Thông tư 20/2022/TT-NHNN (Thông tư 20) hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nướcngoài
Cập nhật: 24/03/2023
(VOV5) -Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
Ngày 30/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 20 hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
Luật sư Phùng Quang Cường, Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự sẽ nêu một số điểm nổi bật cần lưu ý liên quan đến hoạt động chuyển tiền của người cư trú là tổ chức như sau:
Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và cộng sự.
Nhà B23, Khu Biệt thự Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: (84)02435376939. Fax: (84)02435376941
Website:www.nhquang.com
Thứ nhất, quy định các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho mục đích chuyển tiền một chiều của tổ chức, bao gồm 02 trường hợp sau:
(i) Ngoại tệ được mua, chuyển, mang ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ, bao gồm:
· Tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ.
· Tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, được lấy từ nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ.
· Tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.
(ii) Ngoại tệ được mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài trong những trường hợp khác:
· Trả thưởng cho người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài tham gia các chương trình, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật có liên quan. Nguồn tiền trả thưởng từ người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc người cư trú là tổ chức.
· Chuyển tiền một chiều ra nước ngoài từ nguồn tài trợ tiếp nhận của người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cho mục đích (i) phân bổ tiền tài trợ cho các thành viên ở nước ngoài tham gia thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam và nước ngoài và (ii) hoàn trả tiền tài trợ thực hiện các dự án ở Việt Nam theo các cam kết, thỏa thuận với bên nước ngoài từ nguồn tài trợ tiếp nhận của người không cư trú là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
· Nguồn ngoại tệ chuyển, mang ra nước ngoài cho các mục đích nêu trên bao gồm: (i) Ngoại tệ trên tài khoản thanh toán, (ii) Tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ và (iii) Ngoại tệ mua của ngân hàng được phép. Theo đó, việc sử dụng và mua ngoại tệ nêu trên của các tổ chức đều sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của ngân hàng được phép.
Thứ hai, quy định về mức ngoại tệ mua, chuyển, mang tiền ra nước ngoài. Hầu hết mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài được căn cứ vào số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan mà không bị giới hạn về hạn mức chuyển tiền. Riêng đối với trường hợp mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nhằm mục đích tài trợ cho các chương trình, dự án để hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, mức ngoại tệ chuyển ra nước ngoài sẽ căn cứ vào số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan nhưng tối đa không vượt quá 50 nghìn đô la Mỹ hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương một lần chuyển tiền. Cần lưu ý, các tổ chức chuyển tiền ra nước ngoài cho mục đích tài trợ trong trường hợp này chỉ được mua, chuyển ngoại tệ tại duy nhất một ngân hàng được phép trong toàn bộ quá trình thực hiện tài trợ cho mỗi chương trình, quỹ, dự án.
Thứ ba, quy định về việc thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác, bao gồm: (i) Các khoản thanh toán và chuyển tiền liên quan đến các hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh...; (ii) Các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, các khoản chi trả bảo hiểm xã hội; (iii) Các khoản đóng phí bảo hiểm, tái bảo hiểm,... theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc chi trả bồi thường, quyền lợi bảo hiểm; (iv) Các chi phí theo quyết định hoặc bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc trọng tài hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam; (v) Các khoản tiền phạt, bồi thường do làm hư hỏng tài sản, gây thương tích mà chưa được bảo hiểm chi trả. Các khoản thanh toán và chuyển tiền trên đều phải thực hiện thông qua các ngân hàng được phép.
Thông tư 20 được ban hành với mục tiêu xây dựng khung pháp lý thống nhất, chi tiết cho các tổ chức trong việc thực hiện hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài. Không chỉ ban hành các nội dung cụ thể về việc mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và việc thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác, Thông tư 20 còn quy định về trách nhiệm của các ngân hàng được phép và các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động này. Do đó, các tổ chức cần cập nhật và nghiên cứu các quy định của Thông tư 20 để đảm bảo thuận lợi trong quá trình chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài (nếu có), cũng như đảm bảo tuân thủ thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này.Từ khóa:
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5