Thí điểm bỏ HĐND phường ở Hà Nội: Hợp hiến hay không?
Cập nhật: 14/11/2019
Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai
TP. HCM lắng nghe trí thức hiến kế để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới
VOV.VN - Thảo luận tại Hội trường về thí điểm không tổ chức HĐND phường của Hà Nội, đại biểu Quốc hội vẫn có cách phân tích khác nhau về tính hợp hiến.
Nêu ý kiến tại phiên làm việc chiều 14/11, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng cơ sở pháp lý được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ để Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội là chưa vững chắc.
Theo đó, Điều 110 của Hiến pháp quy định, phường là đơn vị hành chính. Điều 111 của đạo luật cao nhất này cũng nêu rõ: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.
Đại biểu Lê Thanh Vân |
“Theo tờ trình thì phường sẽ không có HĐND, tức chỉ có một nửa chính quyền, mà một nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền” – ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.
Vị đại biểu này cũng dẫn Điều 114 của Hiến pháp quy định UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệmtrước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Quy định này đảm bảo quyền của nhân dân thông qua bầu HĐND để kiểm soát chính quyền cũng như đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của nền hành chính quốc gia.
“Nay bỏ HĐND thì không thể gọi UBND là cơ quan nhà nước theo đúng nghĩa chính quyền địa phương. Lãnh đạo UBND phường lại do Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định để hợp thành một số chức danh của UBND thì mất ý nghĩa chế độ tập thể làm theo nguyên tắc đa số” – ông Lê Thanh Vân nói.
Theo vị đại biểu này, điều quan trọng là cần làm rõ nguyên nhân vì sao hoạt động của HĐND phường không phát huy hiệu quả. Đó là do trao quyền nhưng không đảm bảo cho họ thực hiện, do cơ cấu đại biểu HĐND nặng về hình thức hay chính đại biểu chưa tương xứng và làm hết trọng trách nhân dân giao cho.
“Tôi rất ủng hộ chủ trương cải cách bộ máy, tinh giảm theo hướng tập trung vai trò cá nhân nhưng phải có kiểm soát mạnh mẽ. Do đó Quốc hội cần hết sức thận trọng khi xem xét việc không tổ chức HĐND” – ông Lê Thanh Vân đề nghị.
Không đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) lại cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND phường vẫn hợp hiến. Hiến pháp quy định Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính và điều này là bất di bất dịch. Nhưng có thể có cả HĐND và UBND hoặc chỉ cần một đại diện là UBND. Còn cấp chính quyền gồm HĐND và UBND ở Hà Nội thể hiện rõ ở cấp tỉnh và cấp quận được tổ chức đầy đủ cả hai.
Đại biểu Phùng Văn Hùng |
Tuy vậy, đại biểu Hùng cho rằng, Tờ trình thay vì nói “thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã” bằng “thí điểm không tổ chức cấp chính quyền phường” thì rõ hơn.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ “ngạc nhiên” trước cách hiểu của đại biểu Phùng Văn Hùng về chính quyền địa phương trong Hiến pháp.
“Hiến pháp rất tường minh. Đừng hiểu cấp chính quyền địa phương ở đây là cấp đơn vị hành chính. Ở đâu có đơn vị hành chính ở đó có chính quyền địa phương và được cấu thành bởi HĐND và UBND” – ông Vân nhấn mạnh và đặt vấn đề khi không có HĐND thì thành tố còn lại gọi là gì khi không đủ cấu thành chính quyền địa phương. Do đó, một lần nữa ông đề nghị xem xét thận trọng vì “đụng đến 2 điều trong Hiến pháp”./.
Nên triển khai không tổ chức HĐND phường, thay vì thí điểm ở Hà Nội?
Từ khóa: Bỏ HĐND phường, Hiến pháp, chính quyền địa phương, Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN