Thót tim nghe cựu Biệt động Sài Gòn kể chuyện tấm thẻ “Căn cước Rồng xanh”

Cập nhật: 08/02/2024

VOV.VN - Câu chuyện của ông Lâm Quốc Dũng với tấm thẻ “Căn cước Rồng xanh” giả cùng rất nhiều câu chuyện khác về lực lượng Biệt động Sài Gòn, về lực lượng cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mãi là niềm tự hào, cần được nhắc nhớ và tôn vinh.

Có rất nhiều câu chuyện về lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc kháng chiến cứu nước ở miền Nam trước năm 1975. Câu chuyện nào cũng thật đặc biệt, mang dấu ấn trí tuệ Việt và thấm đẫm tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh cho độc lập dân tộc. Câu chuyện về tấm thẻ “Căn cước Rồng xanh” của những năm 1968 là một câu chuyện đặc biệt như thế.

Ông "Quận trưởng" của Biệt Động Sài Gòn

Từ những năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Miền Nam ngày càng ác liệt, lực lượng Biệt động Sài Gòn- Gia Định liên tiếp có những trận đánh, những chiến công ngay trong lòng đô thị Sài Gòn.

Để đưa được lực lượng cách mạng vào nội thành, trà trộn, tham gia vào bất cứ công việc gì, nhiều thẻ căn cước giả đã được phía cách mạng làm như thật. Người làm ra những tấm căn cước đó là ông Lâm Quốc Dũng, biệt danh “Dũng râu”.

Ở đô thị Sài Gòn khi ấy, chỉ có Quận trưởng mới có thẩm quyền ký vào tấm thẻ căn cước cho người dân, nên anh em Biệt động thành đặt cho ông "Dũng râu" cái chức danh “Quận trưởng”.

Ông Lâm Quốc Dũng kể, nhập ngũ năm 1964, ông được đưa về bộ phận in ấn, Phòng Tuyên truyền của Quân khu Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định. Năm 1965 ông được đơn vị đưa đi học một lớp về khắc mộc, khắc dấu…Sau đó ông được chuyển về bộ phận Quân báo để cùng với 2 người khác làm giấy tờ giả. Làm nửa chừng thì 2 người kia được rút ra trực tiếp chiến đấu nên còn mình ông Dũng quán xuyến công việc.

“Quận trưởng Dũng râu" không nhớ nổi mình đã làm bao nhiêu tấm căn cước cho bao nhiêu đồng chí đồng đội để qua mắt địch, sinh sống và hoạt động ngay trong nội thành. Chỉ riêng dịp trước Tết Mậu Thân 1968, ông đã làm hàng trăm bộ giấy tờ giả: 

"Chuẩn bị Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 thì toàn bộ lực lượng Biệt động tập trung về tập huấn, quán triệt tinh thần của cuộc tấn công. Lúc này công tác làm giấy giả của tôi rất dồn dập, tập trung khoảng 200 quân vừa phục vụ chiến đấu vừa trực tiếp chiến đấu, mà đa số không có giấy tờ thì không thể lọt vào thành phố được. Do đó, tôi phải quán xuyến, làm đủ giấy tờ, kịp cho anh em về tập kết ở Sài Gòn"- ông Lâm Quốc Dũng nhớ lại. 

Những người từng được ông Dũng làm căn cước giả lúc đó hoạt động ở nhiều mắt xích, với nhiều vai trò trong lực lượng Biệt động. Trong đó có bà Nguyễn Thị Phương, nguyên Thư ký Tư lệnh Trần Hải Phụng, Quân khu Sài Gòn- Gia Định. Bà Phương nhớ lại, có rất nhiều người ở nhiều bộ phận tham gia thầm lặng đằng sau những trận đánh, những chiến công, như ông “Dũng râu”: 

"Có những chiến công đánh vào quân thù được thì ở đằng sau đó có rất nhiều lực lượng được chỉ đạo bởi Bộ Tư lệnh Thành, rất sát sao, rất trí tuệ. Tôi là một trong những người được anh Dũng làm cho căn cước giả để đi vào thành phố, đưa thư từ cho các nơi"- bà Nguyễn Thị Phương cho hay. 

“Căn cước Rồng xanh” và trí tuệ người cách mạng

Sau trận Mậu Thân năm 1968, nhiều chiến sĩ Biệt động hy sinh, bị bắt. Phía địch phát hiện các tấm căn cước của các chiến sĩ cách mạng là giả và quyết định thay căn cước. Theo ông Dũng, đến khoảng tháng 10/1968, chính quyền lúc đó thay toàn bộ căn cước của người dân miền Nam.

Tấm căn cước mới dùng công nghệ in ấn đặc biệt của Mỹ lúc đó và ngay chính giữa có hình một con rồng in bằng mực phản quang màu xanh nên người dân gọi là “Căn cước Rồng xanh”. Khi đó, phía chính quyền Sài Gòn tin chắc rằng Việt cộng không thể nào làm giả tấm căn cước này.

Và thật tình thì ông "Dũng râu" cũng bỏ bao công sức ra nghiên cứu nhưng không thể làm giả như thật, vì hạn chế về kỹ thuật cũng như vật liệu. Tuy nhiên, ông nghĩ, không thể bó tay mà nhất định phải tìm được giải pháp nên thử làm bằng rất nhiều cách. Cuối cùng, ông Dũng cũng làm được “Căn cước Rồng xanh”, đủ để các chiền sĩ cách mạng qua mắt được các trạm kiểm soát thông thường.

"Tôi nghiên cứu kỹ xem sao mà cái căn cước này nó khó dữ vậy. Cái gì thuộc về hóa chất in ấn, chữ nghĩa thì ngoài khả năng. Nhưng với lòng quyết tâm thì tôi chọn tấm thẻ căn cước Rồng xanh rõ nét nhất, sắc nét nhất rồi tôi căn con rồng, căn đi căn lại năm lần bảy lượt, khi đạt nhất rồi thì lấy đó in căn cước. Thì tôi làm như vậy cho anh em mình xài được một thời gian"- ông Lâm Quốc Dũng cho biết. 

Căn cước ông "Dũng râu" làm ra, chỉ những người trong nghề hoặc được đem soi dưới ánh sáng đặc biệt thì mới bị phát hiện. Mà phía địch thì vẫn chủ quan là không thể làm giả được. Thế nên, quân ta lại tiếp tục trả trộn hoạt động bằng căn cước của “Quận trưởng Dũng râu” cấp.

Bà Trần Thị Yến Ngọc khi đó có biệt danh là “Thu Bà Điểm”, là giao liên của Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn- Gia Định kể, sau trận Mậu Thân 1968, có lần bà dùng căn cước giả, đóng vai vợ sĩ quan ngụy, đi từ căn cứ vào Sài Gòn.

Bà đã nhanh trí để lấy lại tấm căn cước giả đó, đồng thời không để lộ thân phận: "Chính tôi có lần cùng bị tụi nó xét căn cước, nó bóp tấm căn cước cho bung ra và hét lên: đây là căn cước giả. Lúc đó tôi giật tấm căn cước lại, cho ngay vào túi xách, đồng thời dùng tay trái giáng cho thằng lính đó một bạt tai và lu loa lên: Tao là vợ sĩ quan Đà Lạt mà mày dám nói tao dùng căn cước giả. Vừa đánh vừa chửi vừa tấn công nó, để tôi có thể vào Sài Gòn".

Bí mật là nguyên tắc sống còn của Biệt động do phải sống, chiến đấu giữa sào huyệt của địch, chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay”, thầm lặng trên mọi mặt trận. Và các chiến sĩ Biệt động được đi ra ngoài hợp pháp với tấm căn cước giả được cấp từ ông "Dũng râu".

Mỗi người mỗi nhiệm vụ, ở mỗi vị trí khác nhau, nhưng dẫu ở vị trí nào, họ đều là những con người  mưu trí, sáng tạo, linh hoạt, sẵn sàng gánh vác công việc. Ông Lâm Quốc Dũng là một minh chứng

Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn- Gia Định nhớ lại: "Không chỉ người ra trận mới chiến đấu hy sinh mà người làm việc thầm lặng cũng hy sinh chiến đấu. Bởi vì, Mỹ và chính quyền ngụy sài Gòn lúc đó có các máy móc thiết bị hiện đại. Còn với chúng ta, chỉ có đôi bàn tay và đặc biệt là một tinh thần yêu nước, tinh thần mưu trí, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và quyết làm".

Câu chuyện của ông Lâm Quốc Dũng với tấm thẻ “Căn cước Rồng xanh” giả cùng rất nhiều câu chuyện khác về lực lượng Biệt động Sài Gòn, về lực lượng cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mãi là niềm tự hào, cần được nhắc nhớ và tôn vinh.

Từ khóa: biệt động sài gòn, biệt động sài gòn, căn cước rồng xanh, lâm quốc dũng

Thể loại: Nội chính

Tác giả: minh hạnh/vov- tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập