Thị trường chứng khoán thế giới “chờ đợi” thời điểm FED hạ lãi suất

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm từ 0,25 - 0,5 điểm phần trăm, khiến các chỉ số toàn cầu biến động nhẹ, khi thị trường cân nhắc khả năng kinh tế Mỹ có thể "hạ cánh mềm".


Trước thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định về lãi suất vào ngày 18/9 (tức 1 giờ sáng ngày mai - 19/9 giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán thế giới đang trong trạng thái chờ đợi. Các nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm, với khả năng cắt giảm từ 0,25 - 0,5 điểm phần trăm. Điều này khiến các chỉ số toàn cầu biến động nhẹ, khi thị trường cân nhắc khả năng kinh tế Mỹ có thể "hạ cánh mềm" (tăng trưởng giảm tốc nhưng không suy thoái) sau đợt tăng lãi suất kéo dài.

Trong ngày 18/9, Cổ phiếu châu Âu đi ngang khi các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường trước khi FED đưa ra quyết định quan trọng về lãi suất, có thể đánh dấu sự khởi đầu của chu kỳ nới lỏng tiền tệ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,1% xuống 516,84 điểm.

Tại Anh, chỉ số chứng khoán giảm, sau báo cáo lạm phát khá phù hợp và khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định chính sách rất được mong đợi nhưng không chắc chắn của FED. Chỉ số FTSE 100 của London và chỉ số cổ phiếu vốn hóa trung bình FTMC đều giảm 0,2%. Cả hai chỉ số đều đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 9 vào hôm trước (17/9).

Trong khi Cổ phiếu Mỹ đi ngang vào hôm 17/9 khi thị trường chờ đợi quyết định cắt giảm lãi suất quan trọng của FED, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 15,90 điểm, tương đương 0,04 phần trăm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,49 điểm, tương đương 0,03 phần trăm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 35,93 điểm, tương đương 0,20 phần trăm.

Tại châu Á, Cổ phiếu Nhật Bản là cổ phiếu duy nhất ghi nhận mức tăng mạnh trong khu vực, với chỉ số Nikkei trung bình N225 tăng 0,72% để xóa bỏ mức giảm 1% của hôm 17/9, vì chỉ số chuẩn tiếp tục chịu ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái USD - Yen. Các cổ phiếu blue chip của Trung Quốc CSI300 mở cửa đi ngang sau khi hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài.

Về tỉ giá hối đoái, chỉ số USD đã giảm mạnh so với đồng Yen Nhật, mất đi 1/3 mức tăng giá từ hôm 17/9, khi dữ liệu bán lẻ đi lên bất ngờ của Mỹ được cho là làm suy yếu khả năng nới lỏng mạnh mẽ của FED. Đồng euro cũng tăng giá, lấy lại gần như toàn bộ mức giảm của ngày hôm trước.

Giới phân tích nhận định, FED gần như chắc chắn sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 4 năm, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu đảo ngược các điều kiện hạn chế mà họ áp đặt để chống lạm phát, nhưng liệu các nhà hoạch định chính sách có lựa chọn cắt giảm 0,5 phần trăm hay ở động thái nhỏ hơn hay không vẫn còn chưa rõ ràng.

Nhận định về điều này ông Michael Bailay giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners cho biết: “Thông thường FED sẽ làm chính xác những gì thị trường mong đợi vào phút cuối và điều này đã thấy trong lịch sử. Tuy nhiên, lần này có thể có một chút thú vị vì xác suất thị trường gần bằng 50/50. Họ đang nghiêng về việc cắt giảm 50 điểm cơ bản (tức 0,5%) và đó có thể là điều sẽ xảy ra. Nhưng vì gần mức xác suất 50/50, nên khả năng sẽ có điều gì đó hơi khác so với thị trường, chúng ta có thể thấy một số bất ngờ và biến động, chúng ta sẽ phải xem vào ngày 19/9”.

Từ khóa: chứng khoán, chứng khoán,chỉ số Dow Jones,Chỉ số S&P 500,Chỉ số Nasdaq Composite,FED

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: hoàng nguyễn/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan