Thí sinh lo lắng khi chỉ tiêu theo kết quả thi tốt nghiệp giảm sâu

Cập nhật: 11/01/2022

[VOV2] - Phương án tuyển sinh năm 2022 của các trường Đại học cho thấy, chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt khi giảm phụ thuộc vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Thí sinh chưa có các chứng chỉ quốc tế bồn chồn lo lắng...

Chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT giảm sâu, lo điểm thi tăng “khủng”

Nhiều trường ĐH, CĐ tốp đầu đã đồng loạt công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Mặc dù phương thức tuyển sinh không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2021 song chỉ tiêu giữa các phương thức đã có sự thay đổi rõ rệt khi giảm phụ thuộc vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT.

Đáng chú ý, nếu như năm 2021, Trường ĐH Kinh tế quốc dân dành 80-85% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp thì năm 2022, chỉ tiêu cho phương thức này chỉ còn 10-15%.

Tương tự, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chỉ dành 10-20% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp năm 2022.

Tại trường ĐH Giao thông vận tải và trường ĐH Thương Mại tỷ lệ xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp năm 2022 được công bố là 40-50%. Trong khi đó tỷ lệ này trong năm 2021 của 2 trường lần lượt là 84% và 82%.

Sự “chạm đáy” của phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT khiến không ít thí sinh hoang mang, buộc phải thay đổi “chiến thuật” ôn tập.

Đặt mục tiêu vào ngành Logistics của Trường ĐH Kinh tế quốc dân, khá tự tin với sức học của mình cũng như đã chuẩn bị lộ trình để rộng đường vào ĐH nhưng khi biết năm nay Trường ĐH Kinh tế quốc dân chỉ dành 10-15% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp, Nguyễn Anh Thái vẫn tỏ ra khá “sốc”.

Em cũng dự đoán các trường sẽ thay đổi phương thức nên em đã chuẩn bị học bạ từ năm lớp 10. Điểm học bạ của em tăng dần theo từng năm. Hiện tại em cũng đang có IELTS 6.0. Nó sẽ là "phao cứu sinh" nếu em gặp vấn đề trục trặc gì đó, chứ để vào ngành mà em lựa chọn thì chưa yên tâm chút nào. 

Là lứa học sinh 3 năm liền phải học online do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chu Bảo Hân, học sinh Trường THPT Việt Đức không muốn có quá nhiều xáo trộn trong kỳ xét tuyển vào ĐH bởi hiện nay, học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vẫn phải nghỉ học trực tiếp do dịch ở cấp độ 3. “Vào đại học là quá trình dài ôn luyện. Dù học online thầy cô tận tâm, sẵn sàng giảng lại ngoài giờ khi chúng em không hiểu nhưng là học sinh cuối cấp em vẫn cảm thấy lo lắng”, Hân chia sẻ.

Dù biết đa dạng phương thức xét tuyển ĐH là xu hướng nhưng xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp vẫn là phương thức Nguyễn Văn Duy hướng đến. Với nguyện vọng vào ngành Thương mại điện tử của Trường ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Thương Mại, Duy khá lo lắng khi năm 2022 cả 2 trường ĐH này đều giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp, đồng nghĩa với tỉ lệ cạnh tranh về sẽ rất “gắt” với tỉ lệ chọi cao và điểm thi cũng sẽ tăng vọt, thậm chí điểm thi cao hơn cả năm 2021.

Dự định đăng ký các nguyện vọng vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ và ĐH Khoa học tự nhiên của ĐH Quốc gia Hà Nội, Vũ Thành Hưng, học sinh lớp 12 chuyên ở Hưng Yên cho biết, em sẽ vừa xét tuyển theo học bạ, vừa thi đánh giá năng lực ĐH quốc gia Hà Nội và sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp. Hưng cũng đặt mục tiêu sẽ có IELTS trên 6.5 trong đầu năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các mục tiêu mà em đặt ra vẫn chưa đạt.

“Em là học sinh chuyên nên sẽ hơn hẳn các trường khác về học bạ. Tuy nhiên, nếu học bạ dưới 8.0 thì vẫn sẽ không ổn mà học bạ của em hiện tại có 1 kỳ dưới 8,0 rồi”, Hưng lo lắng.

Có nguyện vọng đỗ vào Đại học Quốc Gia Hà Nội, từ đầu năm học lớp 12 Đoàn Hải Anh, HS ở Nam Định nỗ lực ôn luyện bài thi đánh giá năng lực. Vốn học chuyên ban A nên khi buộc phải học đều khiến Hải Anh khá áp lực.

“Em cho đã thử sức với đề thi thử đánh giá năng lực nhưng đề thi đòi hỏi kiến thức rộng, trong khi lên cấp 3 em chỉ tập trung học tổ hợp khoa học tự nhiên để xét tuyển nên hiện tại em học lệch khá nhiều. Hy vọng từ nay đến khi thi đánh giá năng lực, khả năng của em sẽ được cải thiện”.

Phương án tuyển sinh năm 2022 của các trường ĐH đã có sự thay đổi đáng kể để đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu xã hội, tình hình dịch bệnh, dựa trên tinh thần tự chủ song cũng sẽ gây khó khăn cho các sĩ tử 2004. Bởi để tăng cơ hội vào ĐH sẽ phải chạy theo nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.

“Không như mọi năm tập trung ôn luyện tổ hợp thi có 3-4 môn thì dễ dàng hơn, giờ lấy điểm cao trong bài thi đánh giá năng lực và tư duy đòi hỏi hiểu biết rộng, phải học đều. Em nghĩ rằng khó có điểm cao ở cả điểm thi tốt nghiệp và đánh giá năng lực. Do đó, năm nay thí sinh sẽ áp lực hơn”.

Thí sinh nông thôn thiệt thòi trước ưu tiên cho chứng chỉ ngoại ngữ?

Năm nay, một số trường dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp có chứng chỉ quốc tế. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ dành 25 – 35% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển có sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS; Trường ĐH Thương mại dành khoảng 40% cho phương thức xét tuyển này....

Nguyễn Hoàng Hà, nam sinh Trường THPT Hải Hậu C, tỉnh Nam Định cho biết, hiện rất nhiều bạn của em đăng ký luyện thi IELTS, tìm các lớp ôn luyện thi đánh giá năng lực. Với ưu tiên xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ trong 1-2 năm trở lại đây, Hà đánh giá sẽ khá thiệt thòi có học sinh ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa khi không phải ai cũng có điều kiện ôn luyện. Hơn nữa, “Bọn em được học tiếng Anh muộn hơn. Mức độ tiếp cận, học các chứng chỉ tiếng Anh ít hơn, trong khi trên thành phố tỷ lệ học IELTS và Toefl nhiều”.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội khẳng định, số lượng học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ có xu hướng tăng theo từng năm, chủ yếu là chứng chỉ tiếng Anh. Bên cạnh đó, học sinh của trường cũng có các chứng chỉ DSD tiếng Đức, N3 tiếng Nhật.

“Càng ngày càng em có ý thức để có được các chứng chỉ ngoại ngữ bởi đó là một lợi thế trong tuyển sinh. Để tính điểm tốt nghiệp 10 điểm thì ielts thì chỉ cần 4.-4.5 là được rồi, nhưng học sinh muốn cộng điểm vào các trường ĐH thì phải 6.5 trở lên nên em nào cũng phấn đấu để có chứng chỉ IELTS”.

Với những điều chỉnh trong phương án tuyển sinh năm 2022 của các trường ĐH, sĩ tử lứa 2004 sẽ phải điều chỉnh chiến lược ôn tập, đặt nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển. Đó sẽ là áp lực không nhỏ khi năm học này, phần lớn các em phải ôn tập trực tuyến./.

Từ khóa: phương án tuyển sinh 2022, xét tuyển, kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh 2k4, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập