Thổ Nhĩ Kỳ chống Covid-19 "không giống ai' vẫn cho kết quả tích cực?
Cập nhật: 17/04/2020
Lễ trao giải AAA 2024 quy tụ dàn sao đình đám bậc nhất xứ Kim Chi
Ben Thanh-Suoi Tien metro line - catalyst for HCM City's tourism development
VOV.VN - Nằm trong số 10 nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không hề áp lệnh phong tỏa toàn quốc hay yêu cầu tất cả người dân ở nhà.
Cuối tuần trước, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã áp đặt lệnh giới nghiêm 48 giờ đối với 31 tỉnh trên cả nước, tác động tới 3/4 dân số của nước này.
Lệnh giới nghiêm được ban bố chỉ 2 giờ trước khi có hiệu lực và đã gây ra cảnh mua sắm hoảng loạn ở một số khu vực. Người dân đổ xô tới các cửa hàng thực phẩm và tất nhiên là các quy tắc về giãn cách xã hội không thể được đảm bảo trong những hoàn cảnh như vậy.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters |
Các trang mạng xã hội ngập tràn những câu chuyện “dở khóc dở cười” về dịch Covid-19 như: một ông chồng bị bắt gặp vi phạm lệnh giới nghiêm đã bỏ chạy và bỏ lại chiếc xe cùng với người vợ của mình; hay một người đàn ông khác lại tìm cách “trốn” bị phạt tiền bằng cách nói rằng ông ta không biết tiếng Thổ, nhưng cảnh sát đã phát hiện ông ta nói dối.
Sau những lộn xộn liên quan đến lệnh giới nghiêm bất ngờ, Tổng thống Tayyip Erdogan đã có bài phát biểu toàn quốc, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đủ sức mạnh để bảo vệ và cung cấp mọi thứ cho người dân, đồng thời kêu gọi mọi người hãy ở trong nhà.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi con đường riêng – như những gì nước này đã từng làm với nhiều vấn đề khác.
Phong tỏa bán phần, “ở nhà” tùy độ tuổi
Trong tuần, lệnh “ở nhà” chỉ áp dụng với những người dưới 20 tuổi hoặc trên 65 tuổi. Tất cả những người khác vẫn được phép đi làm, mặc dù nhiều doanh nghiệp nhỏ đã đóng cửa, các cửa hàng vẫn mở cửa nhưng chỉ phục vụ mang đi, các ngân hàng chỉ làm việc trong số giờ nhất định.
Ngược lại, các công trình xây dựng vẫn tấp nập, các nhà máy và các doanh nghiệp vẫn hoạt động vì không muốn bị ảnh hưởng về kinh tế.
Một số chuyên gia nói rằng các biện pháp hạn chế “bán phần” như Thổ Nhĩ Kỳ đang làm có thể thành công, miễn là những nhóm người có nguy cơ cao vẫn được bảo vệ và những người làm việc bên ngoài tuân thủ các biện pháp phù hợp.
“Đó là một chiến lược thay thế. Cách tiếp cận như vậy cũng rất hữu ích. Lợi ích duy nhất của lệnh phong tỏa là nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, từ đó giảm tải áp lực cho các bệnh viện”, Giáo sư Muhammad Munir, nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Lancaster ở Anh nói.
Trong khi đó, Giáo sư Jeremy Rossman tại Đại học Kent cho biết, ở mức độ của Thổ Nhĩ Kỳ (với hơn 74.000 ca mắc Covid-19 tính đến ngày 17/4), hầu hết các nước đều áp lệnh phong tỏa hoàn toàn. Lệnh phong tỏa một phần cũng có mặt tốt, đó là cân bằng giữa việc duy trì nền kinh tế trong khi vẫn có thể kiềm chế dịch bệnh bùng phát.
“Điều đó còn phụ thuộc vào việc người dân tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch bệnh như thế nào, việc giãn cách xã hội có được đảm bảo hay không, và việc đảm bảo vệ sinh như rửa tay và sát khuẩn có được thực hiện thường xuyên ở những nơi làm việc hay không. Tuy nhiên ở tỷ lệ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua hiện nay, có mội rủi ro rằng lệnh phong tỏa một phần sẽ không đủ hiệu quả”, ông Rossman nói.
Người dân xếp hàng đi mua thực phẩm ngay sau khi lệnh giới nghiêm được ban bố hôm 10/4. Ảnh: Getty |
Hệ thống y tế và năng lực điều trị tốt?
Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 10 nước có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới. Theo cập nhật của Worldometer đến chiều 17/4, Thổ Nhĩ Kỳ có 74.193 ca mắc và 1.643 ca tử vong do Covid-19. Mỗi ngày nước này ghi nhận tới hơn 4.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh này ở Thổ Nhĩ Kỳ lại ở mức rất thấp khiến người khác phải ngạc nhiên.
Hiệp hội Y khoa Thổ Nhĩ Kỳ (TMA) nói rằng số liệu chính thức về số người tử vong do Covid-19 không bao gồm các trường hợp có triệu chứng lâm sàng nhưng lại cho kết quả xét nghiệm âm tính.
“Các bác sỹ thuộc hiệp hội của chúng tôi nói rằng, ngay cả khi kết quả chụp CT và các dấu hiệu lâm sàng khác đều cho thấy bệnh nhân mắc Covid-19, nhưng nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, và sau đó bệnh nhân tử vong, thì những người này vẫn không được ghi nhận là tử vong do Covid-19”, TMA cho biết.
Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca nói rằng, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở nước này thấp – chỉ hơn 2% - là do hệ thống y tế tốt và các điều kiện chữa trị cũng có sự khác biệt so với các nước khác.
Koca nói rằng, không giống các nước khác, cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống Covid-19 tập trung vào việc theo dõi lịch sử tiếp xúc hơn là xét nghiệm tổng thể hay xét nghiệm sau khi đã có các dấu hiệu lâm sàng.
Ngoài ra, trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19, Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng oxygen tần suất cao trong thời gian dài hơn để trì hoãn và điều này đã đem lại kết quả tích cực.
Ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng thuốc điều trị sốt rét hydroxychloroquine và favipiravir – một loại thuốc kháng virus của Nhật Bản – sớm hơn so với các nước khác đang bị dịch Covid-19 tấn công.
Tuy nhiên Giáo sư Munir của Đại học Lancaster là một trong nhiều chuyên gia y tế phản đối việc sử dụng thuốc sốt rét. Ông nói rằng nguy cơ về tác dụng phụ còn nặng nề hơn bất cứ lợi ích nào mà việc sử dụng hydroxychloroquine có thể có.
“Việc điều trị có rất ít các động. Khi sử dụng hydroxychloroquin, các bệnh nhân có thể khỏi bệnh Covid-19, nhưng sau 1 năm họ sẽ gặp các vấn đề tim mạch, hay bị suy giảm thị lực. Đây là lý do vì sao vẫn chưa có đủ bằng chứng để phê duyệt sử dụng loại thuốc này trên quy mô lớn”, Munir nói.
Thổ Nhĩ Kỳ khử khuẩn văn phòng làm việc. Ảnh: BNE |
Trong khi đó, Bác sỹ Nuri Aydin, Giám đốc Bệnh viện Cerrahpasa, một trong nhưng bệnh viện hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng: “Chúng tôi đang cố gắng cứu người. Những gì chúng ta thấy ở thời điểm này là thời gian các bệnh nhân phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đã giảm nếu họ dùng thuốc hydroxychloroquine trước khi chuyển biến đến giai đoạn cần phải đưa tới ICU”.
Ông Aydin nói rằng, vẫn chưa có đủ dữ liệu để công bố phát hiện của họ nhưng thời gian sẽ cho thấy kết quả thực tế.
Chính phủ nói rằng các ICU đảm bảo năng lực tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 và không có tình trạng thiếu giường bệnh. Phải đến giữa tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ mới ghi nhận ca mắc đầu tiên, vì thế nước này đã có thời gian để chuẩn bị. Quả thực, hệ thống bệnh viện của Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá khá tốt và đây cũng là lý do nước này trở thành một điểm đến của du lịch chữa bệnh.
Tích cực sản xuất thiết bị bảo hộ
Trong việc đối phó với Covid-19, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng phát triển các chương trình sản xuất và phân phối thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) không chỉ trong nước, mà còn gửi các mặt hàng này tới hơn 30 nước trên thế giới, trong đó có cả Anh, Tây Ban Nha và Italy.
Các trường dạy nghề của Bộ Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul được chuyển đổi thành các xưởng sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ, găng tay y tế phục vụ mục đích sử dụng trong nước.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn tăng cường sản xuất các bình xịt khử khuẩn, nước rửa tay và các thiết bị làm sạch thiết yếu khác.
Đeo khẩu trang là bắt buộc ở những nơi công cộng như chợ, siêu thị, nhưng mặt hàng này không còn được bán ở bất cứ đâu nữa. Bán khẩu trang bị cấm vì chính phủ đã triển khai việc phân phát miễn phí ở các hiệu thuốc hoặc đưa thẳng đến từng nhà đối với những người không thể ra ngoài.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng triển khai lực lượng tình nguyện viên và cảnh sát để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi lệnh “ở nhà” để đảm bảo những người có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đều vẫn nhận được các dịch vụ thiết yếu.
Các trung tâm tổng đài có tên “Acik Kapi” (Mở cửa) được đặt ở tất cả các quận, để những người cao tuổi chịu ảnh hưởng bởi lệnh “ở nhà” có thể gọi tới và đề nghị trợ giúp bất cứ điều gì, từ mua thực phẩm, thuốc men hay rút tiền lương hưu…/.
Từ khóa: chiến lược chống Covid-19 của Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Covid-19, giới nghiêm cuối tuần, số ca mắc Covid-19
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN