Thống kê học, ngành học đón đầu kỷ nguyên số 4.0
Cập nhật: 16/06/2021
Kon Tum đưa Tết đến vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số (23/1/2025)
THỜI SỰ 21H30 ĐÊM 23/1/2025: Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa mừng Xuất Ất Tỵ.
(VOV5) - Thống kê là môt ngành học có khả năng gắn kết với nhiều lĩnh vực và rất thiết thực cho cuộc sống, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hòa nhập vào xu thế của kỷ nguyên số
Trong kỷ nguyên công nghệ số khi mà Big Data (Dữ liệu lớn) được coi là coi là nguồn tài nguyên quý giá nhất của thế giới thì việc phân tích dữ liệu lớn đang trở thành một trong những lĩnh vực được đánh giá cao và được giới trẻ quan tâm.
Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, ngành thống kê, khoa học dữ liệu đang rất cần bổ sung nguồn nhân lực từ các bạn trẻ yêu thích công nghệ và đặc biệt với môn toán thống kê. Đánh giá cao nguồn nhân lực toán ở Việt nam, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lê Minh, người Việt tại Hoa Kỳ luôn mong muốn được trở về nhiều hơn để đóng góp cho sự phát triển ngành toán học quê nhà.
“Tôi cho rằng Big Data được ví như một núi sỏi. Nhưng chỉ với núi sỏi đó chưa giúp được cho mình điều gì cả. Muốn núi sỏi đó đưa mình đến đâu thì rất cần người kỹ sư làm đường, chuyển núi sỏi đó thành con đường hay phân loại đá quý làm trang sức. Đó chính là lĩnh vực thống kê. Và người làm ra con đường đó chính là những người làm thống kê, phân tích dữ liệu. Vì thế, thống kê và Dữ liệu lớn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Thống kê chính là động lực, phương pháp để chuyến núi sỏi thô đó cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau”. Giáo sư Lê Minh nói,
Những kiến thức căn bản cho Data Scientist khá đa dạng |
Đặc biệt, trong kỷ nguyên số khi kết hợp với Toán học và Công nghệ thông tin thì nhiệm vụ của thống kê cho phép khám phá tất cả các khía cạnh của dữ liệu, hướng đến giải quyết một số bài toán then chốt trong cách mạng công nghiệp 4.0.
“Chúng ta đang sống trong môt thế giới biến chuyển liên tục, thay đổi rất nhanh. Các dữ kiện mà chúng ta có hiện nay là được thu thập trong quá khứ. Nếu chúng ta chỉ dùng các dữ kiện thu thập đó dùng cho ngày hôm nay là chưa chính xác. Nhà thống kê học phải biết làm gì, phân loại dữ liệu ra sao để dùng cho tương lai. Big Data được ví như Núi sỏi thô có thể trong đó chứa nhiều rác, sỏi, hoặc đá quý thậm chí cả vàng, kim cương. Vậy nhiệm vụ của người làm thống kê là phải biết phân loại chúng để dùng cho mục đích gì và sử dụng ra sao”.
GS toán học Đỗ Lê Minh, người Việt tại Hoa Kỳ |
Theo GS Lê Minh, để thực hành ứng dụng Big Data thật sự hiệu quả trong cuộc sống thì cần phải có phương pháp phân tích Data science phù hợp từng lĩnh vực như y tế, ngân hàng, kinh tế, dịch vụ…Và, để tạo ra được những thuật toán hay phương pháp đó rất cần những nhà toán học tài năng.
Nhiều năm gần đây, thường xuyên trở về Việt Nam tham gia giảng dạy và tổ chức hội thảo, tham vấn với các chuyên gia trong ngành, GS Lê Minh nhận thấy rằng, thị trường Big Data tại Việt Nam có nhiều triển vọng. Tuy nhiên việc khai thác nguồn tài nguyên đó trong nước chưa xứng với tiềm năng, bởi ngành học về phân tích dữ liệu áp dụng với Big Data hiện còn khá mới mẻ ở Việt Nam. GS Lê Minh chia sẻ:
“Người Việt Nam rất giỏi, đặc biệt vô cùng thông minh về toán. Nhưng vấn đề là phần lớn các em được gọi là thần đồng về toán học lại đều lại muốn theo con đường làm toán thuần túy. Mà toán thuần túy chưa biết bao giờ trở thành toán ứng dụng được. Tôi muốn các em thấy rằng thống kê học là một môi trường ứng dụng rất thực tế mà các em phải dấn thân vào chứ không chỉ là nghiên cứu thuần túy. Cái thuần túy là những nước tân tiến họ cần chứ Việt Nam lại đang cần những ứng dụng thực tế trong đó Data science là một trong cái áp dụng lớn nhất.”
Kỹ năng về thống kê và xác suất rất quan trọng trong Data Science. Ảnh minh họa |
Theo các nghiên cứu, ở Việt Nam, hệ thống phân tích dữ liệu tự động đang được đưa vào sử dụng ngày càng nhiều các công ty. Tuy nhiên, nó vẫn chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của người sử dụng, 80% lượng công việc không thể tự động hóa; 20% còn lại có thể thực hiện bằng máy nhưng hiệu quả chưa cao. Những vấn đề phức tạp hơn vẫn cần đến tư duy của con người mới có thể giải quyết được.
GS Đỗ Lê Minh hi vọng rằng trong tương lai, ngành thống kê học ở Việt Nam phát triển sẽ đào tạo những nhà phân tích dữ liệu, lập trình viên tài năng để tạo ra những công cụ, phương pháp ứng dụng toán trong phân Big Data hữu ích nhất: “Toán xác suất thống kê là ngành học rất cần thiết và quan trọng bởi thống kê ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Với các em giỏi toán, tôi muốn nói rằng, toán nghiên cứu thuần túy không phải con đường duy nhất các em chọn mà toán ứng dụng là cả một cánh đồng chưa được khai phá. Chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội mở ra. Ở đó, còn rất nhiều bài toán chưa được giải đáp và nếu các em bước vào và giải các bài toán đó sẽ là đóng góp vô cùng quan trọng cho xã hội và cho sự phát triển của Việt Nam”
Có thể thấy, thống kê là môt ngành học có khả năng gắn kết với nhiều lĩnh vực và rất thiết thực cho cuộc sống, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hòa nhập vào xu thế của kỷ nguyên số và cuộc cách mạng CN 4.0. Chính vì thế, cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp của những người theo đuổicon đường nàycũng đang rất rộng mở.
Từ khóa:
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5