Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu tìm kiếm giải pháp quản lý dòng người di cư

Cập nhật: 10/03/2020

VOV.VN - Hôm qua (9/3), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã tới Brussels, Bỉ đển thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Âu về vấn đề quản lý dòng người di cư.

Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh cả Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu cùng đang đổ lỗi cho nhau về việc phá vỡ thỏa thuận đã ký kết hồi năm 2016, theo đó châu Âu sẽ cấp khoản hỗ trợ tài chính trị giá 6 tỷ euro để Thổ Nhĩ Kỳ quản lý dòng người tị nạn ở lại quốc gia này.

tho nhi ky va chau au tim kiem giai phap quan ly dong nguoi di cu hinh 1
Dòng người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đổ về cửa khẩu Pazarakule, ởEdirne giáp với Hy Lạp, ngày 1/3/2020. Ảnh: AP.

Lợi thế nghiêng về Thổ Nhĩ Kỳ

Điều này cũng được nhiều nhà phân tích dự đoán, phần lợi thế sẽ nghiêng về phía ông Erdogan khi quyết định mở cửa biên giới được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Idlib (Syria). Tuyên bố của Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi lưu trú của hơn 3,6 triệu người tị nạn, chưa kể tới hơn 1,5 triệu người tị nạn khác đổ về các khu vực biên giới phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ với Syria.

Điều này nhắc nhở Liên minh châu Âu (EU) nhớ lại thỏa thuận hồi tháng 3/2016, theo đó, Ankara sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới, ngăn dòng người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào EU qua Hy Lạp và Bulgaria. Đổi lại, EU phân bổ 6 tỉ euro để hỗ trợ người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên đến thời điểm này số tiền chi cho hoạt động này mới chỉ dừng lại hơn 3 tỷ euro.

Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng "lá bài" người di cư để "mặc cả" với EU, mà thỏa thuận năm 2016 chính là "sự nhượng bộ bất đắc dĩ" của EU trước Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên tình hình lần này đang trở nên khẩn cấp hơn với những điểm đáng chú ý sau.

Điểm đầu tiên có thể thấy EU đang trong giai đoạn khá nhạy cảm, khi liên minh vừa chính thức "chia tay" Anh sau hơn 40 năm gắn bó, bởi vậy nhiệm vụ "củng cố nội khối" để khẳng định sức mạnh đang trở thành ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó là bài toán hàn gắn sự chia rẽ, cân bằng lợi ích của các thành viên, hay như các vấn đề kinh tế và ngân sách chung… ngày càng là thách thức đối với Liên minh châu Âu.

Sự mặc cả này đến trong bối cảnh hiện dịch Covid-19 lan rộng chưa thể kiểm soát tại châu Âu, mà Italy đang là mắt xích yếu nhất với số người nhiễm virus cao nhất trong các nước châu Âu. Vì lẽ đó càng khiến vấn đề người di cư từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang châu Âu được ví như chạm "gót chân Asin" của EU mà Thổ Nhĩ Kỳ khó có thể bỏ qua lợi thế này.

Thế khó của EU

Tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc hội đàm giữa giữa Tổng thống Erdogan với Chủ tịch Hội đồng châu ÂuCharles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thành lập nhóm để làm rõ việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận di cư năm 2016 giữa hai bên. Theo đó, Cao ủy Liên minh châu Âu về An ninh và Chính sách đối ngoại Josep Borrell và Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thảo luận để làm rõ lập trường của cả hai bên trong việc thực hiện thỏa thuận năm 2016.

Điểm chú ý trong cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo là phía EU đã nhất trí về nguyên tắc cung cấp tài chính cho cả người di cư, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh đây là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thỏa thuận về người di cư năm 2016. Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng đã chỉ trích cách hành xử của Hy Lạp khi các binh sỹ nước này dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su nhằm vào người di cư.

Như vậy, thỏa thuận năm 2016 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn, chủ yếu từ Syria vẫn còn cơ hội thực hiện khi cả cả hai bên đều thể hiện sự nhượng bộ. Vấn đề đặt ra đối với EU là EU sẽ hỗ trợ cho các bên, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào khi trong 3 năm qua, số tiền mà EU hỗ trợ cho người tị nạn theo Thổ Nhĩ Kỳ là quá nhỏ so với số tiền mà nước này phải bỏ ra.

Syria- mấu chốt của vấn đề

Việc không đạt được thỏa thuận rõ ràng nào trong bối cảnh căng thẳng, xung đột lợi ích của các bên vẫn chưa được giải quyết. Việc gia tăng sức ép vấn đề di cư trong bối cảnh này rõ ràng chưa mang lại lợi ích nhiều cho Ankada, bởi lẽ 1 loạt hành động vừa qua của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, Tripoli và thậm chí việc mở cửa biên giới đều không tìm được đồng minh nào. Về phía Liên minh Châu Âu, EU vẫn tìm cách xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ khi có những phương án hỗ trợ, khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ có những giải pháp kiểm soát dòng người di cư để tiến tới những thỏa thuận phù hợp với lợi ích của cả hai phía.

Bởi lẽ, nếu xảy ra cuộc khủng hoảng người di cư xuất phát từ những khu vực bất ổn này tràn vào châu Âu, không chỉ có Ankara chịu ảnh hưởng mà đồng nghĩa với những rủi ro hiện hữu cho Liên minh châu Âu, đe dọa trực tiếp đến lợi ích chung của EU trong lúc đang “mắc kẹt” với nhiều vấn đề trong khối. Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid -19 lan rộng chưa thể kiểm soát tại châu Âu, càng khiến vấn đề người di cư từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tràn sang châu Âu được ví như chạm vào "yếu huyệt" của EU.

Vì những lẽ đó, hai bên sẽ sớm có những động thái tích cực để sớm đưa ra những giải pháp cụ thể cho vấn đề này trong những ngày tới, châu Âu buộc phải đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ, dẫu rằng EU vẫn khẳng định "cương quyết không chấp nhận" chuyện dùng người di cư làm phương tiện gây sức ép trong đàm phán.

Tuy nhiên, để giải quyết căn bản vấn đề người di cư thì các bên cần chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria, trong đó là điểm nóng tại tỉnh Idlib của Syria. Việc này không thể giải quyết trong tương lai gần khi vai trò của EU trong cuộc chiến này ngày càng mờ nhạt, trong khi Nga không thể bỏ rơi đồng minh quan trọng của mình và Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đối đầu trực diện với Nga. Do đó, vấn đề người di cư tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với các nước EU như Hy Lạp và Bulgaria sẽ còn tiếp tục kéo dài./.

tho nhi ky va chau au tim kiem giai phap quan ly dong nguoi di cu hinh 2
Chú thích ảnh

Từ khóa: EU, Thổ Nhĩ Kỳ, di cư, Syria, đàm phán EU Thổ Nhĩ Kỳ

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập