Thí sinh cả nước kết thúc môn thi đầu tiên: Hào hứng, vừa sức

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Kết thúc 120 phút làm bài, nhiều thí sinh TP.HCM tỏ ra vui mừng vì ôn “trúng tủ”. Trong buổi thi sáng nay, Đắk Nông có 4 trường hợp thí sinh đặc biệt được hỗ trợ đến điểm thi vì bị tai nạn giao thông và ốm đau.

Thí sinh tại TP.HCM vui mừng vì “trúng tủ”

 

Phóng viên Vũ Hường-Tỷ Huỳnh-Nguyệt Vy/VOV-TP.HCM thông tin, sáng nay (27/6) hơn 90.000 thí sinh tại TP.HCM đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Kết thúc 120 phút làm bài, nhiều thí sinh tỏ ra vui mừng vì ôn “trúng tủ”. Ở phần nghị luận văn học, đề ra đoạn đầu bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Đây cũng là bài thơ mà nhiều thí sinh dự đoán được đưa vào đề năm nay.

Ngọc Hân, thí sinh tại điểm thi THPT Hùng Vương (Quận 5) cho biết, mình làm phần đọc hiểu khoảng 20 phút, thời gian còn lại em dành cho phần nghị luận xã hội và văn học, dư 5 phút cuối cùng để kiểm tra lại bài: “Đề em thấy khá dễ, không khó lắm. Em áng chừng khoảng 7-8 điểm với đề này.”

Phúc Vĩnh, thí sinh tại điểm thi THCS Trần Văn Ơn (Quận 1) cho biết, đề thi này em nghĩ mình sẽ đạt điểm từ trung bình trở lên. Trong đề thi, chỉ có duy nhất phần nghị luận xã hội viết về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính là em gặp một chút khó khăn: “Nghị luận xã hội lần này hơi lại so với những gì mà em ôn, việc tôn trọng cá tính của người khác nên em cũng không viết viết làm sao.”

Cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức nhận xét, đề văn phần ngữ liệu câu 1 có tính thực tiễn, khi đọc vào học sinh có thể và nắm bắt được thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Câu nghị luận xã hội, các em được thể hiện quan điểm cá nhân của mình, đây là đề rất mở và không quá khó với học sinh.

Cô Phương cho rằng đề này vừa sức với các em học sinh. Phần chọn ngữ liệu có tính định hướng kết nối giá trị truyền thống và hiện đại, quá khứ với hiện tại, cá nhân và tập thể, khá gần gũi với học sinh và phổ điểm chung có thể thí sinh đạt từ 7 điểm. Cô Phương cho biết thêm:  “Với những thí sinh “trúng tủ” bài Đất nước, nếu không cẩn thận các bạn có thể sẽ viết lan man dài dòng và không kịp thời gian. Một phần vì ngữ liệu cho hơi dài, khi dạy mình cũng chia đoạn này thành 2 phần, ví dụ tách 9 câu đầu và phần sau đó. Nếu phân tích 9 câu đầu với thời lượng 120 phút sẽ phù hợp hơn".      

Đắk Nông: Công an bế thí sinh vào tận phòng thi

 

Phóng viên Công Bắc/VOV - Tây Nguyên thông tin, sáng nay (27/6), cùng với hơn 1 triệu thí sinh cả nước, gần 8.000 thí sinh tại tỉnh Đắk Nông tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Có 4 trường hợp thí sinh đặc biệt được hỗ trợ đưa đến tận phòng thi. 

Kỳ thi năm nay, tỉnh Đắk Nông có 21 điểm thi, 344 phòng thi. Trong buổi thi sáng nay, có 4 trường hợp thí sinh đặc biệt được hỗ trợ đến điểm thi vì bị tai nạn giao thông và ốm đau. Trong đó, 3 thí sinh bị tại nạn giao thông trước kỳ thi đều ở huyện Đắk Mil. Các thí sinh này được lực lượng công an bế đến tận phòng thi. Một thí sinh ở điểm thi Trường THPT Hùng Vương, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô bị bệnh thủy đậu trước ngày thi được bố trí thi riêng ở phòng thi dự phòng.

Sáng nay, 7.577 thí sinh ở Đắk Nông dự thi môn Ngữ văn. Môn thi đầu tiên đã diễn ra an toàn nghiêm túc. Đề thi môn Ngữ văn được nhiều thí sinh đánh giá vừa sức, có thể làm được điểm cao. Thí sinh Trần Thị Lâm Oanh, lớp 12B6, Trường THPT Đắk Song, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông vui vẻ chia sẻ:  “Cháu thấy đề thi văn năm nay dễ. Đề ra Đất nước 14 câu đầu thì cháu nghĩ nhiều bạn học đoạn đấy nên khá vừa sức với các bạn. Cháu viết gần hết 2 tờ nên chắc điểm từ 7,25 - 7,5. Phòng cháu hơn nửa phòng xin giấy nên cháu nghĩ chắc điểm cũng cao”.

Đà Nẵng: Tình nguyện viên cõng thí sinh bị gãy chân lên điểm thi ở tầng 2

Theo phóng viên Tuyết Lê/VOV - Miền Trung, tại thành phố Đà Nẵng, 1.750 tình nguyện viên có mặt ở 28 điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tham gia chương trình "Tiếp sức mùa thi". Một tình nguyện viên đã cõng thí sinh bị gãy chân lên điểm thi ở tầng 2.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp các cấp chính quyền, cơ sở y tế, giáo dục tổ chức đưa đón thí sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến điểm thi. Các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm thi. Trong sáng nay, Thành Đoàn, Hội Sinh viên thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 2.000 thùng nước uống, 150 thùng bánh kẹo, tặng thí sinh vật dùng như dù, áo, mũ.

Dịp này, Thành Đoàn Đà Nẵng tặng quà cho 7 thí sinh người dân tộc Cơ Tu đang ở khu nội trú tại Trường THPT Phạm Phú Thứ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, mỗi suất quà trị giá 1.000.000 đồng. Chị Lương Thị Hương Dịu, Phó Bí thư Đoàn phường Hoà Cường Nam, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng tham gia đội tình nguyện tiếp sức màu thi cho biết: “Trong đợt “Tiếp sức mùa thi” lần này, chúng tôi chia nhau ra để hỗ trợ các bạn thí sinh. Trong cụm thi có bạn bị gãy chân, đoàn thanh niên giúp thi sinh phòng thi ở tầng 2 và khi thi xong đỡ thí sinh xuống ra xe về. Đoàn thanh niên cử các lực lượng  hỗ trợ các thí sinh. Đoàn phường chung tay vận động các nhà tài trợ phát nước cho học sinh. Hỗ trợ lực lượng Công an phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự trước điểm thi”.

Phụ huynh động viên tinh thần thí sinh trong buổi thi đầu tiên

 

Theo phóng viên Hương Lý/ VOV -Tây Nguyên, sáng nay (27/6), hơn 21.000 thí sinh tại Đắk Lắk đã bước vào môn thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của chính các em là sự quan tâm đồng hành của phụ huynh, giúp các em thêm vững tin bước vào kỳ thi quan trọng của mình.

Theo quy định của Bộ Giáo dục – Đào tạo,  6h30 thí sinh phải có mặt ở điểm thi. Trước khi vào phòng thi, thí sinh sẽ phải gửi đồ dùng, tư trang cách 25m, sau đó tập trung trước phòng thi để giám thị gọi vào phòng thi. Để đảm bảo thời gian, ngay từ 6h, rất đông thí sinh và phụ huynh đã có mặt tại điểm thi trường THPT Hồng Đức, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đa số phụ huynh cho biết đã đồng hành, động viên con trong suốt quá trình học tập. Bà Trần Thị Mai, phụ huynh có con thi tại điểm trường THPT Hồng Đức nói: “Sáng ra tâm trạng của hai mẹ con hơi hồi hộp một chút thế nhưng cũng dậy sớm đưa con đi ăn sáng đảm bảo sức khoẻ và lên đây cũng đảm bảo thời gian. Lên đây công tác phục vụ hỗ trợ mùa thi rất tốt rất tốt bảo cho thí sinh và phụ huynh”.

Đối với thí sinh học trường THPT Dân tộc nội trú Tây Nguyên, có nhiều em xa gia đình lên thành phố học. Trước kỳ thi, các em ở lại trường tranh thủ ôn tập cho kỳ thi quan trọng. Tại kỳ thi này, để động viên tinh thần các con, nhiều phụ huynh đã lên ở cạnh con mình từ những ngày trước. Ông Lê Văn Yên, một phụ huynh đến từ huyện EaHleo, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “ Bố mẹ lên đây từ ngày hôm qua, tận Ea Hleo. Hôm nay, chuẩn bị sức khoẻ, nước nôi, động viên nói các con bình tĩnh, tự tin. Mọi cái chuẩn bị chu đáo để các con bước vào kỳ thi tốt nhất”.

Với sự quan tâm của phụ huynh các thí sinh tại Đắk Lắk yên tâm, tự tin bước vào buổi thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trên 12.000 thí sinh Sơn La tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024

Phóng viên Trấn Long/VOV - Tây Bắc đưa tin, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, sáng nay 27/6, các em học sinh lớp 12 ở tỉnh Sơn La đã có mặt tại 35/35 điểm thi từ rất sớm, tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Năm nay, tỉnh Sơn La có trên 12.600 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Lần đầu bước vào kỳ thi lớn, nhưng do có sự chuẩn bị  từ trước, nên hầu hết các em đều có tâm lý khá thoải mái, tự tin bước vào kỳ thi.

Thí sinh Nguyễn Thị Kim Oanh, điểm thi trường Trung học phổ thông Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La trước giờ thi chia sẻ: "Sáng nay bước vào môn thi đầu tiên, em cảm thấy khá hồi hộp, nhưng em đã tích cực ôn luyện để nắm vững kiến thức trước khi vào kỳ thi; em mong muốn sẽ đạt kết quả cao trong kỳ thi năm nay".

Gần 30.000 thí sinh Tây Bắc hoàn thành môn thi Ngữ Văn trong điều kiện đảm bảo

Theo Nhóm PV/VOV-Tây Bắc, cùng với thí sinh cả nước, sáng nay, gần 30 nghìn thí sinh ở 5 tỉnh Tây Bắc gồm: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái và Lào Cai đã bước vào môn thi đầu tiên trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Thời tiết ở hầu hết các địa phương đều mát mẻ, thuận lợi cho các thí sinh làm bài thi.

Sơn La là địa phương có lượng thí sinh dự thi đông nhất trong các tỉnh Tây Bắc, với hơn 12.500 em đăng ký dự thi.

Trong buổi thi môn Ngữ Văn sáng nay, có 92 thí sinh vắng mặt; trong đó có 17 thí sinh được miễn thi, hơn 30 thí sinh tự do không đến thi, 1 thí sinh bị ốm không đến thi được, còn lại là có đơn xin hoàn thành chương trình và không tham gia thi.

Kết thúc buổi thi đầu tiên, tại Sơn La không có thí sinh, cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Em Lò Thị Thu Uyên, ở điểm thi trường THPT Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nói: " Em thấy đề văn năm nay khá vừa sức, bởi đây là dạng đề nói về phong cách nghệ thuật, về các thời đại trước và thời đại bây giờ nên dễ so sánh. Còn về nghị luận xã hội nói về cá tính, em thấy điều này khá là gần gũi, vì mỗi người đều có cá tính độc lập hoặc mạnh mẽ; nhìn chung đề văn năm nay khá vừa sức với em".

Tại tỉnh Điện Biên, trong số hơn 7.120 thí sinh đăng ký dự thi thì sáng nay có 57 thí sinh vắng mặt, trong đó có 15 trường hợp miễn thi, 3 thí sinh bị ốm và 34 thí sinh tự do bỏ thi. Theo đánh giá nhanh của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, buổi thi đã diễn ra an toàn, đúng quy chế; không có thí sinh, cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.

Em Cà Văn Long, thí sinh điểm thi Trường THPT Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết,  Đề thi vào tác phẩm Đất Nước được ôn khá kỹ, giúp các em làm bài thi tốt. Đặc biệt có nhiều cảm xúc làm bài ngay sau khi địa phương vừa tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

"Đề tương đối dễ, đúng bài em ôn rất kỹ, nếu đủ thời gian có thể em sẽ làm hết 5 tờ giấy thi. Do ôn kỹ nên em chìm đắm được vào đề thi và làm bài tốt" - Long nói.

Thí sinh Trịnh Thuý Hằng, lớp 12 A1, Trường THPT số 2 Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng chia sẻ: "Đề thi năm nay dễ đối với bản thân em, đặc biệt là phần nghị luận về tôn trọng tính cách, cá tính. Còn phần đọc hiểu hơi lạ một tí nhưng em vẫn làm được".

Tại các tỉnh Yên Bái, Lai Châu và Lào Cai, sáng nay một số địa phương có mưa, nhưng không ảnh hưởng đến việc đi đến điểm thi, cũng như việc làm bài của các thí sinh.

Với đặc thù địa hình chia cắt; kỳ thi diễn ra đúng vào mùa mưa, nên các nhà trường ở cả 5 tỉnh Tây Bắc đã sớm chủ động, sắp xếp cho các thí sinh ăn, ngủ tại trường và tại các hộ gia đình ở gần trường, kể cả ở nhà các thầy cô giáo, nên toàn bộ các thí sinh trong buổi sáng nay đã bước vào thi môn đầu tiên đảm bảo an toàn, thuận lợi.

Yên Bái: "Nâng  bước" thí sinh vùng khó đến trường thi

 

Phóng viên Đinh Tuấn, Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc cho biết, trong buổi đầu tiên diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tại Yên Bái trời mưa to, nên thí sinh đã gặp những khó khăn nhất định trong việc đến trường thi. Tuy nhiên nhờ sự chuẩn bị chu đáo của ngành giáo dục nên các em vẫn đến trường thi đảm bảo đúng giờ và an toàn.

Ghi nhận  tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, huyện Văn Yên - một trong những điểm trường có đông con em đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống của Yên Bái.

Sáng sớm nay, trời đổ mưa to trước giờ thi, các thí sinh trên địa bàn một số huyện của tỉnh Yên Bái khá vất vả trong di chuyển đến điểm thi. Tuy nhiên với các em học sinh ở xa của Trường THPT Trần Phú, huyện Văn Yên do được nhà trường hỗ trợ, sắp xếp ở gần trường trong hai ngày thi, nên việc đi lại rất thuận lợi.

Thầy giáo Nguyễn Quỳnh Lộc, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong kì thi năm nay, 60 học sinh ở xa trường đã được bố trí ở 8 phòng trọ, được bố mẹ tới nấu ăn và chăm sóc, động viên.

Tại buổi làm thủ tục dự thi hôm qua 26/6, qua rà soát có thêm 7 em học sinh có nguy cơ đến trường thi muộn nếu xảy ra mưa to. Toàn bộ số thí sinh này ngay lập tức được bố trí ở tại nhà thầy giáo cách trường vài chục mét. Bên cạnh việc sắp xếp chỗ ăn, ở cho các thí sinh ở xa, những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được các cấp, ngành hỗ trợ để có đầy đủ điều kiện bước vào kì thi.

"Qua rà soát toàn bộ 207 thí sinh đăng kí dự thi tại điểm thi trường THPT Trần Phú thì có 31 em có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đã đề nghị các cấp, các ngành vào cuộc, trong đó công đoàn ngành hỗ trợ 12 suất, mỗi suất chị trị giá 200 nghìn đồng; công đoàn tỉnh Yên Bái hỗ trợ 3 suất, mỗi suất 300.000 đồng; Hội Khuyến học huyện Văn Yên hỗ trợ 16 suất, mỗi suất là 300.000 đồng... "

Em Hoàng Quốc Hưng, học sinh lớp 12A4, nhà ở xã Châu Quế Hạ - cách trường hơn 20 cây số, được sắp xếp ở lại gần trường trong kì thi này cho biết: "Em được hỗ trợ chỗ nghỉ vì nhà em ở xa, còn được hỗ trợ các phụ kiện đi thi, những gì được mang vào phòng thi và được các thầy cô hỗ trợ, vì thế bước vào kỳ thì em rất tự tin".

Em Nguyễn Xuân Phú, ở thôn Khe Trang, xã An Bình, huyện Văn Yên cũng rất xúc động khi được hỗ trợ về vật chất và tinh thần, giúp em yên tâm tham gia kì thi với quyết tâm đạt kết quả cao nhất.

"Trước khi thi em được các thầy cô ủng hộ về tinh thần; thứ hai là hỗ trợ về kinh tế. Em coi đây là món quà cho em ý chí hơn, vào phòng thi bình tĩnh và tự tin hơn"- em Phú cho biết.

Thầy giáo Hà Minh Tiến, trưởng điểm thi Trường THPT Trần Phú cho biết, nhờ công tác chuẩn bị được triển khai chu đáo, từ sớm, nên sáng nay 27/6, 100% học sinh của trường đã có mặt đầy đủ, tự tin bước vào kỳ thi.

"UBND huyện Văn Yên đã có kế hoạch rất chi tiết nếu có tình huống bão lũ xảy ra. Về lực lượng gồm các bộ phận dân quân cơ động, ban ngành đoàn thể, về phương tiện thì Phòng Kinh tế hạ tầng cũng huy động 4 chiếc xe máy và 1 ô tô; bộ phận đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông thì gồm 6 đồng chí để đảm bảo khi bão lũ xảy ra, giao thông bị chia cắt thì đưa đón cán bộ coi thi và các em học sinh xuống điểm thi dự phòng..."- thầy Hà Minh Tiến nói.

Tại các điểm thi khác trong toàn tỉnh Yên Bái, sáng nay, các thí sinh đã bước vào thi môn thi đầu tiên đảm bảo đúng giờ, đúng quy chế của kỳ thi với quyết tâm đạt kết quả cao nhất.

Các thí sinh khu vực Đông Bắc thuận lợi hoàn thành môn thi đầu tiên

Nhóm PV/VOV-Đông Bắc ghi nhận, trong môn thi Ngữ Văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sáng nay (27/6), thí sinh nhiều tỉnh khu vực Đông Bắc và TP Hải Phòng tự tin đạt kết quả tốt không chỉ do ôn luyện kỹ càng mà còn nhờ công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các địa phương chu đáo, an toàn, hiệu quả. 

Nhiều khu vực tại các tỉnh Đông Bắc sáng nay có mưa rải rác, đặc biệt vào thời điểm các thí sinh ra khỏi phòng thi, tuy nhiên phần lớn các em đều tỏ rõ niềm vui sau khi hoàn thành môn thi Ngữ Văn, tự tin đạt điểm tốt với phần nghị luận và phân tích đoạn trích tác phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm. Lý Hương Trà, học sinh trường PTDT nội trú dự thi tại TP Hạ Long kỳ vọng sẽ đạt điểm 8 với phần nghị luận về “tôn trọng cá tính”: "Mỗi người đều là một cá thể riêng, có màu sắc riêng, mỗi người hãy phát huy màu sắc ấy để tạo nên bức tranh nhiều màu sắc cho xã hội và đất nước. Em học ở nội trú nên được ăn chung cùng nhau, được tặng tiền ăn, thầy cô tạo rất nhiều điều kiện để ôn thi, cho kỳ thi quan trọng này".

Tỉnh Quảng Ninh có 18.000 thí sinh dự thi, trong đó có 772 thí sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, diện khuyết tật được hỗ trợ từ 200 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/thí sinh. Hơn 320 thí sinh được bố trí ăn nghỉ miễn phí gần điểm thi, các thí sinh khuyết tật được hỗ trợ đưa đón từ nhà. 

Tại Lạng Sơn, 1.800 đoàn viên, thanh niên tham gia hỗ trợ các thí sinh tại 21 điểm thi, nhiều nhà trường phối hợp tổ chức các suất ăn trưa miễn phí cho học sinh, bố trí nhà công vụ, phòng trọ gần điểm thi. Lý Thị Yến, học sinh trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn nói: "Để phục vụ cho kỳ thi này nhà trường đã tạo điều kiện cho chúng em bằng nhiều cách, như buổi tối hôm qua là nấu cháo để tiếp sức mùa thi. Sáng nay chúng em đến địa điểm thi thì có lực lượng CSGT dẫn đường để đảm bảo an toàn cho chúng em. Bây giờ thì em sẽ về ăn cơm trưa mà nhà trường đã chuẩn bị sẵn để có năng lượng cho buổi thi chiều nay".

Tại Bắc Kạn, ngay sau khi kết thúc buổi thi, hơn 3.200 thí sinh dự thi cũng nhận được các suất ăn miễn phí do các bạn đoàn viên thanh niên tự tay chuẩn bị. Hơn 250 đoàn viên thanh niên hỗ trợ tích cực cho thí sinh làm thủ tục thi, thành lập các đội xe ôm xung kích, đưa đón học sinh khó khăn, đau ốm hay gặp sự cố trên đường. 

5.000 thí sinh tại tỉnh vùng cao biên giới Cao Bằng cũng hoàn thành bài thi với tâm trạng thoải mái. Địa phương đặc biệt trú trọng xây dựng phương án hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh có khăn, thí sinh ở xa địa điểm thi. Bà Đàm Thị Trung Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Cao Bằng cho biết: "Toàn tỉnh Cao Bằng có 1.484 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các trường THPT đã chủ động xây dựng phương án hỗ trợ phù hợp với từng địa phương. Các nguồn lực được huy động bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ các bữa ăn miễn phí, bố trí chỗ ngủ cho thí sinh ở xa, tổ chức đưa đón học sinh trong những ngày thi".

Riêng tại TP Hải Phòng, trong kỳ thi này có 3 thí sinh không thể viết bài do gặp tai nạn trước đó. Các em đã nhận được hỗ trợ "đặc biệt" từ lực lượng chức năng tại các điểm thi THPT Thăng Long, THPT Kiến An, THPT Đồng Hòa. Các điểm thi có các thí sinh gặp vấn đề về sức khoẻ đều được bố trí thêm phòng thi, tăng cường giám thị coi thi để hỗ trợ tốt nhất. Chị Đào Thị Lệ Hằng, phụ huynh thí sinh tại điểm thi THPT Hồng Bàng cho biết: "Tổ chức thi ở trường này rất tốt. Các thầy giáo cô giáo rất quan tâm đến các con; các lực lượng hỗ trợ rất tốt. Trước khi vào kỳ thi ngày hôm nay, gia đình và các thầy cô của nhà trường kết hợp sát sao trong việc học tập ôn của các cháu; cô giáo rất quan tâm đến kiến thức của các cháu để cho kỳ thi này đạt điểm tốt".

Thí sinh Cà Mau đánh giá đề thi vừa sức

Theo phóng viên Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL, cùng với sĩ tử cả nước, hơn 10.000 thí sinh ở vùng đất tận cùng Tổ Quốc – Cà Mau bước vào thi môn Ngữ Văn sáng nay. Các em học sinh đánh giá đề thi vừa sức.

Ghi nhận của phóng viên tại điểm thi tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ (phường 2, TP Cà Mau), sau khi khi hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn ra về, trên gương mặt các thí sinh đều tỏ ra khá thoải mái. Trao đổi với chúng tôi, một số em học sinh đánh giá đề thi năm nay không khó.

Thí sinh Phạm Anh Kiệt cho biết: "Em thấy đề dễ, ra bài Đất Nước. Đề thi có 2 phần, phần đọc hiểu 4 câu, làm văn 2 câu. Phần đọc hiểu cũng cơ bản, hai câu đầu bám sát đề là làm được; 2 câu sau thì phải suy nghĩ thêm. Phần nghị luận xã hội thì mình vận dụng kiển thức bên ngoài xã hội để làm thôi. Còn nghị luận văn học thì em thấy đề dễ, ra bài Đất Nước".

Thí sinh Hoàng Ánh Linh chia sẻ thêm: "Em thấy đề dễ, có nhiều cái để mình khai thác, phân tích. Chỉ cần vận dụng kiến thức đã học và truyền thống dân tộc, đất nước để tìm kiếm thông tin đưa vào để khai thác mình làm. Em nghĩ đề năm nay vừa sức với các bạn, không có khó. Em có thể được hơn 7 điểm".

Theo báo cáo nhanh của Hội đồng thi Sở GD-ĐT Cà Mau, ở môn thi Ngữ Văn, tổng số thí sinh dự thi 10.048/10.071, vắng 23 thí sinh. Trong đó, có 1 thí sinh bị tai nạn giao thông trước ngày làm thủ tục dự thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Cà Mau có 10.182 thí sinh đăng ký dự thi. Hội đồng thi đã bố trí 17 Điểm thi chính thức và 2 Điểm thi dự phòng, với 433 phòng thi. Có hơn 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục; y tế;… được điều động làm nhiệm vụ.

Từ khóa: thí sinh, thí sinh, trúng tủ, hỗ trợ thí sinh, tai nạn, ốm đau

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nhóm pv/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan