Thông tin thêm về 2 chiếc thuyền cổ vừa phát hiện ở Bắc Ninh

Cập nhật: 15 giờ trước

VOV.VN - Theo các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ nhận định, đây có thể là hai thuyền chở hàng hóa trên dòng sông Dâu, được đấu nối cố định với nhau. Đây là một phát hiện độc đáo, có cấu trúc lạ.

Ngày 26/3, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo đầu bờ kết quả khai quật khẩn cấp di tích thuyền cổ khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Hội thảo có sự tham dự có các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tham quan hiện trường, thảo luận đóng góp ý kiến vào hai vấn đề: Nhận định và đánh giá bước đầu về di tích thuyền cổ, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị về di tích thuyền cổ.

TS. Phạm Văn Triệu - Phó trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học) - cho biết, trong quá trình khai quật và nghiên cứu bước đầu, đây có thể là thuyền song thân, 2 đáy với kỹ thuật ghép mộng khá cao. Toàn bộ thuyền dùng đinh gỗ, lòng thuyền được đục từ một thân cây gỗ nguyên.

“Đây là một phát hiện rất có giá trị bởi tính độc đáo của hiện vật. Bởi vị trí phát hiện cách thành Luy Lâu khoảng 1km, cách chùa Dâu khoảng 600m về phía Đông Bắc nên có thể từng được sử dụng để chở hàng hoá lưu thông trên dòng sông Dâu xưa”- TS. Phạm Văn Triệu thông tin.

Về niên đại của 2 chiếc thuyền cổ, TS. Phạm Văn Triệu cho hay hiện tại chưa thể kết luận vì còn chờ kết quả lấy mẫu phân tích Carbon-14 và các nghiên cứu liên quan khác. Hiện đoàn khảo cổ đang chờ kết quả phân tích từ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, ước tính cần khoảng 20 ngày.

PGS. TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam nhấn mạnh, đây là 2 con thuyền chưa từng thấy ở Việt Nam, từ vật liệu, kỹ thuật, cách đóng tàu cho đến cấu trúc.

“Nhằm đánh giá toàn diện, khách quan các nhà khoa học cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu, mở rộng để đánh giá thật sâu sắc, nhận diện giá trị của nó, đồng thời đưa ra giải pháp bảo tồn để biết được giá trị của lịch sử văn hóa Việt Nam”- PGS. TS Tống Trung Tín chia sẻ.

PGS.TS Bùi Minh Trí - Phòng Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học) đề xuất phương án bảo tồn đối với 2 chiếc thuyền cổ: "Thứ nhất, lấp lại khu vực khảo cổ, đóng lại di tích để bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất, khoanh lại khu vực này và đưa hình ảnh 3D tái hiện về di tích để phục vụ du khách, người dân. Thứ hai, bảo tồn tại chỗ không lấp, xây dựng thành bể và có nước để bảo tồn, du khách có thể đến xem trực tiếp. Giải pháp này cũng sẽ tốn kinh phí mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài".

Trước đó, trực tiếp kiểm tra tại hiện trường và nghe báo cáo của các bên liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học tiếp tục thực hiện khai quật, làm rõ các dữ kiện, đánh giá tổng thể giá trị về niên đại, tính chất, tính liên hệ vùng, khu vực của di tích thuyền cổ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia cùng tham gia nghiên cứu, phản biện để có đánh giá chuẩn xác về giá trị của di tích thuyền cổ. Chính quyền địa phương có phương án đảm bảo an ninh, an toàn tại khu vực khai quật và di tích thuyền cổ; tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa.

Hình ảnh khai quật khẩn cấp 2 thuyền cổ do phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam ghi lại:

thuyen_co_13.jpg

Hiện trạng khai quật 2 thuyền cổ ở Bắc Ninh

VOV.VN - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật 2 chiếc thuyền cổ có chiều dài khoảng 15m, rộng 2,2m và 1 chiếc dài 14m, rộng khoảng 1,6m.

Từ khóa: thuyền, Sự thật, 2 chiếc thuyền cổ,phát hiện, bắc ninh,thuận thành,thuyền cổ

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: tiến dũng - văn giang/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập