Thói quen con người trên thế giới sẽ thay đổi ra sao sau Covid-19?
Cập nhật: 15/04/2020
VOV.VN - Đại dịch Covid-19 có thể thay đổi đáng kể thế giới sau khi dịch này được khống chế. Nhiều thói quen mới của con người có thể được giữ lại.
Đại dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra đã đẩy thế giới loài người vào một thử nghiệm xã hội chưa từng có tiền lệ: giãn cách xã hội như một điều bình thường mới.
Dịch Covid-19 có thể thay đổi thế giới dài lâu về hành vi sau khi virus gây bệnh này bị khống chế. Tranh minh họa: Henry Wong. |
Nhằm khống chế sự lan truyền của Covid-19 (căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra), chính phủ các nước trên thế giới đầu tiên khuyến khích sau đó yêu cầu bắt buộc người dân phải thực hành giãn cách xã hội (duy trì khoảng cách vật lý an toàn giữa các cá nhân). Người dân được yêu cầu ở nhà và làm việc từ xa bất cứ khi nào có thể, tránh nơi đông người, và ngừng tụ tập giao lưu xã hội.
Các nhà khoa học về hành vi cho rằng giãn cách xã hội là một thử thách đối với con người vì loài người vốn bẩm sinh mang tính xã hội cao.
Từ khi giãn cách xã hội được thực hiện, học sinh-sinh viên phải theo học các lớp trực tuyến, khách hàng đứng cách xa nhau hàng mét tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, nhân viên vừa làm ở nhà vừa trông con, nhiều hoạt động xã hội như sinh nhật, đi nhà thờ, hẹn hò, thậm chí cả tang lễ… được tiến hành qua video.
David Savage, Phó Giáo sư kinh tế học hành vi tại Đại học Newcastle ở Australia cho rằng loài người mang tính xã hội cao và hiện nay thực sự có rất ít người là thực sự sống biệt lập. Theo ông, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, con người ít giao lưu theo kiểu gặp trực diện thì họ lại chuyển qua giao lưu trong thế giới ảo.
Các chuyên gia dự báo khi đại dịch Covid-19 qua đi, con người sẽ hào hứng bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên họ cũng dự báo rằng Covid-19 sẽ tạo ra một số hành vi và chuẩn mực xã hội mới tiếp tục được duy trì sau dịch. Chẳng hạn, việc làm việc từ xa (từ nhà) sẽ trở nên phổ biến hơn nữa. Khẩu trang sẽ được bình thường hóa ở những nơi mà trước đó chúng bị hắt hủi. Và các bài giảng, các cuộc họp, hay hội nghị sẽ được tổ chức nhiều hơn qua công cụ internet. Bên cạnh đó, việc rửa tay có thể sẽ trở thành một nếp tốt phổ biến.
Đặc khu hành chính Hong Kong
Hong Kong (Trung Quốc) là nơi từng chịu ảnh hưởng nặng nề của hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS trong các năm 2002-2003 nên tinh thần cảnh giác ở đây tương đối mạnh khi người dân ở đây đối mặt với dịch Covid-19. Công chúng Hong Kong đã nhanh chóng đeo khẩu trang, làm việc từ xa, và thực hiện giãn cách xã hội ngay khi dịch Covid-19 mới bùng phát.
Nhưng sau vài tuần, tinh thần cảnh giác của người dân Hong Kong bắt đầu đi xuống và chính quyền nơi này phải thực thi các biện pháp cứng rắn hơn, như cấm tụ tập quá 4 người, đóng cửa các tụ điểm như quán bar hay trung tâm gym, và yêu cầu các nhà hàng không được để khách đông quá một nửa công suất của họ.
Donald Low – một nhà kinh tế học hành vi ở Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) cho rằng các thói quen mới như là dạy học online và hội thảo từ xa có thể dễ dàng tích hợp vào cuộc sống của con người hậu đại dịch Covid-19.
Low dự báo, con người sẽ giữ lại và tận dụng lợi ích của các trải nghiệm như làm việc từ xa, dạy học trực tuyến, đeo khẩu trang, và rửa tay thường xuyên.
Philippines
Theo một cuộc thăm dò dư luận toàn thế giới do các nhà nghiên cứu đến từ các trường Đại học Warwick, Oxford, và Princeton thực hiện, hơn 80% những người được hỏi cho biết họ đang ở nhà, và hơn 90% cho biết họ không tụ tập xã hội. Mức giãn cách xã hội cao được ghi nhận ở các quốc gia như Argentina, Ecuador, và Philippines.
Chẳng hạn, ở Philippines, chính phủ đã thực hiện các biện pháp cách ly rốt ráo để bảo đảm người dân tuân thủ giãn cách xã hội. Cảnh sát Philippines đã bắt hàng trăm người vi phạm quy định về giãn cách và cách ly.
Giáo sư Ronald Del Castillo chuyên ngành y tế công cộng tại Đại học Philippines Manila cho biết, vào thời điểm tuần thứ 4 thực hiện cách ly xã hội, hầu hết người Philipppines hợp tác với lời kêu gọi của chính quyền là hãy ở nhà, hạn chế ra ngoài.
Castillo cho biết người dân Philippines giờ đã quen với việc xếp hàng dài khi mua tạp phẩm và đứng giãn cách nhau từ 1 đến 2m.
Tuy nhiên việc áp dụng giãn cách xã hội vẫn là điều khó với một bộ phận dân chúng nghèo tại Philippines vì những người này sống trong những nơi chật chội.
Castillo dự đoán sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, thì một thời gian sau đó, nhiều người dân nước này sẽ giữ thói quen rửa tay trong 20 giây, đeo khẩu trang nơi công cộng, và có thể sẽ giữ thái độ dè chừng khi ai đó hắt hơi hoặc ho.
Vũ Hán (Trung Quốc) dỡ bỏ phong tỏa, người dân đi chôn cất tro cốt
Israel
Chính quyền Israel đã áp dụng các quy định giãn cách xã hội chặt chẽ hơn trong vài tuần qua, cấm người dân rời khỏi nhà trừ khi đi làm hoặc thực hiện những công việc cần kíp khác. Họ cũng yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng và hạn chế số lần tụ tập cầu nguyện.
Ido Erev, trưởng bộ môn khoa học hành vi tại Viện Công nghệ Israel, cho biết tại Israel, việc thực hiện giãn cách xã hội gặp một số khó khăn như với các cộng đồng Do Thái giáo chính thống cực đoan – những người này sống trong các căn họ nhỏ với vài đứa con.
Trước thực tế này, Erev cho biết chính quyền Israel đã phải vận dụng bài học kinh nghiệm thành công ở Đông Á.
Theo Erev, về lâu dài, việc đeo khẩu trang có thể sẽ trở nên bình thường hơn ở Israel và nơi đây cũng chấp nhận việc thực hiện giám sát xã hội phục vụ mục đích y tế.
Erev nói: “Bạn bè của bạn đều làm thế thì bạn cũng sẽ làm thế. Chúng ta sẽ đi lại ít hơn, sử dụng mọi thứ hiệu quả hơn, quan tâm nhiều hơn tới môi trường”.
Nam Phi
Tại Nam Phi, cảnh sát và quân đội đã đi tuần trên phố để thực hiện việc phong tỏa toàn quốc, mà theo đó các hoạt động không thực sự cần thiết sẽ bị ngừng lại.
Bankole Falade – nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho biết các biện pháp cách ly xã hội tại đây “nhìn chung là thành công”, ngoại trừ một số trường hợp bất tuân lệnh. Chính quyền nước này vẫn đang tiến hành chiến dịch giáo dục công chúng về sự cần thiết phải ở nhà vào lúc dịch bệnh này.
Theo Falade, châu Phi đã có một số kinh nghiệm với dịch bệnh do virus, như là dịch Ebola 2014-2016 nhưng quy mô của đại dịch Covid-19 hiện nay có thể tạo ra hiệu ứng dài hạn đối với các hành vi như rửa tay.
Australia và Ireland
Cụm từ “giãn cách xã hội” đã rất phổ biến trên thế giới trong thời gian qua. Theo Phó Giáo sư Salvage, những lời kêu gọi thực hành điều đó này đã khá thành công ở Australia, tuy nhiên ông vẫn ghi nhận có những phần tử xem đại dịch Covid-19 là việc vặt vãnh và chỉ gây bất tiện cho xã hội. Salvage cho rằng nhóm người này bao gồm các đối tượng thích liều lĩnh hoặc các đối tượng nhận thức kém, cho rằng virus này không có thật hoặc nếu có thì cũng chẳng phải là mối đe dọa.
Shane Timmons, đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội ở Dublin, Ireland, cho biết người dân tại nước này đã sẵn lòng hơn trong việc thay đổi hành vi để thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Timmons cho biết, người dân Ireland đã tích cực làm việc từ nhà nếu điều này khả thi, và giao lưu xã hội qua công nghệ hội thảo từ xa. Timmons cũng ghi nhận người dân Ireland chấp nhận đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng bệnh dù đây vốn không phải là văn hóa của xứ này./.
Từ khóa: Covid-19, đại dịch, bệnh truyền nhiễm, thay đổi thói quen, giãn cách xã hội
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN