Thời thế thay đổi, Nga-Mỹ không còn “mặn mà” với Hiệp ước INF
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Từng được coi là một thỏa thuận lịch sử thời Chiến tranh Lạnh song vì sao Nga và Mỹ lại muốn Hiệp ước INF sụp đổ hơn là cứu vãn nó?
Hiệp ước INF bị "xóa sổ", Nga – Mỹ đổ lỗi cho nhau
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận kiểm soát vũ trang lịch sử thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ đã chính thức sụp đổ ngày 2/8 làm dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới và để ngỏ nhiều câu hỏi về những động cơ phía sau sự sụp đổ này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Năm 1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã ký với nhau Hiệp ước INF cấm triển khai các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.000 km. Hơn 2.600 tên lửa đã bị phá hủy vào năm 1991.
Tuy nhiên, ngày 2/8/2019, Mỹ và Nga đã chính thức rút khỏi Hiệp ước này sau khi đổ lỗi cho đối phương đã vi phạm thỏa thuận.
"Nga hoàn toàn phải chịu trách nhiệm cho việc Hiệp ước INF sụp đổ", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định. Ông Pompeo cáo buộc Moscow đã không phá hủy hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 - loại vũ khí mà Washington cho là vi phạm Hiệp ước.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa ra tuyên bố cho rằng: "Bằng việc rút khỏi Hiệp ước INF, Mỹ đã hủy hoại các công cụ quốc tế không phù hợp với mình khi viện đến những lý do khác nhau. Điều này đã dẫn đến thỏa thuận kiểm soát vũ trang này sụp đổ".
Hồi tháng 2/2019, chính quyền Tổng thống Trump đã thông báo Mỹ sẽ tạm dừng tuân thủ Hiệp ước INF và sẽ rút khỏi Hiệp ước này sau 6 tháng nếu Nga không tuân thủ. 1 ngày sau đó, Nga tuyên bố nước này cũng sẽ rút khỏi Hiệp ước lịch sử này đồng thời phủ nhận các cáo buộc của Mỹ.
Tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo rằng các động thái của Washington khi phá vỡ Hiệp ước INF cũng như các thỏa thuận kiểm soát vũ trang khác sẽ khiến Mỹ "gậy ông đập lưng ông".
Trong khi đó, ngay sau khi Hiệp ước INF bị "xóa sổ", chính phủ Mỹ tuyên bố nước này sẽ đẩy nhanh việc phát triển các loại tên lửa thông thường.
Thời thế thay đổi
Mỹ cáo buộc tên lửa 9M729 của Nga có tầm bắn xa hơn mức cho phép. NATO cũng có đồng quan điểm với Mỹ, rằng việc Nga vi phạm thỏa thuận chính là lý do Hiệp ước INF sụp đổ. Về phần mình, Nga cho rằng Mỹ cũng vi phạm thỏa thuận khi hệ thống phòng thủ Aegis Ashore của nước này ở Romania có khả năng phóng các tên lửa tấn công từ mặt đất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vậy thực sự đâu là bên phá vỡ Hiệp ước và tại sao họ lại muốn thấy Hiệp ước này sụp đổ hơn là cứu vãn nó?
Washington và Moscow luôn cáo buộc đối phương là bên vi phạm khiến Hiệp ước INF sụp đổ. Tuy nhiên, đó có vẻ chỉ là “cái cớ” để họ hợp thức hóa việc rút khỏi Hiệp ước này bởi lý do thực sự cho việc Hiệp ước INF bị "xóa sổ" lại liên quan đến sự thay đổi trong cán cân quyền lực quân sự - khi mà môi trường an ninh hiện nay so với thời Chiến tranh Lạnh khi Hiệp ước này được ký kết đã chuyển biến đáng kể. Rõ ràng, trong một thế giới đa cực, các thỏa thuận song phương không còn là một cơ chế kiểm soát vũ trang thực sự hiệu quả.
Khi Hiệp ước INF được ký kết năm 1987, căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Liên Xô đang leo thang đến mức đáng báo động khi cả hai đều lắp đặt hệ thống tên lửa tầm trung khắp châu Âu. Sự cân bằng quân sự không ổn định đặt châu Âu vào thời điểm đó ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm. Nhưng ngày nay, mọi thứ đã thay đổi, bất chấp việc Nga - Mỹ vẫn tồn tại nhiều bất đồng, thách thức lớn nhất của chính trị quốc tế không phải là Nga mà là sự nổi lên của Trung Quốc.
Các nhà quan sát cho rằng việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động quân sự khiến Mỹ cần tăng cường sự hiện diện của các tên lửa phóng từ mặt đất tại châu Á trong khi loại vũ khí này lại bị cấm trong Hiệp ước INF. Tổng thống Trump đã nhiều lần yêu cầu thỏa thuận kiểm soát vũ trang này phải được đàm phán lại, trong đó có cả Trung Quốc song Bắc Kinh không "mặn mà' với ý tưởng này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định: "Trung Quốc không tán thành việc biến INF thành một Hiệp ước đa phương" với lý do được đưa ra là Bắc Kinh có ít hơn nhiều số lượng tên lửa và hạt nhân so với Nga và Mỹ. Giống như Mỹ, Nga nhận ra Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự và Moscow có nhiều lý do để lo ngại mặc dù Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình luôn tỏ ra là những người bạn thân thiết với nhau.
Nhưng nỗi lo của Nga không chỉ là vì Trung Quốc. Hiệp ước INF chỉ cấm các loại tên lửa thế hệ cũ được phát minh trước thời của Tổng thống Reagan và nhà lãnh đạo Gorbachev song cả Nga, Mỹ và Trung Quốc hiện nay đều đang phát triển các loại tên lửa siêu thanh mới, bay nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ âm thanh. Nếu được trang bị thêm đầu đạn hạt nhân, các tên lửa siêu thành này sẽ giảm đáng kể thời gian cần thiết để thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân.
Viễn cảnh một thế giới không còn Hiệp ước INF
Việc Hiệp ước INF sụp đổ hôm 2/8 tức là Mỹ và Nga chỉ còn thỏa thuận hạt nhân song phương duy nhất có hiệu lực là Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START). Tuy nhiên, hiệp ước này cũng đang bị đe dọa "xóa sổ" khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố hồi tháng 6 rằng Washington sẽ không mở rộng thời hạn của thỏa thuận này sau năm 2021.
"Rút khỏi Hiệp ước INF mà không có biện pháp đi kèm sau đó chẳng khác nào một lời mời gọi cho cuộc chạy đua vũ trang", Thượng nghị sĩ Bob Menendez - một thành viên trong Ủy ban Quan hệ Quốc tế Thượng viện Mỹ nhận định.
Trong khi đó, Daryl Kimball - giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ trang cũng đồng quan điểm với ông Menendez khi cho rằng: "Xóa sổ Hiệp ước INF mà không có kế hoạch kiểm soát vũ trang nào thay thế có thể mở ra một viễn cảnh nguy hiểm về cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ".
Trên thực tế, những lo ngại này không phải bị làm quá lên khi mà chỉ vài giờ sau khi Hiệp ước lịch sử này sụp đổ, Lầu Năm Góc thông báo Mỹ sẽ phát triển các tên lửa thông thường phóng từ mặt đất.
"Các tên lửa lớp INF, dù là được trang bị vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường đều khiến tình hình trở nên bất ổn bởi chúng có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga hoặc ở Tây Âu mà hầu như không có bất kỳ cảnh báo nào. Khả năng tấn công các mục tiêu trong thời gian ngắn của chúng làm gia tăng nguy cơ của những tính toán sai lầm trong một cuộc khủng hoảng", chuyên gia Kimball cảnh báo.
David Wright - một chuyên gia tổ chức Liên minh các nhà khoa học liên quan (Union of Concerned Scientists, Mỹ) đã miêu tả Hiệp ước INF là một thành công về mặt ngoại giao khiến thế giới trở nên an toàn hơn.
Chuyên gia này cũng thừa nhận rằng: "Thực tế là việc Mỹ và Liên Xô có thể tiến đến một thỏa thuận vào thời điểm đó là một bước đột phá đáng kể. Việc Hiệp ước INF sụp đổ có thể khiến số lượng tên lửa trên khắp thế giới tăng lên cũng như làm xói mòn lòng tin giữa 2 quốc gia và đặt họ vào thế đối đầu”.
Các nhà quan sát lo ngại sự sụp đổ của các hiệp ước kiểm soát hạt nhân cuối cùng sẽ khiến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ trở nên nguy hiểm và phức tạp hơn trong tương lai.
“Có lẽ rồi họ sẽ nhớ lại các bài học của những năm 1960 và những năm 1980, rằng các hiệp ước kiểm soát vũ trang dù không hoàn hảo song vẫn là một công cụ hữu ích để ứng phó với cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường", ông Steven Pifer - một học giả của Viện Brookings khẳng định./.
INF bị xóa sổ - Thế giới mất “phanh hãm” chiến tranh hạt nhân
Từ khóa: Hiệp ước INF sụp đổi, xung đột quân sự Nga Mỹ, Nga Mỹ đối đầu, chạy đua vũ trang, Trung Quốc từ chối INF
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN