Thống nhất giảm lệ phí đăng ký xét tuyển đại học
Cập nhật: 25/03/2021
Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo điều tra vụ 2 người tử vong nghi do ngộ độc
Chế tạo khoang bí mật trên xe bán tải để vận chuyển vảy tê tê
[VOV2] - Ngày 15/3, tại hội nghị Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng Sư phạm năm 2021, để phần nào giảm áp lực cho thí sinh, các trường đã đạt được sự thống nhất cao về giảm lệ phí đăng ký xét tuyển từ 30.000/nguyện vọng xuống còn 25.000 đ/nguyện vọng.
Theo quy định của Luật Giá, Luật Phí, lệ phí; Luật Giáo dục đại học sửa đổi... việc quy định mức giá dịch vụ tuyển sinh thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Do vậy từ năm 2020, Bộ GD-ĐT đã không quy định mức thu như mọi năm vẫn làm.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định, kỳ thi tuyển sinh năm 2020, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường tính toán mức giá tuyển sinh đảm bảo ổn định như các năm trước để thí sinh chủ động quy trình và ổn định tâm lý.
Thực tế kỳ tuyển sinh năm 2020, các trường Đại học vẫn giữ mức lệ phí xét tuyển là 30.000 đồng/nguyện vọng.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng Sư phạm năm 2021, PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) đề nghị các cơ sở giáo dục đại học phải thống nhất phương án thu, chi kinh phí xét tuyển năm 2021 với các Sở GD-ĐT.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, quy trình công tác tuyển sinh thường phức tạp, tốn nhiều công sức. Nếu thực hiện quy định pháp luật, mỗi trường phải đi đàm phán lệ phí xét tuyển với các Sở GD-ĐT sẽ rất phức tạp, tốn công, tốn sức.
Do vậy, PGS.TS Nguyễn Phong Điền đề nghị nhóm các trường đại học thống nhất với nhau và cử đại diện đàm phán với các sở GD-ĐT. Hoặc sau khi các trường thống nhất về mức phí thì Bộ GD-ĐT có thể đứng ra làm việc với các Sở.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cũng đề xuất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mức phí xét tuyển nên giảm xuống 25.000 đồng/nguyện vọng thay vì 30.000 đồng/nguyện vọng như các năm trước. Trong đó, 15.000 đồng/nguyện vọng sẽ chuyển về cho các Sở GD-ĐT để làm chi phí hỗ trợ các trường tuyển sinh.
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, việc thu lệ phí tuyển sinh nên có sự chỉ đạo thống nhất của Bộ GD-ĐT để tránh phức tạp vì đây chỉ là một khâu rất nhỏ.
Trong khi đó, đại diện ĐH Mỏ- Địa chất cho rằng, các trường nên có sự thống nhất trong mức phí chứ không nên mỗi trường có một mức phí xét tuyển khác nhau khiến thí sinh phải so sánh phí trường này cao hơn, phí trường kia cao hơn.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, theo quy định hiện nay, mức giá dịch vụ tuyển sinh thuộc trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, hiện việc vận hành phầm mềm tuyển sinh, duy trì cơ sở vật chất, đường truyền đã ổn định nên các trường nên cân nhắc giảm chi phí tuyển sinh xuống.
TS. Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) đề nghị các trường cân nhắc giảm lệ phí tuyển sinh từ 30.000 đồng/nguyện vọng xuống 25.000 đồng/nguyện vọng (giảm 5.000 đồng/nguyện vọng). Và mức giảm này là ở phần hỗ trợ quản lý công tác tuyển sinh của của Bộ GD-ĐT. Do vậy, sẽ không ảnh hưởng tới chi phí tuyển sinh của các Sở GD-ĐT và của các trường Đại học.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng nói rõ, một phần nhỏ lệ phí tuyển sinh được chuyển cho công tác quản lý Nhà nước. Nhưng phần chi phí này chủ yếu để duy trì đường truyền, hỗ trợ kỹ thuật chứ không phải là chi trả trực tiếp cho cán bộ hỗ trợ công tác tuyển sinh vì đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ công chức, viên chức.
Hầu hết các trường Đại học đã đạt được sự thống nhất cao về việc giảm lệ phí đăng ký xét tuyển đại học năm 2021 xuống còn 25.000 đồng/nguyện vọng.
Từ khóa: tuyển sinh, lệ phí xét tuyển, giảm lệ phí xét tuyển, nguyện vọng, đại học, Bộ GD-ĐT
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2