bộ Việt Nam sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho người tham gia giao thông hiểu rõ việc thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý, khai thác không xảy ra hiện tượng “Phí chồng phí”.
PV: Ông có thể nói rõ hơn lợi ích của việc thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư trong việc tái đầu tư các công trình giao thông đường bộ và bảo trì các tuyến đường cao tốc trong thời gian tới?
Ông Đinh Cao Thắng: Với phương án mức thu như trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với các tuyến cao tốc đang khai thác, số phí thu được có thể đạt 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách nhà nước là 2.850-2.900tỷ đồng/năm. Trong 10 năm tới nhu cầu vốn đầu tư mới đường cao tốc lên đến gần 240.000 tỷ đồng, trong khi vốn bảo trì mới đáp ứng được khoảng 40%.
Việc bố trí nguồn vốn để quản lý, khai thác đường cao tốc chưa kịp thời, đầy đủ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác các tuyến đường bộ. Nếu thu được khoản tiền này, đây sẽ là khoản kinh phí rất quý để Nhà nước có thêm nguồn lực thực hiện công tác bảo trì các tuyến cao tốc hiện hữu, cũng như để đầu tư cho các dự án cao tốc mới. Đó cũng là cách để nâng cao chất lượng hạ tầng, đảm bảo dịch vụ tương xứng với mức phí trên các tuyến cao tốc.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh về số lượng, sự đa dạng của phương tiện và các hình thức vận tải như hiện nay, việc tổ chức thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ góp phần điều tiết lưu lượng phương tiện, giảm áp lực về mật độ phương tiện, giảm nguy cơ mất an toàn giao thông, tăng tuổi thọ công trình và giảm chi phí bảo trì trên các tuyến cao tốc cũng như các tuyến đường bộ song hành.
PV: Xin cảm ơn ông!
Từ khóa: cao tốc, thu phí cao tốc, cao tốc, đầu tư
Thể loại: Xã hội
Tác giả: hoàng hà/vov-giaothong
Nguồn tin: VOVVN