Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+: Liều thuốc thần kỳ cứu giá dầu?
Cập nhật: 11/04/2020
1.600 con heo chết cháy ở Gia Lai, thiệt hại 6,5 tỷ đồng
Thi công xuyên Tết, tăng tốc đưa các dự án cao tốc về đích năm 2025 (13/01/2025)
VOV.VN - Thỏa thuận đạt được là một động thái chưa từng có tiền lệ xét về cả về quy mô cắt giảm và số lượng các nước tham gia.
OPEC+ đạt được mức cắt giảm kỷ lục
Đại diện của Nga, Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC (OPEC+) đã nhóm họp trực tuyến vào ngày 9/4 và tổ chức một cuộc họp bất thường với Bộ trưởng Năng lượng của các nước thuộc nhóm G20 vào ngày sau đó. Cả hai cuộc họp đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô nhằm cứu thị trường dầu mỏ hiện tại.
Tại cuộc họp vào ngày 10/4, Bộ trưởng Năng lượng của các nước G20 đã thống nhất về việc cắt giảm sản lượng dầu thô trong tháng 5 và tháng 6 tới theo khuôn khổ của thỏa thuận của OPEC+. Bộ Trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết, bên cạnh lượng mức cắt giảm 10 triệu thùng/ngày của OPEC+, sẽ có thêm mức cắt giảm 5 triệu thùng/ngày của các nước ngoài OPEC+, do đó, trong 2 tháng tới, tổng mức cắt giảm đạt 15 triệu thùng/ngày.
Trước đó, ngày 9/4, cuộc họp trực tuyến của OPEC+ đã đạt được thỏa thuận về mức cắt giảm sản lượng ở 3 giai đoạn từ nay đến tháng 5/2022. Ở giai đoạn một, từ tháng 5 đến tháng 6/2020, OPEC+ sẽ cắt giảm 10 triệu thùng/ngày (từ 43,8 triệu thùng xuống 33,8 triệu thùng); với mỗi nước ký thỏa thuận sẽ cắt giảm 23% sản lượng.
Bảng giá tại một trạm xăng ở Louisville, Kentucky (Mỹ) ngày 2/4 khi giá xăng trung bình tại Mỹ giảm dưới 2 USD/gallon - Ảnh: AFP |
Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,5 triệu thùng/ngày và Nga giảm 2 triệu thùng/ngày để đưa sản lượng của mỗi nước về mức 8,5 triệu thùng/ngày. Đáng chú ý, các nước khác có mức cắt giảm sản lượng dầu lớn gồm Iraq (1 triệu thùng), Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) (700.000 thùng), Nigeria (420.000 thùng) và Mexico (400.000 thùng). Trong khi Iran, Libya và Venezuela được giữ nguyên sản lượng do tác động tiêu cực của tình hình khủng hoảng trong nước.
Thỏa thuận cũng đề xuất cắt giảm 5 triệu thùng/ngày đối với các nước ngoài OPEC+ như Mỹ, Canada, Norway và Brazil. Ở giai đoạn 2 và 3, từ tháng 7 - 12/2020, mức cắt giảm này sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 là 6 triệu thùng/ngày. Đến nay, 23 nước trong và ngoài OPEC+ đã nhất trí tham gia thỏa thuận này.
Ban đầu, Mexico đã bác bỏ thuận do bất đồng về đề xuất cắt giảm 400.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, đến ngày 10/4, sau khi Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mexico đã nhất trí cắt giảm ở mức 100.000 thùng/ngày từ mức sản lượng hiện tại 1,7 triệu thùng/ngày, trong khi Mỹ cam kết cắt giảm 250.000 thùng/ngày để bù đắp cho Mexico. Động thái này đã hiện thực hóa việc cắt giảm đến 15 triệu thùng dầu mỗi ngày (khoảng 15% sản lượng của thế giới) theo thỏa thuận của OPEC+.
Thỏa thuận đạt được là một động thái chưa từng có tiền lệ xét về cả về quy mô cắt giảm và số lượng các nước tham gia, thậm chí nhiều nước từng là đối thủ cạnh tranh khốc liệt. Thỏa thuận này được dư luận quốc tế kỳ vọng sẽ giúp phục hồi giá dầu và chấm dứt cuộc chiến giá dầu kéo dài 1 tháng qua.
Giảm 15 triệu thùng/ngày chưa tạo động lực phục hồi giá dầu tức thì
Kỳ vọng về việc OPEC+ sẽ đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã tạo đà cho giá dầu tăng nhẹ trong tuần qua. Tuy nhiên, khi kết quả cuộc họp ngày 9/4 được công bố, nhiều nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán ra do lo sợ mức cắt giảm theo thỏa thuận vẫn chưa đủ để bù đắp những tổn thất do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm đến 30% dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Do đó, bất chấp quy mô cắt giảm kỷ lục, thỏa thuận này vẫn chưa tạo được bước đột phá nhằm phục hồi giá dầu. Thậm chí, giá dầu thế giới vẫn đảo chiều giảm mạnh hơn 7% trong phiên sáng 10/4 (giờ Việt Nam) khi giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 1,9 USD/thùng (tương đương 7,6%) trong phiên, xuống mức 23,19 USD/thùng. Hợp đồng giao tháng 6 giảm 1,04 USD, đạt 29,13 USD /thùng.
Trước đó, ngày 9/4, giá dầu thế giới cũng đã đảo chiều giảm mạnh sau khi có thông tin cắt giảm sản lượng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/4, giả dầu thô WTI giao tháng 5 trên sàn Nymex mất 2,33 USD (9,3%), xuống còn 22,76 USD/thùng, sau khi đã tăng vọt tới 28,36 USD/thùng trong ngày. Cùng ngày, giá dầu Brent cũng giảm 4,1%, xuống còn 31,48 USD/thùng, sau khi đã chạm đỉnh trong phiên là 36,4 USD /thùng.
Nỗ lực quốc tế nhằm đạt được mức cắt giảm sản lượng kỷ lục
Trước thềm các cuộc họp, Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol đã kêu gọi Bộ trưởng năng lượng của các nước G20 nỗ lực đạt đồng thuận với thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ vào ngày 9/4 nhằm cứu thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ngoài ra, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo đã cảnh báo về tình trạng dư cung lớn trong quý 2/2020 (ước tính 14,7 triệu thùng/ngày); đồng thời, kêu gọi các nước trong và ngoài OPEC cùng hành động để giải quyết dư cung ngày càng tăng. Về phần mình, Nga và OPEC bảo lưu quan điểm cho rằng, bất kỳ thỏa thuận nào về việc cắt giảm lớn đều đòi hỏi có sự tham gia của Mỹ - nước có sản lượng vượt quá mức sản xuất của cả Saudi-Arabia và Nga trong những năm gần đây và các nước ngoài OPEC+ như Canada, Brazil và Norway.
Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã hạ triển vọng tăng trưởng trong lĩnh vực dầu khí của nước này trong năm 2020 và cho biết, Mỹ sẽ trở thành nước nhập khẩu ròng về dầu thô lần đầu tiên kể từ năm 2019 trong nỗ lực nhằm hỗ trợ các cuộc đàm phán của OPEC+. Thậm chí, với quan ngại Nga và Saudi Arabia không đạt được thỏa thuận cắt giảm, các thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi áp đặt lệnh trừng phạt đối với Riyadh, rút quân đội Mỹ khỏi Saudi arabia và áp thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu của nước này.
Sau khi thỏa thuận đạt được, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm nhằm hoan nghênh nỗ lực của hai người đồng cấp Nga và Saudi Arabia. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không cam kết chủ động thực hiện cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu của Mỹ. Thay vào đó, ông Donald Trump cho biết, sẽ để quy luật thị trường tự điều chỉnh nhằm tạo ra sự cắt giảm sản lượng tự động. Trước thềm cuộc họp của G20, Norway và Canada đều đã nhất trí sẵn sàng cắt giảm để cứu giá dầu với Canada ước tính cắt giảm từ 20-25% sản lượng.
Triển vọng phục hồi giá dầu và bình ổn thị trường
Phải nói rằng, thỏa thuận đạt được của OPEC+ và G20 đã mang lại bầu không khí lạc quan và mở ra triển vọng xua tan những đám mây đen phủ kín thị trường dầu mỏ toàn cầu như hiện nay. Tuy nhiên, cam kết cắt giảm sản lượng 15 triệu thùng dầu mỗi ngày cho đến nay chưa chứng minh được hiệu quả tích cực trên thị trường.
Các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng, thất bại trong việc chống đỡ thị trường sẽ làm gia tăng tâm lý tiêu cực trong ngành dầu mỏ, vốn đã phải vật lộn để thích ứng với thực trạng giá dầu giảm hơn 50% kể từ đầu năm 2020.
Theo đánh giá của các tập đoàn, công ty tài chính và thông tin năng lượng quốc tế như IHS-Markit, S & P Global-Platts, Goldman-Sachs và UBS, mức cắt giảm thỏa thuận của OPEC+ có thể đủ để ngăn chặn một sự sụp đổ giá dầu nhưng không đủ để kích hoạt một sức bật cho thị trường dầu mỏ. Mức cắt giảm từ 10 triệu thùng/ngày của OPEC+ là quá nhỏ so với quy mô của cú sốc cầu quá lớn và động thái này được tiến hành quá chậm vì mức này không đủ để bù đắp cho sự mất cân bằng từ 15 - 20 triệu thùng/ngày trên thị trường trong thời hạn ngắn.
Do đó, các nhà sản xuất dầu lớn trên toàn cầu cần phối hợp giảm sản lượng dầu thô từ 15-20 triệu thùng/ngày trong những tháng tới. Mặt khác, các nhà sản xuất dầu sẽ vẫn phải đối mặt với sự sụt giảm cầu liên tục do tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến giá dầu trong rất nhiều tháng tới.
Các nhà phân tích cho rằng, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua và thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ được triển khai triệt để, giá dầu đến cuối năm 2020 có thể phục hồi cao nhất ở ngưỡng từ 35-40 USD/thùng. Nhà phân tích hàng hóa tại Công ty dịch vụ tài chính UBS Group AG Jac Staunovo cho rằng, với cầu dầu có khả năng giảm 20% trong quý 2/2020, các khoản cắt giảm đã được thỏa thuận sẽ không đủ để ngăn chặn sự gia tăng mạnh của lượng dầu tồn trong những tuần tới.
Công ty S & P Global-Platts cũng dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 4,5 triệu thùng/ngày trong năm 2020, trái với mức tăng trưởng dự kiến là 1,3 triệu thùng/ngày của hồi đầu năm. Sự phá hủy nhu cầu về dầu mỏ có thể sẽ đạt đỉnh điểm trong thời gian ngắn sắp tới với mức khoảng 20 triệu thùng/ngày do đại dịch Covid-19 gây ra./.
Từ khóa: giá dầu thế giới giảm, OPEC, giải cứu giá dầu, cắt giảm sản lượng dầu mỏ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN