Thiếu thông tin khiến tìm kiếm mộ liệt sĩ ngày càng khó khăn
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Hàng nghìn gia đình đã mất hàng chục năm tìm kiếm phần mộ liệt sĩ nhưng vẫn chưa tìm được do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác.
Làm thế nào để các gia đình thân nhân liệt sĩ có thể tìm được hài cốt liệt sĩ khi bị thiếu thông tin? Đây là nội dung được thảo luận trong tọa đàm “Công tác trợ giúp pháp lý trong hoàn thiện hồ sơ kiến nghị điều chỉnh thông tin mộ liệt sĩ”, do Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam (Trung tâm Tư vấn và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ) tổ chức sáng 19/7 tại Hà Nội.
Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Tìm kiếm, Quy tập và Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, đến nay, nhiều đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ theo quê quán, địa bàn nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu, cung cấp cho các đơn vị, địa phương để phục vụ công tác xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ và tổ chức tìm kiếm, quy tập cũng như thông tin cho thân nhân liệt sĩ.
Công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ ngày càng khó khăn vì thiếu thông tin. |
Bộ Quốc phòng đã chuyển giao hơn 700.000 dữ liệu về liệt sĩ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuyển giao 1,2 triệu dữ liệu về liệt sĩ, trong đó có gần 900.000 dữ liệu về mộ liệt sĩ và hơn 3.000 dữ liệu về nghĩa trang liệt sĩ cho Bộ Thông tin và Truyền thông để chuẩn hóa, tích hợp liên thông cơ cở dữ liệu về công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Thực tế, việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin hiện gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2016 -2018, toàn quốc đã quy tập được 5.886 hài cốt liệt sĩ ở trong nước, Lào và Campuchia. Trong năm 2017-2018, bằng phương pháp giám định ADN, trong số 475 mẫu, chỉ có 54 trường hợp được xác định cùng huyết thống. Phương pháp thực chứng chỉ xác định được 284 hài cốt liệt sĩ.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Đỗ Thị Thái, người thân của liệt sĩ Phạm Văn Thát, ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, hy sinh năm 1971 tại mặt trận tỉnh Phú Yên cho biết, 46 năm gia đình đi tìm mộ liệt sĩ nhưng vì bị sai thông tin nên việc tìm kiếm vô cùng khó khăn.
“Vì thông tin quê quán sai nên qua 46 năm, chúng tôi không hề biết mộ em mình ở đâu. Sau khi chú ấy hy sinh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng cũ thông tin là chú hy sinh ngày 20/9/1973, nhưng thực chất là hy sinh năm 1971 tại Phú Yên. Trong Phú Yên lại có 2 nơi cung cấp thông tin là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Vì thế, chúng tôi phải xét nghiệm ADN 4 lần và để xác định được gen của liệt sĩ vô cùng khó khăn bởi phần xương còn lại rất ít”, bà Đỗ Thị Thái nói.
Hài cốt liệt sỹ được quy tập đưa về nghĩa trang. |
Theo ông Hoàng Văn Giang, Phó Tổng thư ký Hội Bảo trợ pháp lý cho người nghèo, hàng nghìn gia đình đã mất hàng chục năm tìm kiếm phần mộ liệt sĩ của gia đình nhưng vẫn chưa tìm được do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác. Bên cạnh đó, việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn, lập hồ sơ tìm kiếm quy tập của một số đơn vị, địa phương triển khai còn lúng túng, chưa nắm chắc quy trình, phương pháp tiến hành chưa theo đúng tiến độ. Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, tích cực.
Thời gian phân tích, đối chiếu ADN mẫu hài cốt liệt sĩ, mẫu sinh phẩm còn chậm, thân nhân phải chờ đợi lâu. Số mẫu sinh phẩm cần giám định ADN lớn, trong khi đó, công suất các cơ sở giám định chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, nhiều gia đình thân nhân liệt sĩ thiếu thông tin liệt sĩ rất khó tìm được liệt sĩ của gia đình. Bên cạnh đó, họ chưa được hỗ trợ về pháp lý để hoàn thiện hồ sơ, điều chỉnh thông tin liệt sĩ để việc tìm kiếm có kết quả.
Ông Hoàng Văn Giang cho biết:“Do bị thiếu thông tin nên trong quá trình tìm kiếm, nhiều gia đình gần như bỏ cuộc. Để hoàn thiện việc này thì chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, tăng cường phối hợp với tất cả các cơ quan lưu trữ và các đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo lên Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chính phủ để công khai phần thiếu, công khai hồ sơ của các gia đình không có điều kiện tiếp xúc, đi lại nhiều”.
Buổi tọa đàm tập trung tập hợp các ý kiến có liên quan đến công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu hoặc sai thông tin. Sau đó, các ý kiến sẽ được tập hợp và gửi báo cáo tới Ban chỉ đạo đề án 515 nhằm đưa ra các phương án tốt nhất trong công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là thân nhân các liệt sĩ để chung tay cùng Đảng và Nhà nước kết nối các nguồn lực trong xã hội giúp hàn gắn vết thương chiến tranh, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm hỗ trợ pháp lý cho người nghèo đã khớp dự liệu của gần 3.600 phần mộ tại 26 tỉnh, thành phố./.
Từ khóa: thiếu thoongtin, tìm kiếm mộ liệt sĩ, thân nhân, hài cốt liệt sĩ,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN