Thiên tai Á - Âu khắc nghiệt do biến đổi khí hậu, COP-29 rục rịch hành động

Cập nhật: 17/09/2024

VOV.VN - Chống biến đổi khí hậu đang nổi lên là vấn đề quan tâm của người dân và các chính phủ trên khắp thế giới khi những cơn bão mạnh, trong đó có Yagi, Boris, Bebinca lần lượt đổ bộ, tàn phá nhiều quốc gia từ châu Á tới Trung Âu.

Azerbaijan (nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu - COP-29 diễn ra vào tháng 11 tới) sáng nay (17/9) đã công bố một số mục tiêu cần đạt được tại Hội nghị.

Theo nhóm nhà khoa học của World Weather Attribution, tổ chức chuyên đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu đối với mô hình thời tiết cực đoan, khả năng xảy ra một cơn bão nhiệt đới cực mạnh như Bão Yagi đang ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.

Nhà khoa học khí hậu Nadia Bloemendaal thuộc Đại học Vrije Universiteit (gọi tắt là đại học VU Amsterdam-Hà Lan) cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu có tác động đáng kể đến tổng lượng mưa của Bão Gaemi. Chúng tôi vẫn chưa xem xét Bão Yagi, nhưng Yagi cũng có tổng lượng mưa lớn, cho thấy bão và lốc xoáy nói chung đang trở nên ẩm ướt hơn, do vậy chúng mang theo nhiều mưa hơn khi đổ bộ vào đất liền. Điều này là do một nguyên lý khí tượng, đó là không khí ấm có thể giữ nhiều độ ẩm hơn, vì vậy bầu khí quyển đang trở nên ấm hơn, bản thân các cơn bão cũng trở nên ẩm ướt hơn, vì vậy chúng có thể mang theo nhiều mưa hơn khi đổ bộ vào đất liền. Lượng mưa tổng cộng mà bạn thấy ở Yagi, vượt quá 400mm. Khả năng là chúng ta sẽ thấy lượng mưa tổng cộng lớn như thế thường xuyên hơn trong tương lai."

Các nhà khoa học xác nhận biến đổi khí hậu đang gây ra hạn hán nghiêm trọng trên các đảo Sicily và Sardinia của Italy và nó đã làm tăng cường cơn bão Gaemi, cơn bão đã tàn phá Philippines, Đài Loan, Trung Quốc vào tháng 7, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Theo các nhà khoa học, thế giới đã nóng lên 1,3 độ C so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp. Đốt than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Hiện vẫn chưa có sự đồng thuận khoa học nào về tác động của biến đổi khí hậu đến số lượng cơn bão trong một mùa mưa bão, mặc dù thời điểm diễn ra những cơn bão mạnh đang thay đổi, vì khí hậu ấm lên tạo ra các điều kiện thuận lợi cho bão xuất hiện nhiều hơn trong năm. Các chuyên gia cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra hậu quả ngày càng tàn khốc chỉ có thể được giảm thiểu khi có những hành động đáng kể để giảm phát thải khí nhà kính.

Azerbaijan (nước chủ nhà COP-29) vừa công bố một số mục tiêu cần đạt được tại Hội nghị, theo đó, các quốc gia thống nhất về mục tiêu tài trợ hàng năm mà các quốc gia giàu có sẽ chi trả để giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đang phát triển cho biết họ không thể thực hiện các mục tiêu cắt giảm khí thải nếu không nhận được thêm hỗ trợ tài chính để đầu tư vào việc này.

Tuần này, chủ tịch COP-29 đã phác thảo hơn một chục sáng kiến nhằm nâng cao tham vọng của các quốc gia. Đáng chú ý là sáng kiến gây quỹ với các khoản đóng góp tự nguyện từ các quốc gia và công ty sản xuất nhiên liệu hóa thạch cho các khu vực công và tư nhân làm việc về các vấn đề khí hậu, cũng như các khoản tài trợ có thể được phân bổ để hỗ trợ các thảm họa thiên nhiên do khí hậu gây ra ở các nước đang phát triển.

Chủ tịch COP-29 cũng hy vọng sẽ huy động được sự ủng hộ xung quanh cam kết tăng công suất lưu trữ năng lượng toàn cầu gấp 6 lần so với mức năm 2022, đạt 1.500 gigawatt vào năm 2030. Điều này sẽ bao gồm cam kết mở rộng quy mô đầu tư vào lưới điện. Các quốc gia và công ty cũng sẽ cam kết tạo ra một thị trường toàn cầu cho hydro sạch, giải quyết các rào cản về quy định, công nghệ, tài chính và tiêu chuẩn hóa. Các nhà lãnh đạo COP29 kêu gọi một "COP thực chất" lời nói đi đôi với hành động vì khí hậu.

Từ khóa: biến đổi khí hậu, cop-29, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai khắc nghiệt, hậu quả biến đổi khí hậu, siêu bão, bão mạnh, ngăn biến đổi khí hậu, ứng phó biến đổi khí hậu, cop

Thể loại: Thế giới

Tác giả: trần nga/vov1 tổng hợp

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập