Thú chơi đào Thất Thốn tốn kém và công phu

Cập nhật: 17/01/2020

VOV.VN -Mỗi độ Tết đến xuân về, người dân Hà thành lại nô nức đi sắm cho được một cành đào trưng trong nhà với ước muốn năm mới may mắn, bình an…

Theo quan niệm của người Việt, màu đỏ của hoa đào tượng trưng cho dương khí, mang hơi ấm mùa xuân xua đi cái lạnh của mùa đông. Hơn thế, đây còn là màu của sự may mắn. Trong ngũ hành, hoa đào cũng biểu tượng cho sự sinh sôi phát triển. Trưng đào Tết, người Việt gửi gắm trong đó niềm ước vọng về một năm mới an khang, vạn sự thịnh vượng, như ý. Bởi vậy mà hoa đào đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đất Bắc, đặc biệt là vùng kinh kỳ dịp Tết.

thu choi dao that thon ton kem va cong phu hinh 1
Đào thất thốn được coi như "hoàng hậu" của các loài hoa đào.

Thế nhưng, nghề chơi cũng lắm công phu. Đào đẹp phải là đào phai, đào bích vùng Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội. Còn theo các nghệ nhân tại Nhật Tân, sành chơi nhất thì phải biết đến đào thất thốn. Giống như tên gọi, giống đào này thường chỉ cao 7 thốn (hơn 1 mét), dáng nhỏ nhắn, không to như đào thế, đào rừng, nhưng lại được coi như “vương hậu” của các loài hoa đào, bởi vẻ đẹp tinh tế, kiêu sa mà hiếm loài đào nào có được.

Đào thất thốn mang vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính. Từ gốc đào đến các cành nhỏ đều có dáng vẻ xù xì, rêu mốc, nổi những u, những mấu. Đặc biệt, những gốc đào lâu năm mang rõ vẻ phong trần, sương gió tựa gốc tùng già.

thu choi dao that thon ton kem va cong phu hinh 2
Đào thất thốn có dáng vẻ xù xì, rêu mốc.

Hoa đào có màu đỏ thẫm, cánh dày, mỗi lớp hoa có 7 cánh. Các cao nhân làng Nhật Tân gọi màu đỏ của đào thất thốn tựa như màu đỏ của hoa trà, đỏ tiết dê, chỉ nở một bông cũng đủ làm ấm cả không gian ngày Tết.

Nếu như những loài đào khác, hoa chỉ ra từ những cành nhỏ, thì với đào thất thốn, nụ đào bung ra từ chính gốc cây xù xì, già cỗi. Có khi hoa vươn lên từ ngay sát mặt đất.

Nghệ nhân Lê Hàm, (làng Nhật Tân, Tây Hồ), người từng có hơn 20 năm gắn bó với giống đào này cho biết, xưa, đào thất thốn chỉ nở vào dịp sau tết, bởi vậy mà ít người đủ kiên nhẫn chờ đợi để ngắm đào. Mỗi cây lại chỉ nở từ 10-20 bông là cùng, nên đào quý, lại càng hiếm hơn. Bởi vậy mà giống đào này cũng khá kén khách chơi. Xưa chỉ những vua quan chốn cung đình, hiền nhân, tao nhân mặc khách mới thưởng đào thất thốn. Nay cũng phải là những người có hiểu biết uyên thâm về hoa đào mới thấu được hết vẻ đẹp của giống đào quý này.

“Bỏng tay”

Muốn chơi đào thất thốn, tuyệt nhiên không thể nóng vội. Nghệ nhân Lê Hàm cho hay, để một cây đào ra hoa, phải mất từ 7-8 năm, còn muốn cây đẹp, mang dáng vẻ phong trần, cổ kính, có khi phải mất đến vài chục năm.
Để trồng ra một cây đào thấn thốn, cũng cần sự chăm sóc hết sức cầu kỳ, cẩn thận, từ khâu chọn đất trồng, đến tưới nước. Theo đó, đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, để đất hết chua. Nước tưới đào cũng phải là thứ nước sạch, để cây đào được thanh cao, tao nhã.

Trồng đào đã khó, nhưng để đào này nở đúng dịp tết lại càng khó hơn nữa. Chinh phục đào thất thốn, để cây đơm hoa đúng dịp tết là mong ước của nhiều người dân làng Nhật Tân từ bao đời nay. Nhiều người Nhật Tân đã từng sạt nghiệp vì muốn thất thốn nở vào đúng dịp Tết mà không thành. Dần dần, không ít người dân làng đã từ bỏ giống đào này để đi theo những giống đào khác như đào bích, đào phai.

Trót “phải lòng” vẻ đẹp kiêu sa của đào thất thốn, hơn 20 năm nay, nghệ nhân Lê Hàm vẫn gắn bó với vườn đất, giải mã cho được bí mật của đào thất thốn.

Đến nay, sau nhiều năm nghiên cứu, nghệ nhân này đã tìm được lời giải để khiến đào nở đúng dịp Tết. Những ngày này, tại vườn đào thất thốn của nghệ nhân Lê Hàm, các gốc đào được ủ kỹ trong phòng điều hòa, đủ nhiệt độ thích hợp để hoa nở đúng dịp tết, đợi khách đến đưa về.
Cũng bởi hiếm và khó trồng, mà đào thất thốn ngày nay trở thành món chơi “bỏng tay” dịp tết.

Theo nghệ nhân Lê Hàm, khách đến vườn đào chủ yếu là thuê và trả gốc sau tết. Giá thuê thấp nhất nhất cũng khoảng 10 triệu đồng 1 cây. Với những cây to, nhiều năm tuổi, giá thuê có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Từng có nhiều năm say mê đào thất thốn, ông Nguyễn Quân (Tây Hồ, Hà Nội), năm nào cũng đến vườn đào của ông Hàm để tìm một gốc đào thất thốn về trưng trong nhà.

“Đào thất thốn không nhiều hoa, nhưng đã nở thì bông nào ra bông ấy, đẹp mê hồn. Có được 1 cây đào thất thốn trong nhà, thấy như mang được cả mùa xuân về nhà”, ông Quân chia sẻ.

Những ngày này, vườn đào thất thốn của gia đình nghệ nhân Lê Hàm đông vui, tấp nập chẳng khác nào chợ hoa tết. Nhiều khách sành chơi đến đây tìmchơi tết. Nhiều nhiếp ảnh gia cũng tìm đến vườn đào để kịp chớp lấy những bông hoa đào chớm nở đầu mùa.

Ngày nay, đào thất thốn đang dần trở lại với người chơi hoa dịp Tết, như dần khôi phục một thú chơi tao nhã của chốn kinh kỳ./.

Đảo hoa đào Vân Đồn vào vụ Tết

VOV.VN - Ai từng một lần chiêm ngưỡng, có lẽ sẽ khó lòng cưỡng nổi vẻ đẹp đượm gió biển, ướp hương rừng của loài đào đá "đặc sản" Vân Đồn.

Từ khóa:

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập