Thoát khỏi địa ngục, phi công tù binh làm thay đổi tiến trình cuộc chiến

Cập nhật: 21/02/2020

VOV.VN - Phi công-tiêm kích Liên Xô đã cướp máy bay ném bom Đức trốn thoát khỏi một trại tập trung cùng thông tin tuyệt mật về các vũ khí mới

Trại tù binh Sachsenhausen - địa ngục trần gian

Dưới thời Đức Quốc xã, trại tập trung Sachsenhausen được mệnh danh là trại tử thần - nơi các phương pháp giết người tinh vi nhất được thử nghiệm trên các tù nhân. Ở đây, tù nhân có thể bị bắn bằng súng máy trong các trường bắn đặc biệt, bị đầu độc bằng chất độc, bị nhốt trong xe bịt bùng chứa khí độc với lò hỏa táng di động, cũng như bị thử nghiệm với các loại thuôc nổ mạnh và các loại bệnh nguy hiểm...

Trại Sachsenhausen nằm dưới sự giám sát trực tiếp của Himmler - kẻ cầm đầu SS. Trong số 200 nghìn người đã trải qua “lò” này, 100 nghìn người đã bị giết chết một cách dã man. Cuối tháng 4/1945, Sachsenhausen được Hồng quân giải phóng và cho đến năm 1950 nó hoạt động với vai trò là một trại thanh lọc của Bộ Nội vụ Liên Xô.

Người tù binh được đổi số

Thượng úy Cận vệ, phi công-tiêm kích, Anh hùng Liên Xô Mikhail Petrovich Devyatayev sinh năm 1917, là con thứ 13 trong gia đình nông dân, tại tỉnh Tambov, thuộc vùng đất đen trù phú của nước Nga. Gia nhập Hồng quân năm 1938, năm 1940, Mikhail tốt nghiệp trường Không quân mang tên Vorosilov và trở thành phi công quân sự. Tham gia chiến đấu từ những ngày đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc, Phi đội trưởng Devyatayev của Trung đoàn Không quân Tiêm kích 104 đã bắn hạ 9 máy bay địch, trong đó có 3 máy bay ném bom. Tối 13/7/1944, cùng các đồng đội đánh trả máy bay phát xít Đức trên bầu trời vùng Lviv, máy bay Devyatayev bị trúng đạn và bốc cháy.

thoat khoi dia nguc, phi cong tu binh lam thay doi tien trinh cuoc chien hinh 1
Thượng úy phi công tiêm kích Anh hùng Liên Xô Devyatayev; Nguồn: globallookpress

Khi nhảy dù, anh rơi trúng bộ ổn định máy bay, bất tỉnh và bị quân Đức bắt. Sau khi bị thẩm vấn, Devyatayev được chuyển đến sở tình báo Abwehr, và từ đó, đến trại tù binh Lodz - nơi anh cùng với một nhóm tù nhân thực hiện âm mưu vượt ngục, nhưng bị bắt. Những kẻ vượt ngục không thành đã bị tra tấn dã man và bị đưa đến trại tử thần Sachsenhausen để bị hãm hại. May mắn, tại trại đi dễ khó về Sachsenhausen, nhờ sự giúp đỡ của người thợ cắt tóc bằng cách thay chữ số khâu trên áo sọc tù nhân, Devyatayev từ một tử tù trở thành tù binh bị phạt dưới cái tên Stepan Grigoryevich Nikitenko (đã chết) mà quân Đức đã không chú ý.

Sau khi bắt liên lạc với cơ sở bí mật trong trại, viên Thượng úy đã tiết lộ danh phận của mình - không phải là thầy giáo trường làng Nikitenko người Ukraine, mà là phi công chiến đấu Liên Xô Devyatayev, đã qua hai trại tập trung, và bị gửi đến Sachsenhausen để thanh trừng. Mạng lưới bí mật trong trại đã giúp để Devyatayev được chuyển đến một trại tập trung của Đức trên đảo Usedom ở Baltic - nơi có trung tâm tên lửa Peenemünde và một trong những bãi thử nghiệm vũ khí siêu mật mới đang được phát triển là tên lửa hành trình V-1 và tên lửa đạn đạo V-2 của Đệ tam Quốc xã.

Cuộc đào thoát độc nhất vô nhị

Tại Usedom, Devyatayev bị bắt làm việc tại đội phục vụ sân bay. Cùng với các tù nhân khác, anh bốc dỡ xi măng, làm đường băng bê tông và... không quên quan sát hoạt động thường ngày của người Đức. Vì công việc nặng nhọc, trời băng giá, để giữ ấm cho mình, các tù nhân đã khoác túi giấy xi măng lên mình dưới những bộ quần áo rách nát, họ bị đánh đập tàn nhẫn và bị đe dọa phải chịu những hình phạt hà khắc hơn. Những gã cai ngục Đức đã không nhận ra rằng trong số các tù nhân chiến tranh đang tham gia bảo trì, sửa chữa sân bay bí mật, có một phi công chiến đấu của Liên Xô.

Devyatayev tập hợp một nhóm những người có cùng chí hướng cho kế hoạch cướp máy bay, cá nhân anh cũng đã giúp mọi người về kiến thức hàng không. Trong quá trình ngụy trang thiết bị, Devyatayev tìm cách quan sát động tác phi công Đức nối xe ắc quy với mạng điện máy bay, cách khởi động động cơ, cách sử dụng các nút và công tắc trong buồng lái… Chú ý đến cả các tình tiết nhỏ nhất, vì Devyatayev là một phi công lái máy bay tiêm kích và không thành thạo điều khiển máy bay ném bom dạng Heinkel He 111 H-22 của Đức.

thoat khoi dia nguc, phi cong tu binh lam thay doi tien trinh cuoc chien hinh 2
Devyatayev trong một cuộc triển lãm ở Moscow; Nguồn: ТАСС

Cuộc đào thoát theo kế hoạch suýt bị vỡ bởi một sự cố - Devyatayev đã tham gia vào một vụ ẩu đả với một tù nhân thân Đức và chuẩn bị hợp tác với bọn phát xít. Lính SS đã ập đến can thiệp, đánh và cho Devyatayev “sống thêm 10 ngày”. Hàng ngày, chúng thay nhau đánh viên phi công đến bất tỉnh, đánh bằng bất cứ thứ gì có trong tay. Cảm nhận mình không thể chịu đựng được nữa, Devyatayev quyết định hành động. Thảo luận với các đồng chí về mọi chi tiết, Devyatayev ấn định ngày hành động là ngày 8/2.

Vào ngày hôm đó, bọn Đức, như thường lệ, kéo nhau đi ăn trưa, chỉ để lại những tên lính gác sân bay. 10 tù nhân rón rén tiếp cận chiếc máy bay ném bom - vốn do chỉ huy đơn vị không quân Đức từng được thưởng Huân chương Chữ thập sắt hạng 1 lái - mở cửa cabin và leo lên máy bay. Do hồi hộp và vết thương nghiêm trọng với khối máu tụ, Devyatayev loay hoay và không thể ngay lập tức khởi động được động cơ để cất cánh. Lính Đức nhận thấy có gì đó không bình thường cũng đã vội vã chạy đến gần máy bay. Tuy nhiên, lòng căm giận và khao khát trả thù quân phát xít đã giúp viên phi công tiêm kích chiến thắng, đưa được chiếc máy bay ném bom lên không trung.

Bọn Đức hạ lệnh các đơn vị phòng không nhả đạn và tung cả máy bay tiêm kích truy đuổi. Một máy bay chiến đấu do Trung tá Gunther Hobom từng được thưởng hai Huân chương Chữ thập sắt và Chữ thập Đức bằng vàng điều khiển, đã được phái đi đánh chặn, nhưng những đám mây đã cứu nguy những kẻ đào thoát. Các phi công của Đức Quốc xã trên những chiếc máy bay Focke-Wulfs đi ném bom trở về, trong đó có Đại tá Walter Dahl, đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy những người mặc áo tù trong buồng lái chiếc Heinkel 111. Họ được lệnh bắn hạ khẩn cấp máy bay ném bom bị đánh cắp, nhưng đã không thể làm điều đó, vì hết đạn.

thoat khoi dia nguc, phi cong tu binh lam thay doi tien trinh cuoc chien hinh 3
Nơi yên nghỉ của Anh hùng Liên xô Devyatayev ở Kazan; Nguồn: wikipedia.org

Khi chiếc Heinkel 111 sang đến lãnh thổ Liên Xô, cánh phải và thiết bị hạ cánh bị trúng đạn của Hồng quân, nhưng các cựu tù nhân phát xít đã hạ cánh một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, Devyatayev và những người tham gia đào thoát phải vượt qua một bài kiểm tra của Bộ Nội vụ có thể kéo dài nếu Tổng công trình sư thiết kế máy bay nổi tiếng Sergei Korolev - người đứng đầu Ủy ban tiếp quản và nghiên cứu tên lửa của Đức Quốc xã - không can thiệp một cách tình cờ. Tháng 9/1945, Korolev đến Usedom và được thông báo có một phi công đã cướp máy bay thành công từ một hòn đảo chiến lược của người Đức.

Devyatayev chỉ ra tọa độ chính xác của các vị trí tên lửa chiến lược của Đức tại căn cứ Peenemunde, cho phép Hồng quân không kích tiêu diệt không chỉ V-2, mà cả phân xưởng ngầm sản xuất bom uranium, dập tắt hy vọng tiếp tục chiến tranh của Hitler. Sau này được biết, chiếc Heinkel 111 bị cướp không phải là máy bay bình thường, mà là một máy bay được tích hợp hệ thống điều khiển và chỉ thị mục tiêu cho tên lửa bí mật V-1 và V-2 bằng vô tuyến. Chiến công Devyatayev đã khiến toàn bộ Đệ tam Quốc xã rung chuyển; trùm phát xít Hitler và Herman Goering - Bộ trưởng Bộ Hàng không Đức tuyên bố viên phi công là kẻ thù cá nhân của mình. Goering đã cùng các thẩm phán quân đội SS đến ngay hiện trường và xử bắn tại chỗ chỉ huy trại tù, bốn lính canh SS cùng một số binh sĩ khác. Đây là vụ vượt ngục có một không hai trong lịch sử thế giới.

Tháng 11/1945, Devyatayev rời quân ngũ, trở về cuộc sống đời thường, làm nhiều công việc khác nhau, đồng thời, tham gia các hoạt động xã hội và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Theo đề nghị của Viện sĩ Korolev, năm 1957, người phi công tiêm kích năm xưa đã được trao tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng Liên Xô. Theo một số nguồn tin, giải thưởng đã được trao ghi nhận đóng góp của ông cho khoa học tên lửa nước nhà - giúp tạo ra tên lửa R-1 đầu tiên của Liên Xô - một bản sao của V-2. Từ thực tiễn cuộc đời của mình, ông đã viết hai cuốn hồi ký “Bay lên Mặt Trời” và “Thoát khỏi địa ngục”. Mikhail Petrovich Devyatayev mất ở tuổi 85 và được an táng một cách trang nghiêm tại Kazan vào năm 2002./.

Từ khóa: Tên lửa V-1, V2, trại tập trung Sachsenhausen, Mikhail Petrovich Devyatayev, Heinkel 111

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập