Thí sinh đặc cách tốt nghiệp được xét tuyển đại học riêng
Cập nhật: 04/09/2021
Bị bắt khi định lừa 150 triệu đồng để lo cho công an lấy xe vi phạm ra sớm
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
[VOV2] - Trong Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 29/7 với các trường đại học phía Nam và 2 Đại học Quốc gia, các phương án xét tuyển đại học đối với thí sinh diện đặc cách xét tốt nghiệp THPT đã được thống nhất.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 06-07/8. Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1, trong khi đó, một số địa phương không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Hiện dự kiến sẽ có khoảng 10.000 thí sinh đặc cách, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Trong số đó, bên cạnh những em xét tuyển bằng các phương thức khác, còn nhiều em chưa có căn cứ điểm để xét tuyển ĐH, CĐSP.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH Phạm Như Nghệ cho biết, năm 2020, Bộ GDĐT đã điều chỉnh lịch tuyển sinh để xét tuyển chung 1 đợt sau 2 đợt thi tốt nghiệp THPT, tạo điều kiện thuận lợi và được các trường ĐH ủng hộ. Năm nay, Vụ GDĐH tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ, điều chỉnh lịch tuyển sinh và xét tuyển chung 1 đợt sau khi thi tốt nghiệp THPT đợt 2.
Nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thí sinh đặc cách có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐSP, Bộ đã có văn bản và trao đổi trực tiếp, đề nghị 2 Đại học Quốc gia tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực (ĐGNL) cho các đối tượng này. Các cơ sở có thể căn cứ vào kết quả thi ĐGNL, học bạ hoặc phương thức khác để xét tuyển, đảm bảo công bằng, khách quan. Phương thức xét tuyển hoàn toàn do các cơ sở GDĐH quyết định và chịu trách nhiệm giải trình.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở GDĐH phải xác định các vùng tuyển chủ yếu của mình, từ đó, để dành lại số chỉ tiêu đã xác định trong năm 2021, cho từng ngành, từng chương trình đào tạo. Số chỉ tiêu để lại dự kiến tối thiểu phải tương đương với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐSP, phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo và yêu cầu của cơ sở đào tạo. Sau đợt 2 thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT sẽ công khai những thông tin về số thí sinh ở các địa phương, các vùng, làm căn cứ cho các trường tính toán, để lại chỉ tiêu phù hợp.
Trường hot sẽ được bổ sung chỉ tiêu dành cho các thí sinh đặc cách
Đối với những ngành có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, Vụ GDĐH tham mưu lãnh đạo Bộ cho phép các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định. Sau khi đã tuyển đủ, các trường được bổ sung chỉ tiêu cho những ngành này, tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số sinh viên có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐSP thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường đã xác định. Đề xuất này nhằm đảm bảo công bằng, không làm mất đi cơ hội của thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển. Đồng thời, tạo điều kiện cho thí sinh đặc cách tham gia xét tuyển.
Riêng đối với các cơ sở thuộc khối an ninh, quốc phòng, theo Nghị định 99, việc xác định chỉ tiêu vừa đáp ứng quy định của Bộ GDĐT vừa tuân thủ quy định riêng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Dự kiến, hai Bộ này sẽ trực tiếp xác định chỉ tiêu và thông báo cho các trường trong khối an ninh, quốc phòng.
Về chỉ tiêu sư phạm, theo quy định của Luật, Bộ GDĐT đã xác định và thông báo chỉ tiêu đào tạo chính quy cho các trường. Phương án dự kiến là các trường được phép tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định ngay trong đợt xét tuyển chung tới đây. Sau đó, nếu có thí sinh diện đặc cách đăng ký dự tuyển vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, căn cứ báo cáo, Bộ GDĐT sẽ bổ sung chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu của các trường.
Để thí sinh đặc cách có cơ hội ngang bằng với thí sinh khác trong xét tuyển ĐH, CĐSP, Vụ GDĐH đề nghị các cơ sở GDĐH tổ chức xét tuyển riêng cho đối tượng này. Việc xét tuyển phải được thực hiện các bước theo đúng quy định. Trong trường hợp các đợt xét tuyển có cùng phương thức xét tuyển, cùng tiêu chí xét tuyển thì điều kiện trúng tuyển vào trường là phải như nhau.
Đánh giá cao sự sẵn sàng hỗ trợ trong công tác tuyển sinh của các cơ sở GDĐH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, tới đây bộ phận chuyên môn cần bổ sung danh sách và số lượng thí sinh được xét đặc cách để gửi dữ liệu cho các trường. Sau khi có số liệu, các trường sớm công bố phương án điều chỉnh bổ sung, để thí sinh đăng ký xét tuyển. Các trường sẽ tính toán để dành chỉ tiêu riêng cho những thí sinh thuộc diện đặc cách.
Về phương án tuyển sinh, cơ bản các trường áp dụng xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, hoặc căn cứ vào kết quả kỳ thi ĐGNL của 2 ĐH Quốc gia hoặc các phương thức xét tuyển khác. Thứ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phương án xét tuyển. Riêng với kỳ thi ĐGNL, Bộ sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia và các địa phương để tính toán địa điểm, thời gian tổ chức hợp lý, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng cho thí sinh.
Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia để có dữ liệu chung. Các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này, có thể tham gia xét tuyển chung. Thứ trưởng lưu ý, các trường cần tính đến điểm ưu tiên đối với thí sinh xét tuyển bằng kết quả kỳ thi ĐGNL; đồng thời, tính đến trường hợp thí sinh không tham dự kỳ thi này để chủ động trong phương án xét tuyển cho các em.
Với những trường tổ chức thi năng khiếu, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị gửi thông tin, Bộ sẽ tổng hợp số liệu và làm việc với các trường để có giải pháp thoả đáng, phù hợp thực tiễn.
Từ khóa: thi đợt 2, xét đặc cách tốt nghiệp, xét tuyển đại học với thí sinh đặc cách, thí sinh đặc cách xét vào đại học, tuyển sinh 2021, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2