Thu hồi đất nông, lâm nghiệp đang bị lấn chiếm, tranh chấp
Cập nhật: 25/09/2019
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Việc quản lý đất rừng ở các nông, lâm trường đang gặp khó khăn bởi tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất.
Đất rừng vẫn đang bị lấn chiếm trái pháp luật
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết tháng 7/2019, tổng số công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát là 246 đơn vị với diện tích đất giữ lại là gần 1,87 triệu ha, tại 45 tỉnh, thành phố; diện tích các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng là 463.088 ha.
Công tác quản lý đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường trong thời gian qua đãcó nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đánh giá về tổng quan thì việc quản lý sử dụng chưa hiệu quả; tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất có nguồn gốc từ nông lâm trường vẫn còn xảy ra, trong đó có một số vụ việc phức tạp.
Diện tích dự kiến các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng là 463.088 ha. Trong đó, đất giao khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn, đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 267.445 ha, chiếm 57,75% tổng diện tích dự kiến bàn giao. Riêng đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 133.800 ha, chiếm 28,89% tổng diện tích dự kiến bàn giao.
Việc quản lý đất rừng ở các nông, lâm trường đang gặp khó khăn bởi tình trạng tranh chấp. (Ảnh minh họa) |
Ông Hồ Phúc Long - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết, doanh nghiệp quản lý diện tích đất lâm nghiệp cần sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương để đảm bảo giữ đất chống lấn chiếm khi chưa đo đạc và cắm mốc toàn bộ diện tích.
“Tình trạng người dân không ký hợp đồng thuê đất, không trả tiền thuê khoán, tự ý chuyển đổi cây trồng, làm nhà trái phép trên đất lâm nghiệp diễn ra trên diện tích đất của đơn vị quản lý. Tổng công ty đã báo cáo chính quyền nhưng chưa được quan tâm khiến tình hình ngày càng phức tạp”, ông Long nói.
Giao đất rừng về địa phương vẫn khó quản lý
Việc quản lý đất rừng ở các nông, lâm trường đang gặp khó khăn bởi tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất nhưng với diện tích đất dự kiến sẽ bàn giao về cho địa phương để quản lý, sử dụng là 463.088 ha cũng sẽ khó khăn trong quản lý.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho biết, diện tích đất rừng do các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương nhưng chưa thực hiện cắm mốc giới. Điều này khiến việc thực hiện hợp đồng cho thuê đất, đóng thuế đất không thực hiện được vì theo quy định diện tích đất phải được lập hồ sơ đo đạc mới thực hiện cho thuê, thu thuế.
“Đất do tập đoàn, tổng công ty, ban quản lý rừng hầu hết diện tích đã khoán “trắng” cho người dân làm. Hiện muốn thu hồi đất thu hút đầu tư nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao quy mô lớn gặp khó khăn” - ông Nguyễn Đức Quyền nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, đối với đất đã xác định là lấn chiếm, phải thu hồi theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương và các công ty thực hiện các công việc: Tiếp tục phê duyệt phương án sử dụng đất đối với các công ty còn lại; hoàn thành hồ sơ giao đất, thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; rà soát, hoàn thành căn bản cắm mốc ranh giới, cấp bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới căn bản về mô hình quản lý, quản trị công ty, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông lâm nghiệp; duy trì hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường; đất đai phải được đưa vào sử dụng hiệu quả, có giá trị gia tăng trên đất, có chủ là hộ gia đình, tổ chức hoặc cá nhân và được giao theo quyđịnh; đối với đất lấn chiếm, phải thu hồi theo quy định của pháp luật.
Nghiên cứu cơ chế tín dụng đầu tư về trồng rừng, trồng cây thay thế phù hợp, chính sách bảo vệ rừng trồng; rà soát lại đất đã giao nhưng không thu tiền sử dụng đất; rà soát lại thuế sử dụng đất nông nghiệp tại các công ty nông, lâm nghiệp; rà soát lại chính sách cổ phần hóa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ./.
Hà Nội tiếp tục cưỡng chế công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn
Từ khóa: đất rừng, đất nông nghiệp, tranh chấp, thu hồi đất, cắm mốc ranh giới
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN