Thí sinh đặc cách tốt nghiệp sẽ thi sau giãn cách
Cập nhật: 04/09/2021
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
[VOV2] - Khi hết thời gian giãn cách xã hội, ĐHQG Hà Nội tiếp tục tổ chức thi ĐGNL theo hình thức phi tập trung cho các thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 để xét tuyển vào các trường đại học theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
ĐHQG Hà Nội đã quyết định không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2. Vậy, những thí sinh đã tham gia kỳ thi ĐGNL đợt 1 có được sử dụng kết quả thi để xét tuyển? Dự kiến điểm trúng tuyển vào các Khoa/trường thành viên của ĐHQG Hà Nội năm 2021 có biến động so với năm 2020? P/V VOV2 có cuộc phỏng vấn GS. TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó Ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội.
Phóng viên: Năm nay, ĐHQG Hà Nội có các phương thức xét tuyển như thế nào, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) xét tuyển 11.250 chỉ tiêu vào 132 ngành/chương trình đào tạo bậc đại học theo 5 phương thức cơ bản: xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQG Hà Nội tổ chức, xét tuyển theo chứng chỉ quốc quốc tế (ACT, A-Level, SAT), xét tuyển theo chứng chỉ tiếng Anh + môn thi tốt nghiệp, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp năm 2021.
Tuy nhiên, dù thí sinh đăng ký xét tuyển bằng phương thức nào cũng tuân theo nguyên tắc: trúng tuyển một lần vào một ngành đào tạo của một trường đại học trong một đợt xét tuyển. Các thí sinh yên tâm lựa chọn phương thức đăng ký xét tuyển.
Phóng viên: Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ĐHQG Hà Nội quyết định không tổ chức tiếp kỳ thi ĐGNL đợt 2. Vậy đối với những thí sinh đã tham gia kỳ thi ĐGNL đợt 1 thì có được sử dụng kết quả thi để xét tuyển không?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Bài thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội hướng tới đa mục đích trong đó có phục vụ tuyển sinh đại học. Năm 2021, Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi đã xây dựng kịch bản thi nhiều đợt từ tháng 4 đến tháng 9. Chúng tôi đã tổ chức một số đợt thi phi tập trung theo phương án thi được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và quận Cầu Giấy phê duyệt. Tuy nhiên, những đợt thi theo kế hoạch tổ chức vào cuối tháng 7 – 8/2021 sẽ tạm dừng đảm bảo yêu cầu giãn cách xã hội trên địa bàn Hà Nội khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp.
Trong thời gian tới khi hết thời gian giãn cách xã hội, Trung tâm tiếp tục tổ chức thi ĐGNL theo hình thức phi tập trung cho các thí sinh được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021 để xét tuyển vào các trường đại học theo yêu cầu của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Các đợt thi khác sẽ tổ chức khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn.
Các thí sinh đã dự thi ĐGNL trong thời gian qua có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học trong và ngoài ĐHQG Hà Nội. Một số thí sinh đã có kết quả trúng tuyển vào các Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐN Công nghệ... Các trường ĐH thành viên khác (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Quốc tế, Khoa Quản trị & Kinh doanh…) vẫn đang nhận hồ sơ xét tuyển theo kết quả bài thi ĐGNL đến hết ngày 6/8/2021. Các bạn thí sinh yên tâm nộp hồ sơ và đợi kết quả xét tuyển sau ngày 6/82021.
Phóng viên: ĐHQG Hà Nội vừa công bố điểm ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển đầu vào hệ chính quy năm 2021, ông có bình luận gì về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo này?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Nhận định chung về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo bậc đại học năm 2021 có một số thay đổi so với năm 2020. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ của các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế ngoại ngữ, luật học… tăng 1,0 điểm so với năm 2020; các ngành đào tạo của khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ hầu như không thay đổi đáng kể so với năm trước.
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đưa ra dựa trên phổ điểm thi tốt nghiệp hàng năm và chuẩn đầu vào của mỗi chương trình đào tạo. Thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào có thể theo học chương trình đào tạo đó. Tuy nhiên, điểm chuẩn sẽ cao hơn ngưỡng điểm nhận hồ sơ, đặc biệt đối với các ngành có điểm chuẩn trên 21,0 điểm.
Phóng viên: Theo nhận định của ông, lượng thí sinh đăng lý xét tuyển vào Đại học quốc gia Hà Nội những năm gần đây thế nào? Cụ thể trong năm 2021 này mức điểm trúng tuyển của ĐHQGHN dự kiến có tăng hơn năm 2020 không?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Trước hết, chúng ta đều biết trong những năm gần đây ĐHQG Hà Nội luôn có thứ hạng trong bảng xếp hạng 1000 các trường đại học trên thế giới. Từ năm 2017 đến nay, chúng tôi liên tục khảo sát lí do thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐHQGHN và nhận được trên 80% thí sinh trả lời lựa chọn ĐHQG Hà Nội vì chất lượng đào tạo.
Năm 2021, thống kê sơ bộ có khoảng 130.000 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội, cao hơn năm 2020 một chút. Số lượng nguyện vọng sẽ có sự thay đổi sau đợt điều chỉnh nguyện vọng từ 29/8 đến 5/9/2021 sau khi thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp. Một số ngành đào tạo sẽ giảm số lượng nguyện vọng do thí sinh không đạt điểm ngưỡng nhận hồ sơ trong khi một số ngành lại tăng thêm thí sinh đăng ký xét tuyển. Do đó, việc nhận định điểm chuẩn ở thời điểm này là khá sớm.
Tham khảo phổ điểm thi tốt nghiệp năm 2021 chúng ta có thể đưa ra một số nhận định: các ngành đào tạo xét tuyển tổ hợp khối A01 (Toán, Lý, Anh), D01(Toán,Văn,Anh) có thể điểm chuẩn tăng tối đa 1,5 điểm, các ngành xét tuyển theo tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa) ít có biến động hoặc tăng không nhiều. Phân khúc điểm chuẩn cũng có những biến động. Các ngành có điểm chuẩn năm 2020 dưới 26,0 điểm có thể tăng điểm chuẩn tối đa 1,5 điểm; phân khúc trên 27,0 hoặc dưới 20,0 điểm hầu như không tăng hoặc tăng không đáng kể.
Phóng viên: Ông có lời khuyên nào dành cho thí sinh khi họ lựa chọn ĐHQG Hà Nội?
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Đầu tiên, thí sinh tham khảo điểm chuẩn các năm trước đây để sắp xếp nguyện vọng xét tuyển sao cho hợp lý, có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các ngành đào tạo yêu thích. Thí sinh hãy tham khảo chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo mình dự kiến theo học, tìm hiểu môi trường học tập, nghiên cứu khoa học, điều kiện học bằng kép, trao đổi sinh viên trong và ngoài nước, mức học phí và các hình thức học bổng, ký túc xá sinh viên, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; các chương trình đào tạo đặc biệt như đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao.... Chỉ sau khi bạn hiểu rõ con đường mình sẽ đi bạn mới có nghị lực vươn tới và đạt kết quả cao trong học tập và nghiên cứu khoa học ở ĐHQG Hà Nội.
Xin cảm ơn GS!
Từ khóa: Điểm sàn, điểm chuẩn, kỳ thi đánh giá năng lực, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2