Thi tốt nghiệp THPT 2020: Tiếng vọng từ những phiên tòa
Cập nhật: 13/06/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN -Phiên tòa cuối cùng xét xử các cựu cán bộ- giáo viên của Hòa Bình, Sơn La đã khép lại, nhưng "tiếng vọng" từ những phiên tòa này vẫn còn nguyên.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 sẽ diễn ra trong 2 ngày mùng 9 và 10/8 tới. Kỳ thi sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trong các khâu tổ chức thi tại địa phương. Nhiều người kỳ vọng, với sự chỉ đạo tổ chức thi trên toàn quốc, ra đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cộng với việc những đối tượng gian lận trong chấm thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang đã được đưa ra xét xử nghiêm khắc sẽ là bài học để các địa phương nâng cao trách nhiệm tổ chức tốt kỳ thi, không để xảy ra những sai sót tiêu cực đáng tiếc.
Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… 3 tỉnh lần lượt “được” gọi tên liên quan tới gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. 32 cựu cán bộ- người thầy từng nắm trọng trách trong ngành giáo dục ở 3 địa phương này lần lượt đứng trước vành móng ngựa với những sai phạm rõ ràng. Phiên tòa cuối cùng xét xử các cựu cán bộ- giáo viên của Hòa Bình, Sơn La đã khép lại cuối tháng 5 vừa qua đã tuyên những hình phạt thích đáng với các bị cáo, trong đó có bị cáo phải lĩnh án 21 năm tù, nhưng “tiếng vọng” từ những phiên tòa này chưa thể phai trong tâm trí phụ huynh và học sinh. Vì vậy, năm nay khi các địa phương được giao chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu kỳ thi có được tổ chức một cách nghiêm túc, công bằng, khách quan?
Theo các chuyên gia, việc những đối tượng gian lận trong chấm thi được đưa ra xét xử nghiêm minh thời gian vừa qua chính là bài học để các địa phương nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm: "Thời gian vừa qua, tất cả các địa phương đều theo dõi các vụ án ở Hòa Bình ở Sơn La, cũng đã xử một cách nghiêm túc. Những ai có ý định, chuẩn bị sai phạm nên ngừng ngay tức khắc".
Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Hà Nội: "Vụ việc 2018 tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La đã được đưa ra xét xử một cách công khai, với hình thức xử phạt rất nghiêm khắc sẽ là điều khiến cho các cá nhân cũng như các đơn vị sẽ phải nghiêm túc suy nghĩ và đảm bảo việc thực hiện công việc của mình một cách bài bản nhất, tránh mọi sai phạm, mọi sai sót có thể xảy ra".
Vụ việc gian lận trong chấm thi ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La dù chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương phải nâng cao hơn nữa trong việc đảm bảo một kỳ thi công bằng, minh bạch. Một động thái quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong năm nay là giao cho lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi ở địa phương mình.
Theo GS.TS Pham Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, phiên tòa xét xử các đối tượng gian lận chấm thi ở Hòa Bình, Sơn La vừa qua, dù đau xót, nhưng chính là hồi chuông cảnh báo để mỗi cán bộ, giáo viên tham gia công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay dù ở khâu nào cũng phải có ý thức trách nhiệm thực thi tốt nhiệm vụ được giao.
Không chỉ những cựu cán bộ, giáo viên trong vụ việc gian lận chấm thi năm 2018 bị xử lý nghiêm khắc mà những thí sinh được can thiệp nâng điểm cũng bị trả về điểm thi thực, bị buộc dừng học tại các trường đại học mà các em đã trúng tuyển bằng điểm thi gian dối. Từ kinh nghiệm thực tế trong đào tạo, lãnh đạo các trường đại học đều cho rằng, nếu thí sinh trúng tuyển vào đại học không bằng năng lực thực của bản thân thì sẽ không theo được chương trình đào tạo dẫn đến phải dừng học, vừa mất thời gian, tiền bạc của chính các em và gia đình.
Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Thủy lợi nêu thực tế: "Nếu các thầy các cô ở địa phương vì tình cảm cá nhân mà đánh giá không đúng về năng lực của các em thì thứ nhất, thiệt thòi cho các em. Vì các em sẽ dựa vào kết quả để xét tuyển vào các trường đại học và nếu không đủ năng lực thực sự thì các em sẽ bị ảnh hưởng đến tương lai. Hơn nữa, chúng ta sẽ vô hình chung làm hại chính con em của chúng ta vì chúng ta không biết là con em chúng ta đang ở mức nào để điều chỉnh lại chương trình học tập và đội ngũ thầy cô ở dưới các trường phổ thông để đáp ứng được nhu cầu mới".
Nhìn vào những sai sót đã xảy ra để rút kinh nghiệm, không để xảy ra sai sót trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới là điều mà xã hội đang kỳ vọng vào chính quyền, ngành giáo dục- đào tạo ở các địa phương./.
Từ khóa: Thi tốt nghiệp THPT 2020, tiếng vọng từ những phiên tòa, thi tốt nghiệp
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN