Thiếu đất san lấp, “quả bóng trách nhiệm” “đá” từ nơi này sang nơi khác

Cập nhật: 23/05/2024

VOV.VN - Tại tỉnh Quảng Nam, trong một thời gian dài, tiến độ thi công các dự án trọng điểm bị ì ạch, nhiều nhà thầu liên tục gửi văn bản “cầu cứu” các sở, ngành, địa phương vì không có nguồn đất san lấp. Thế nhưng, “quả bóng trách nhiệm” được “đá” từ nơi này sang nơi khác.

Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan chuyên môn tập trung tháo gỡ tình trạng thiếu đất san lấp; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Tình trạng thiếu đất đắp trong một thời gian dài làm cho hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tại tỉnh Quảng Nam phải tạm dừng, nhiều công trình xây dự ng gần hoàn thành nhưng vẫn phải “nằm chờ đất”. Dự án đầu tư xây dựng công trình Trường Trung học phổ thông Quế Sơn do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư có tổng mức đầu đư gần 49 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, dãy nhà chính đã xây xong nhưng không thể đưa vào sử dụng do thiếu đất san lấp, không thể thi công các hạng mục khác. 840 học sinh tại đây phải học tai trường cũ xuống cấp, chật hẹp.

Dự án hoàn thiện đường Võ Chí Công có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ đầu năm nay nhưng vẫn chưa tìm được nguồn đất. Dự án cần 80.000m3 đất san lấp nhưng hiện các mỏ đất trên địa bàn tỉnh đã hết hạn cấp phép. Vì vậy, nhà thầu phải vào tỉnh Quảng Ngãi để mua đất san lấp, phát sinh chi phí so với dự toán nhưng cũng không đủ đất để đắp.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 7 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, thi công gần hoàn thiện nhưng chưa có đường dẫn, trong đó nguyên dân chủ yếu do thiếu đất đắp.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong những năm đến, tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức đấu thầu, cấp phép hoạt động cho 640 mỏ đất. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 70 mỏ đất đang khai thác và sắp được cấp phép khai thác. Nguồn đất từ các mỏ này chỉ phục vụ các dự án trọng điểm, không được phép bán ra thị trường hoặc phục vụ các dự án khác. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tại tỉnh Quảng Nam cơ chế đặc thù này vẫn chưa được áp dụng.

Dư luận cho rằng, chính “căn bệnh sợ sai” khiến các cán bộ công chức ở các cơ quan có thẩm quyền đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết tình trạng thiếu đất đắp nền ở các dự án trọng điểm. Nhà thầu liên tục gửi văn bản “cầu cứu” từ chủ đầu tư là các Ban Quản lý dự án, UBND các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng… Thế nhưng “quả bóng trách nhiệm” được “đá” từ nơi này sang nơi khác. Mới đây, Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường kiểm tra thực tế, nắm bắt thực trạng thiếu hụt nguồn đất đắp nền ảnh hưởng tiến độ các dự án và yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện thủ tục đấu thầu, cấp phép mỏ đất trong quy hoạch để giải quyết rốt ráo tình trạng thiếu đất san lấp.

Theo ông Triết: “Ở đây có trách nhiệm của chính quyền cấp huyện vì nghĩ rằng các mỏ đất sẽ ảnh hưởng đến môi trưởng, ảnh hưởng dân sinh, vấn đề an toàn giao thông. Chính quyền địa phương có tư tưởng không chia sẻ vì ngại trong công tác quản lý nhưng đối với giải quyết vấn đề thiếu nguồn đất san lấp là nhiệm vụ phải thực hiện. Tôi đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phải vào cuộc một cách đầy trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với nhau không để xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm. Nếu cần thiết có thể tính đến việc xem xét về công tác cán bộ đối với các cơ quan chuyên môn này”.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên, vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; kịp thời điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, bảo đảm theo quy định pháp luật về xây dựng, làm cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư dự án; Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.

UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tình hình thực hiện các thủ tục khai thác và khả năng cung ứng vật liệu xây dựng thông thường, nhất là đất san lấp phục vụ các công trình giao thông; đề xuất các giải pháp giải quyết việc khan hiếm vật liệu xây dựng. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan việc giao mỏ nguyên, vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền.

Từ khóa: thiếu đất san lấp, thiếu đất san lấp, đất san lấp, quảng nam, dự án trọng điểm, dự án

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: long phi/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan