Thiếu, thừa, trồng, chặt cây ăn trái và giải pháp thị trường
Cập nhật: 25/09/2019
KienlongBank mang Tết đong đầy, lan tỏa yêu thương chào năm mới
Lo ngại khả năng Mỹ áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Thái Lan
VOV.VN - Nhiều chuyên gia đề xuất, các địa phương cần hình thành đề án, kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ.
Ngày 26/7, tại thành phố Vị Thanh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu”.
Báo cáo tại diễn đàn, đại diện Cục trồng trọt cho biết, hiện, diện tích cây ăn trái của các tỉnh thành phía Nam ước đạt 600.000ha, chiếm khoảng 60% diện tích của cả nước với tổng sản lượng hàng năm hơn 6,6 triệu tấn, chiếm khoảng 67% sản lượng của cả nước. Trong đó, 14 loại cây ăn trái có diện tích trồng hơn 10.000ha. Riêng ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực, chiếm khoảng 58% tổng diện tích cây ăn trái của các tỉnh, thành phía Nam.
Diễn đàn Khuyến nông & Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển cây ăn trái đáp ứng thị trường xuất khẩu”. |
Thời gian qua, nhiều giống cây ăn trái mới được chọn tạo, chuyển giao cho sản xuất và nhiều tiến bộ kỹ thuật được nhà vườn áp dụng hiệu quả như: rải vụ thu hoạch, tưới nước tiết kiệm, thụ phấn bổ sung, cải thiện tăng đậu trái và chống rụng trái non… Đặc biệt, nhiều nông dân áp dụng mô hình sản xuất theo hướng Viet GAP, Global GAP nhằm tạo ra sản phẩm sạch.
5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu trái cây cả nước đạt 1,38 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dẫn đấu là thanh long, sầu riêng, xoài.
Ngoài những mặt thuận lợi trên, nhiều ý kiến cho rằng, tình hình sản xuất của cây ăn trái của các tỉnh, thành phía Nam vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, việc phát triển cây ăn trái còn nhỏ lẻ, manh mún, còn trồng nhiều loại cây trên cùng diện tích dẫn đến không đủ số lượng hàng hóa lớn để cung ứng theo nhu cầu khách hàng.
Bên cạnh đó, chất lượng cây ăn trái không đồng đều, việc áp dụng mô hình sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế nên gặp khó về đầu ra, trong khi đó, ngành nông nghiệp các địa phương chưa đưa ra dự báo chuẩn xác về thị trường tiêu thụ, từ đó tình trạng thiếu, thừa thường xuyên xảy ra và tình trạng trồng chặt liên tiếp tiếp diễn.
Mặt khác, việc sản xuất theo hướng truy xuất nguồn gốc, chứng nhận, mã địa lý còn ít; công tác quản lý nguồn gốc cây giống của ngành chức năng lỏng lẻo nên phần lớn nông dân mua cây giống theo lòng tin, dẫn đến tình trạng, cây bị dịch hại ngày càng nhiều, nhất là sau khi trồng được 2-3 năm.
Từ những hạn chế nêu trên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã gợi mở những giải pháp để giúp nông dân các tỉnh, thành phía Nam sản xuất cây ăn trái hiệu quả và đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới như: đề xuất các địa phương cần hình thành đề án, kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các địa phương và nông dân phải tạo sự liên kết trong sản xuất để xây dựng, phát triển vùng sản xuất tập trung, kết hợp với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mã vùng để có được sản lượng lớn và chất lượng tốt nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn của doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành chức năng cần làm tốt hơn công tác dự báo thị trường và mùa vụ để sản phẩm nông dân làm ra không bị ùn ứ, giá bán thấp.
Tiến sĩ Nguyễn Như Hiến- Phó trưởng Văn phòng phía Nam, Cục Trồng trọt đề xuất: “Hiện nay, có một cái khó là chưa tổ chức lại sản xuất được, chưa làm thật tốt các khâu. Chúng ta mở cửa tìm ra những thị trường mới, tính toán tới thời vụ của họ. Ví dụ các nước Âu Mỹ, thời vụ không sản xuất trái cây được thì ta đáp ứng vào lúc này, giảm vào thời điểm kia. Hy vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu của Bộ đã đề ra là xuất khẩu trái cây đạt khoảng 6 tỷ USD”./.
Trồng cây ăn trái tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Từ khóa: phát triển cây ăn trái, thị trường xuất khẩu, mô hình Viet GAP, xuất khẩu trái cây
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN