Thí sinh không nên “om” nguyện vọng đến giờ chót

Cập nhật: 09/08/2022

[VOV2] - Dù đã hết 2/3 thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng trên 50% thí sinh chưa thực hiện. Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng thí sinh không nên chờ đến hạn chót mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Thí sinh chần chừ

Đã hơn 2/3 thời gian đăng đăng ký xét tuyển nhưng Nguyễn Khánh Linh, học sinh trường THPT Lương Sơn, Hòa Bình vẫn chưa chốt được nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Em có số điểm 25.3 cho tổ hợp Toán, Anh Văn. Mong muốn xét tuyển vào ngành truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng với số điểm này, Khánh Linh nói cần phải suy nghĩ thêm khi sắp xếp nguyện vọng.

“Truyền thông đa phương tiện báo chí lấy hơn 26 điểm năm ngoái. Em muốn đổi trường điểm thấp hơn là ĐH Thăng Long hoặc vào Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ nhưng cần tìm hiểu kỹ hơn”, Khánh Linh cho biết.

Trần Thùy Dung, học sinh ở Cầu Giấy Hà Nội cho biết, em đã trúng tuyển sớm vào 2 trường ĐH theo 2 phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, khi đăng ký xét tuyển lại bị rối giữa phương thức xét tuyển của trường và mã tuyển sinh của Bộ trên hệ thống nên vẫn chưa đăng ký thành công.

Trước khi có kết quả thi tốt nghiệp, con chị Đỗ Thị Bình ở Đống Đa, Hà Nội đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vào Học viện Ngân hàng và trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Tuy nhiên, nguyện vọng cao nhất của con là trúng tuyển vào Học viện Tài chính. Chị Bình cho biết, con đang dự tính đặt nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 đặt vào Học viện Tài chính, còn nguyện vọng đã trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng và Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sẽ đặt nguyện vọng 3 và 4.

Tuy nhiên, điều chị Bình và con băn khoăn và chưa chốt nguyện vọng là “chẳng may cháu không trúng tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 của Học viện Tài chính thì liệu cháu có “chắc chắn” trúng tuyển nguyện vọng 3 của Học viện ngân hàng không?

Hơn 50% thí sinh trên cả nước chưa thực hiện đăng ký xét tuyển đại học

Theo số liệu từ Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, tính đến nay, dù đã hết 2/3 thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng trên 50% thí sinh chưa thực hiện. Riêng TP HCM, đến nay mới chỉ có 180.823 nguyện vọng của thí sinh được đăng ký.

Quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT quy định không giới hạn số lần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng để tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh trúng tuyển. Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường được xếp thứ tự từ 1 đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất, ưu tiên nhất của thí sinh.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh không nên đợi đến cuối thời hạn mới đăng ký nguyện vọng.

Theo bà Thủy, đến 17h00 ngày 20/8, hệ thống sẽ đóng vì vậy các em phải kết thúc quy trình sửa đổi điều chỉnh nguyện vọng trước thời điểm đó. Sau thời điểm đó thông tin dữ liệu mà thí sinh mới cập nhật sẽ bị mất nếu không kết thúc quy trình.

"Thí sinh đừng chờ sát nút ngày 20/8 mới truy cập lựa chọn. Đến lúc đó là quá muộn, hệ thống có thể nghẽn nếu tất cả các em dồn vào cùng một thời điểm. Các em phải xử lý các nguyện vọng mong muốn đầu tháng 8, giữa tháng 8 là cùng”.

PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng khảo thí đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐH Giao thông Vận tải lưu ý thí sinh, dù 17h00 ngày 20/8 hệ thống đăng ký xét tuyển khóa nhưng thí sinh cần chú ý vẫn chưa xong quy trình đăng ký. Bởi, từ 21/8 đến 28/8 các em phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đăng ký. Chỉ khi nộp lệ phí xét tuyển xong thì mới xong quy trình này.

“Hệ thống của Bộ GD-ĐT cũng đã khuyến cáo, sau khi đăng ký xét tuyển xong các em nên thoát khỏi tài khoản rồi vào lại để quan sát xem tất cả các nguyện vọng em đăng ký đã đúng và đầy đủ chưa. Tránh tình trạng quên bấm nút lưu, thí sinh tưởng xong rồi nhưng thực tế không có trong hệ thống xét tuyển. Khi hệ thống đóng thí sinh sẽ mất cơ hội”, bà Hòa lưu ý.

PGS.TS Nguyễn Viết Thái – Trưởng phòng Đối ngoại và Truyền thông trường ĐH Thương Mại lưu ý thí sinh trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm. Nếu nguyện vọng đó là nguyện vọng yêu thích số 1 thì thí sinh đặt nguyện vọng 1 sẽ chắc chắn đỗ.

Còn nếu chưa phải là ngành yêu thích, thí sinh có thể đặt phương thức xét tuyển sớm xuống các nguyện vọng phía dưới. Nếu trượt ở các phương thức xét tuyển khác thì phương thức xét tuyển sớm nếu đã đặt nguyện vọng sẽ chắc chắn đỗ, không trường nào có quyền cho thí sinh trượt.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng lưu ý thí sinh cần có chiến thuật rải nguyện vọng đăng ký xét tuyển phù hợp. Phần mềm xử lý nguyện vọng xét tuyển sẽ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng duy nhất và cao nhất có thể. Do đó các em sắp xếp thứ tự nguyện vọng cho phù hợp, nguyện vọng nào yêu thích nhất đặt lên trên. Tuy nhiên, không nên dồn tất cả nguyện vọng của mình vào toàn trường hàng đầu, lỡ không đỗ trường này mà những trường khác cũng điểm cao như vậy thì thí sinh rất khó đỗ.

Vì vậy phải có chiến thuật, chiến lược dàn trải nguyện vọng xét tuyển, cùng ngành yêu thích nhưng có nhiều trường cùng đào tạo vì vậy hãy đăng ký ở những tập hợp các trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, thí sinh nên đăng ký nguyện vọng chia làm 3 nhóm. Chẳng hạn, dùng 6 nguyện vọng thì nên đặt 2 nguyện vọng cao hơn năng lực của mình, 2 nguyện vọng vừa sức và đừng quên 2 nguyện vọng thấp hơn so với năng lực để đề phòng, tránh tình trạng điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH.

Từ khóa: xét tuyển 2022, đăng ký, nguyện vọng, chờ đợi, vov2, thí sinh, trượt ĐH

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập