“Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc“: Dẫn nhập của Nguyễn Trương Quý
Cập nhật: 06/12/2022
(VOV5) -Những bài hát ái quốc được viết ra trong nửa đầu thập niên 1940 của các ban nhóm hay các cá nhân đã trở thành phương tiện đóng góp cho cao trào giải phóng dân tộc năm 1945
Cuốn du khảo "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc" của nhà văn, họa sĩ Nguyễn Trương Quý sắp ra mắt bạn đọc ngày chủ nhật cuối tuần này tại hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, nơi từng là giảng đường lớn Đại học Đông Dương, bối cảnh cho những câu chuyện được khảo cứu trong cuốn sách này. Xin trích giới thiệu cùng quý vị phần đầu lời Dẫn nhập của cuốn sách, để khởi một hành trình tìm lại những câu chuyện của 80 năm trước.
Tân nhạc Việt Nam là thuật ngữ được dùng để gọi những bài hát theo hình thức âm nhạc Tây phương do các nhạc sĩ người Việt sáng tác, xuất hiện vào thập niên 1930, nhằm phân biệt với cổ nhạc để chỉ các hình thức âm nhạc dân gian truyền thống nói chung. Tân nhạc cũng như văn xuôi và Thơ Mới viết bằng chữ quốc ngữ, hội họa của các họa sĩ học trường Mỹ thuật Đông Dương hay tân văn để chỉ báo chí, cùng với rất nhiều thứ có từ tố “tân” hay “mới” trong tên gọi, đã tạo ra một không gian văn hóa mới và để lại ảnh hưởng trong suốt thế kỷ XX, cho đến giờ vẫn còn còn dư địa để nghiên cứu.
Trong hình dung của giới nghe nhạc Việt Nam, tân nhạc thường được gắn với sự phổ biến của những bài hát lãng mạn, có giai điệu theo các bước nhảy khiêu vũ hoặc phong cách các bài hát thơ, có lời ca hoa mỹ, diễn đạt những tình tứ của một thế hệ thanh niên tân thời. Đó là một sự giản lược có những chủ ý nhất định.
Những thanh thiếu niên Việt Nam hát những bài hành khúc như quốc ca Pháp hay các bài hát hướng đạo bằng tiếng Pháp không khó để nhận thấy các tư tưởng tự do dân chủ phương Tây trong đó cũng xứng đáng dành cho đồng bào của mình. Khi họ dịch lời gốc ra tiếng Việt, đặt lời ta cho điệu Tây, và hát những lời ca này lên bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, họ đã tạo ra một cảm giác mới mẻ, nếu như không nói là kích thích một ý niệm dân tộc rõ nét thông qua phương tiện ngôn ngữ và âm nhạc.
Cuộc ra mắt những bài hát tân nhạc cuối thập niên 1930 nằm trong một khung cảnh lớn hơn của những cuộc vận động văn hóa, xã hội Việt Nam. Những sự thay đổi này liên quan đến bối cảnh chính trị lúc bấy giờ, gắn với những biến động ở chính quốc khi Mặt trận Bình dân của các đảng cánh tả Pháp nắm quyền và phong trào ánh xạ của nó ở Đông Dương là Mặt trận Dân chủ Đông Dương, một diễn đàn chính trị mà những người cộng sản lần đầu ra mắt công khai, sau những năm bị đàn áp nặng nề trước đó.
Tuy nhiên, tình thế này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ Hai bùng nổ. Nước Pháp bại trận và đầu hàng Đức quốc xã. Chính quyền thuộc địa dưới sự chi phối của chính phủ thân phát xít ở chính quốc cũng như sự khống chế về quân sự của quân phiệt Nhật ở Đông Dương, siết lại các diễn ngôn chính trị, đồng thời tạo ra một hệ tư tưởng mới về “cách mạng quốc gia”, tiến hành các phong trào thể thao và văn hóa thu hút giới trẻ, nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng của Nhật, và nhất là hạn chế tác động của các lực lượng giải thực trỗi dậy.
Bối cảnh này dẫn tới nảy sinh một mối bận tâm trong thanh niên Việt Nam về lịch sử và địa chính trị đất nước. Tân nhạc, kịch nói, thi đấu thể thao, xây dựng nhà ở kiểu mới và truyền bá việc học chữ quốc ngữ cho người nghèo là vài trong số những hoạt động sôi nổi với sự chủ trương của một số hội đoàn văn hóa giáo dục. Những bài hát tân nhạc là một phương tiện gọn nhẹ, dễ truyền bá, kết hợp giữa lời ca mang tính văn học với giai điệu kiểu phương Tây quyến rũ thanh niên, trở thành sản phẩm báo hiệu vị thế đi đầu trong cuộc tập hợp lực lượng.
Bên cạnh những bài hát tình yêu khắc họa ý thức về cái tôi cá nhân trong vùng ảnh hưởng của Thơ Mới và văn xuôi lãng mạn, những bài hát yêu nước cũng được viết ra trong khí quyển của chủ nghĩa dân tộc, một ý niệm trỗi dậy từ nhận thức về quốc gia dân tộc mà chính người Pháp có sẵn trong hệ tư tưởng cách mạng Pháp của họ. Đây cũng chính là những bài hát có ảnh hưởng đến đám đông trẻ tuổi, được gọi chung bằng cái tên “những bài hát thanh niên - lịch sử”. Những đám đông này có những nhóm âm nhạc dẫn đường. Thành lập vào đầu thập niên 1940, Ban âm nhạc Tổng hội Sinh viên Đại học Đông Dương đã trở thành một hạt nhân quan trọng của trào lưu sáng tác tân nhạc, cùng với nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng hay các nhóm nhạc sĩ trẻ đầu tiên của tân nhạc như Tricéa, Myosotis ở Hà Nội.
Đây là những hạt nhân văn nghệ tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến thanh niên thông qua các hoạt động phụ trợ cho các buổi diễn thuyết, diễn kịch, quyên góp hay hướng đạo. Âm hưởng của những bài ca này khơi gợi những tâm tình về cộng đồng là yếu tố quyết định thành công của họ. Chúng có khả năng vượt ra khỏi phạm vi đô thị để thẩm thấu đến vùng nông thôn chính là nhờ những diễn ngôn về cộng đồng có màu sắc huyền thoại “con Lạc cháu Hồng”.
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5