Thị trường tín dụng tiêu dùng, 3 ông lớn chiếm 75% thị phần
Cập nhật: 26/03/2021
Bắc Ninh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm dịp Tết
Giá vàng hôm nay 23/1: Vàng miếng và vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh
VOV.VN - Tín dụng tiêu dùng phát triển manh nha từ những năm 1990 nhưng thực sự hình thành trong 10 năm trở lại đây, tuy nhiên tính cạnh tranh trên thị trường này chưa cao khi thị phần vẫn nằm chủ yếu trong tay 3 ông lớn.
Thị trường tín dụng tiêu dùng vẫn còn nhỏ lẻ
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn có một số bất cập như quy mô còn nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn.
Về quy mô thị trường, trong vòng 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%).
Trong đó, đối với tín dụng bất động sản nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%). Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng bất động sản nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm - là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%).
“Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở, thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng bất động sản nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn” - TS. Cấn Văn Lực nói.
Khó khăn trong phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng bởi tư duy “ngại đi vay tiêu dùng” và bản thân các công ty tài chính còn khó khăn về huy động vốn (do thị trường vốn còn chưa phát triển) thông tin đôi khi còn thiếu minh bạch, năng lực nhân viên và trình độ công nghệ không đồng đều, bộ máy cồng kềnh dẫn đến chi phí hoạt động còn cao" - TS. Cấn Văn Lực cho biết thêm.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế nhận định, tài chính tiêu dùng có vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Đây không chỉ tạo cơ hội cho nền kinh tế tăng trưởng, mà còn đảm bảo cho các tầng lớp dân cư trong xã hội có thể tiếp cận những mục tiêu cải thiện điều kiện sống, đảm bảo công bằng xã hội.
“Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam hiện nay vẫn đang là cuộc chơi của 3 doanh nghiệp lớn với thị phần áp đảo như: FE Credit, HD Saison và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là Home Credit. Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, sự phát triển cho tín dụng tiêu dùng còn rất lớn nhưng cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính phát triển tạo nên một thị trường cạnh tranh” - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cách đây 10 năm người dân gom đủ tiền mới mua sản phẩm, còn bây giờ là xu hướng vay rồi mua hoặc thậm chí thuê về dùng.
"Đặt vấn đề tín dụng tiêu dùng góp phần đẩy lùi tín dụng đen tôi cho rằng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen, bởi hoạt động này có liên quan nhưng chưa chắc là công cụ chính. Tài chính tiêu dùng thúc đẩy sản xuất bởi nhiều quốc gia thống kê số liệu này hàng ngày, hàng tuần để thúc đẩy kinh tế, điều hành nền kinh tế" - ông Phan Đức Hiếu nói.
Tín dụng tiêu dùng trong 10 năm qua đã phát triển đa dạng với các phân khúc khách hàng khác nhau cho các vùng miền. Phổ biến nhất là các khoản vay tiền mặt, vay để mua đồ gia dụng, thiết bị điện tử, điện thoại, máy vi tính hay phương tiện (xe máy). Đồng thời, danh mục đã có cả nhóm sản phẩm hiện đại như một số quốc gia phát triển như sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sản phẩm y tế…
Để phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh, cạnh tranh đưa đến hạ lãi suất cho vay, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính, nhất là các quy định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro...
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần tăng cường giám sát, quản lý để hạn chế rủi ro, nợ xấu có thể tăng nhanh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng khi nền kinh tế có nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế… để hạn chế rủi ro tập trung vào số ít các công ty tài chính lớn. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng đa dạng về sản phẩm - dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực phân tích./.
Từ khóa: thị trường tín dụng tiêu dùng, cho vay tiêu dùng, tài chính tiêu dùng, ông lớn, tín dụng đen
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN