Thu hẹp đối tượng thuộc diện phải kiểm toán
Cập nhật: 25/10/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Quy định chưa rõ, dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán, vượt ra ngoài phạm vi là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Chiều nay (25/10), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Nguyễn Đức Hải, có ý kiến cho rằng, quy định như Dự thảo luật là mở rộng đối tượng kiểm toán, trái với Luật KTNN và Hiến pháp. Ý kiến khác cho rằng, đối tượng kiểm toán theo Dự thảo luật là rất rộng, cần thu hẹp lại. Có ý kiến đề nghị làm rõ thế nào là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Đức Hải. |
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Dự thảo luật quy định khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” chưa rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau, khi áp dụng dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán, vượt ra ngoài phạm vi là đơn vị quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Vì vậy, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội bỏ điểm 1, điểm 2a khoản 10 Điều 1 trong Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đồng thời, bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.
Nội dung tiếp thu được thể hiện tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo luật (bổ sung khoản 2a Điều 3). Để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Dự thảo luật bổ sung quy định trong trường hợp cần kiểm tra, đối chiếu thì phải đưa vào kế hoạch do Trưởng Đoàn kiểm toán duyệt, thể hiện cụ thể tại khoản 6 Điều 1 Dự thảo luật(sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 39).
Ngoài ra, Dự thảo luật cũng bổ sung quy định KTNN chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán. Nội dung tiếp thu xin được thể hiện cụ thể tại khoản 3 Điều 1 Dự thảo luật (bổ sung khoản 2a Điều 11).
Đồng thời, Dự thảo luật cũng bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN, quyền được khiếu nại về hành vi của thành viên Đoàn kiểm toán, về kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN, thể hiện tại khoản 9, 11, 13, 14 Điều 1 và Điều 3 Dự thảo luật để khách quan, công bằng và bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng này./. Tổng Kiểm toán Nhà nước: Cho phép khởi kiện báo cáo kiểm toán ra tòa
Từ khóa: kiểm toán, Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật KTNN, tài chính công, tài sản công
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN