Thổ Nhĩ Kỳ “hướng Đông”: Chiến lược hay sách lược?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã có một số động thái “hướng Đông”, nhất là việc nhắm tới Trung Quốc.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tuyên bố sẽ thành lập một liên minh mới với Trung Quốc, Iran và Nga để đối phó với sức ép kinh tế từ Mỹ, khiến câu hỏi Thổ Nhĩ Kỳ “hướng Đông”- Chiến lược hay Sách lược? cũng được giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.
Tổng thống Thổ Nhĩ KỳTayyip Erdogan. Ảnh: Strait Times. |
Từ động thái “hướng Đông”…
Ngày 12/8 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ thành lập một liên minh mới với Trung Quốc, Iran và Nga nhằm đối phó với sức ép về kinh tế từ Mỹ. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu cam kết sẽ xử lý các mối đe dọa an ninh của Bắc Kinh giống như của Ankara và sẽ không cho phép bất kỳ hành động chống Trung Quốc nào trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, ngày 12/7, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhận lô thiết bị trong hệ thống phòng không S-400 của Nga, bất chấp căng thẳng giữa nước này với Mỹ và các đồng minh thuộc NATO. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, họ mua S-400 của Nga là để bảo vệ an ninh quốc gia, trong bối cảnh Mỹ từ chối cung cấp hệ thống tên lửa Patriot cho cho Ankara hồi năm 2017.
Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin nêu rõ: “Chúng sẽ được sử dụng rộng rãi. Những hệ thống S-400 không tạo ra mối đe dọa đối vớihệ thống an ninh Thổ Nhĩ Kỳvốn đã được tích hợp vào hệ thống của NATO”.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng cáo buộc Mỹ bắt tay với Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), tổ chức có mối liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Trong khi Ankara coi PKK là tổ chức khủng bố. Mặt khác, Mỹ vẫn chống lưng cho nhóm phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà YPG là một thành viên tham gia.
Mỹ phản đối thương vụ này với lý do, hệ thống S-400 không tương thích với mạng lưới phòng thủ của NATO. Mỹ còn đe dọa, nếu Ankara không thực hiện yêu cầu của Mỹ thì toàn bộ phi công và kỹ thuật viên Thổ Nhĩ Kỳ đang huấn luyện với tiêm kích F-35A tại Mỹ sẽ bị trục xuất, đồng thời Ankara cũng bị loại khỏi dự án F-35.
Một quan chức NATO nói: “Chúng tôi quan ngại về hậu quả tiềm tàng của việc Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết mua hệ thống S-400. Khả năng tương tác của quân đội các nước là cơ sở đểNATOtiến hành các chiến dịch và sứ mệnh” của nó.
Theo giới phân tích, thương vụ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong chiến lược của Ankara, nhằm giúp Tổng thống Erdogan củng cố quyền lực, nhất là sau âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016. Đây cũng được xem là dấu hiệu cho thấy sự chuyển hướng chính sách và quan điểm của Ankara trong quan hệ với Washington.
Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh: BBC. |
Đến tham vọng cường quốc khu vực…
Theo giới quan sát, ngay từ năm 2017, với việc Ankara thay đổi quan điểm về cuộc chiến ở Syria, đồng thuận với Nga, tham gia liên minh (Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ) là động thái đầu tiên mà nước này quan tâm đến lợi ích địa – chiến lược của mình trong khu vực. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn công khai đưa bộ binh tham gia chiến dịch tấn công bên trong lãnh thổ Syria.
Mặc dù là đồng minh của Mỹ, là thành viên của NATO, nhưng với tham vọng trở thành cường quốc khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có quan điểm độc lập hơn, quan hệ mật thiết với Nga và Iran, hình thành liên minh mới giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông, nhằm hiện thực hóa những lợi ích do mối quan hệ này mang lại.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng hợp tác chặt chẽ trong vấn đề Syria, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và thương mại, xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Năm 2018, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng khánh thành Dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Đây là “một bước tiến” trong quan hệ giữa Ankara và Moscow.
Mới đây, chuyên gia Nga, Alex Lockie đánh giá: “Nga không thể trang bị tiêm kích thế hệ 5 ngang ngửa với dòng F-22 và F-35 Mỹ, nhưng việc hệ thống S-400 hoạt động song song với chiến đấu cơ F-35 trong biên chế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây mối đe dọa không nhỏ với NATO trong tương lai”.
Theo giới chuyên gia, những động thái nêu trên là chưa từng có tiền lệ, phản ánh quan điểm độc lập, sự thay đổi trong chính sách và tham vọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này mặc dù có thể làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, nhưng lại giúp nước này mở rộng hợp tác quốc tế về nhiều mặt, nhằm dần dần vượt qua sự phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ và NATO.
Và sách lược đối ngoại
Theo đánh giá của giới chuyên gia, các đòn trừng phạt, trả đũa lẫn nhau giữa hai nước đã khiến cho quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ chạm đáy kể từ khi thành lập NATO. Tuy nhiên, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh và đối tác không dễ cắt đứt bởi những ràng buộc lợi ích chiến lược, dù hai bên đang trải qua giai đoạn lạnh nhạt và thiếu niềm tin nghiêm trọng như hiện nay.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc Ankara gần đây thắt chặt hơn quan hệ với Bắc Kinh trước hết là nhằm mục đích kinh tế trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc, khiến khủng hoảng trở thành cơ hội để thúc đẩy quan hệ Bắc Kinh - Ankara.
Cũng theo giới chuyên gia, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ giới hạn ở góc độ kinh tế. Bắc Kinh có thể sẽ đề nghị hỗ trợ tài chính cho Ankara. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ ưu tiên duy trì quan hệ lâu dài với EU và tránh đối đầu toàn diện với phương Tây.
Từ góc độ quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nước thành viên của NATO, khiến Ankara bị giới hạn trong việc tìm kiếm các đồng minh quân sự mới. Giới phân tích cho rằng, những lời kêu gọi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa thiết lập các đồng minh mới với phương Đông là hành động chính trị thường thấy của Ankara.
Cũng theo nhận định của giới chuyên gia, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ hội nhập về an ninh với phương Đông là rất khó, bởi suốt mấy thế kỷ qua, Ankara đã chịu ảnh hưởng chủ yếu vào phương Tây cả kinh tế, chính trị và văn hóa. Vì thế, cả Trung Quốc và Nga đều khó có khả năng thay thế NATO để trở thành đối tác an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới quan sát, Trung Quốc cũng nhận thức được, đây chỉ là sách lược của Ankara, nên Trung Quốc cũng đang áp dụng chiến thuật “quan sát và chờ đợi” để đưa ra một chính sách ngoại giao thận trọng và thích hợp với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vì, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh và đối tác không dễ từ bỏ nhau, bởi những ràng buộc lợi ích chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần Mỹ, cũng như Mỹ cần Thổ Nhĩ Kỳ.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, mặc dù Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố, những động thái của Ankara, kể cả việc mua tên lửa phòng không S-400 của Nga là “phức tạp”, nhưng ông vẫn để ngỏ khả năng miễn trừng phạt nặng nề hơn với Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định Mỹ vẫn coi nước này là đồng minh./.
Từ khóa: Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, hệ thống S-400, máy bay chiến đấu F-35, Trung Quốc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN