Thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê tươi tại Gia Lai, công nhân chịu thiệt thòi?
Cập nhật: 1 ngày trước
Bất an với hàng trụ điện nằm giữa đường tại TP.HCM
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa: Xây dựng đội ngũ y tế toàn diện y lý, y thuật, y đức
VOV.VN - Thu bảo hiểm xã hội bằng cà phê tươi diễn ra tại tỉnh Gia Lai suốt mấy năm qua. Người lao động tại các công ty cà phê ở Gia Lai mong muốn có sự điều chỉnh phù hợp.
Công nhân bức xúc vì đóng tiền gấp đôi
Trước đây, công nhân tại Công ty Cà phê Ia Sao 1 và Công ty 706 đóng bảo hiểm xã hội hoàn toàn bằng tiền, với mức đóng từ 15 - 28 triệu đồng/người/năm, tùy theo bậc lương.
Tuy nhiên, trong 7 năm qua, Công ty 706 đã thay đổi phương thức thu, yêu cầu người lao động đóng bảo hiểm bằng cà phê, với định mức 1,4 tấn/người/năm (tương đương 23% mức đóng).
Đến năm 2023, Công ty Cà phê Ia Sao 1 cũng áp dụng cách thu này nhưng với mức cao hơn, 1,7 tấn/người/năm. Ngoài phần đóng bằng cà phê, công nhân vẫn phải tự đóng thêm bằng tiền, dao động từ 5 - 10 triệu đồng/người/năm, tùy theo bậc lương.
Với giá cà phê hiện tại, 1,7 tấn cà phê tươi tương đương khoảng 43 triệu đồng. Cộng với khoản tiền mặt, tổng mức đóng bảo hiểm đã vượt 50 triệu đồng, cao gấp đôi so với mức đóng bằng tiền theo bậc lương công nhân.
Một công nhân xin giấu tên chia sẻ: "Nhiều công nhân không đồng tình nhưng nếu không ký hợp đồng thì không có lô để làm. Nghề này đã gắn bó từ thời cha mẹ, giờ không làm công nhân thì biết làm gì? Vì vậy, ai cũng đành phải nhận lô và ký hợp đồng khoán".
Theo bậc lương năm 2023, mức trung bình đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty Cà phê Ia Sao 1 là 23,8 triệu đồng/người, còn tại Công ty Cà phê 706 dao động từ 17 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Tuy nhiên các doanh nghiệp quy định phương án giao khoán, trong đó thu bảo hiểm xã hội bằng sản phẩm cà phê trên đơn giá 10.000 đồng/kg và đã được Tổng công ty Cà phê Việt Nam phê duyệt trước khi triển khai.
Giải thích về cách làm này, ông Trịnh Xuân Bảy - Giám đốc Công ty Cà phê Ia Sao 1 - cho biết, công ty hiện quản lý 500ha cà phê với gần 300 công nhân nhận khoán, thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội. Công ty thu bảo hiểm xã hội bằng sản phẩm (1,7 tấn/năm) và sau đó nộp cho cơ quan bảo hiểm bằng tiền theo thang bảng lương công nhân.
Ông Bảy cho rằng doanh nghiệp chỉ đóng vai trò trung gian để giúp công nhân thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm. Phần tiền chênh lệch sau khi đóng bảo hiểm được tính vào chi phí doanh nghiệp.
"Thời điểm xây dựng phương án, đơn giá cà phê là 10.000 đồng/kg. Chúng tôi đã cam kết nếu giá giảm xuống 5.000 đồng/kg thì cũng không thu thêm từ công nhân. Nếu giá tăng, khoản chênh lệch sẽ được kết cấu vào chi phí doanh nghiệp để thực hiện bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp giá giảm, công ty sẽ phải bù vào để đảm bảo mức đóng 23,5% theo quy định".
Trong bối cảnh giá cà phê liên tục tăng cao, người lao động tại các công ty cà phê ở Gia Lai mong muốn có sự điều chỉnh phù hợp, để mức đóng bảo hiểm phản ánh đúng nghĩa vụ thực tế, tránh gây thiệt thòi cho công nhân.
Từ khóa: cà phê, thu bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, cà phê tươi, công nhân, tây nguyên, gia lai, cà phê, tổng công ty cà phê việt nam, vina cà phê,thu bảo hiểm xã hội, bhxh, ia sao 1, công ty 706
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nguyễn thảo/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN