“Thi chuyên đỗ hay không cũng được, con dám thi đã là thành công“
Cập nhật: 14/07/2020
Công an Lai Châu bắt 12 đối tượng lừa đảo qua mạng tại Campuchia
Thuê căn hộ cao cấp để bán ma túy, 2 thanh niên lĩnh hơn 31 năm tù
VOV.VN - Dù chưa tới kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chính thức của Sở GD-ĐT Hà Nội, nhưng hàng ngàn thí sinh đã trải qua hàng loạt các kỳ thi vào trường chuyên.
Còn 2 ngày nữa, các thí sinh tại Hà Nội mới bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2020, nhưng ngay từ đầu tháng 7, nhiều thí sinh đã phải trải qua các kỳ thi vào nhiều trường chuyên khác nhau.
Kỳ thi vào trường chuyên chưa bao giờ hết cam go, đó là cuộc đua của những thí sinh có học lực giỏi để tìm ra những người xuất sắc và phù hợp nhất với từng môi trường giáo dục chuyên. Cảm giác lo lắng, hồi hộp, thấp thỏm hay vui mừng sung sướng không chỉ là của riêng học sinh mà còn là nỗi niềm của phụ huynh mỗi mùa thi.
Phụ huynh thấp thỏm đợi con người trường thi chuyên THPT Khoa học tự nhiên ngày 13/7. |
Sau cánh cổng trường thi đóng kín với hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt, hàng ngàn phụ huynh vẫn dõi theo con, cùng hồi hộp, thấp thỏm theo từng tiếng trống điểm giờ thi.
2 ngày cuối tuần vừa qua, các trường chuyên Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn đồng loạt tổ chưc kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ngày nào chị Nguyễn Thị Thanh (Đống Đa) cũng đội nắng ngồi cổng trường, áo ướt đẫm mồ hôi đợi con thi chuyên Tin tại THPT chuyên Khoa học tự nhiên.
Chị Thanh chia sẻ, đây là con thứ 2 nhà chị thi vào trường chuyên này: “Cháu thứ nhất đã từng thi chuyên Sinh, nhưng tỷ lệ chọi không quá cao, nên không căng thẳng lắm. Năm nay, tỷ lệ chọi vào lớp chuyên Tin và chuyên Toán khá cao nên con khá lo lắng khi bước vào kỳ thi. Tôi không nghĩ rằng phải ép con học bằng được để thi trường chuyên. Nếu thi được là tốt, còn không được, con vẫn có rất nhiều sự lựa chọn khác. Việc học hiện nay đã quá vất vả, nếu giảm được áp lực nào cho con thì nên giảm”.
Chị Nguyễn Thị Thanh thấp thỏm đợi con ngoài trường thi. |
Trưa nắng, sau buổi thi chuyên THPT Khoa học Tự nhiên, anh Nguyễn Hữu Xuyên (Gia Lâm) vội vàng đưa con trai đi ăn trưa. Nhà cách trường hơn 30km, nên anh chọn ở lại buổi trưa để con không phải di chuyển nhiều. Các nhà nghỉ quanh trường đều đã kín phòng do phụ huynh thuê đông, anh Xuyên đưa con vào nghỉ tạm ngay căng tin của trường để lấy sức.
Vừa ngồi quạt cho con trai, anh vừa kể,con trai anh thi chuyên Toán, gia đình ủng hộ vì sở thích của cháu. “Bản thân con rất có ý thức tự học. Những ngày gần thi, ngày nào cũng thức đến đêm muộn để học bài, nhiều khi bố mẹ phải ép con đi ngủ vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì đây mới là đợt thi đầu tiên của con trong mùa thi năm nay. Trong tuần này, con tiếp tục tham dự kỳ thi chung của Sở và thi chuyên Amsterdam, tôi không muốn con áp lực, kiệt sức trước khi vào kỳ thi chính. Nếu thi chuyên không đỗ, thì về học trường làng cũng không sao”, anh Xuyên nói.
Anh Xuyên cho rằng, kỳ thi chuyên là một cuộc chiến cam go, tranh tài của những học sinh có lực học trội hơn. Nhưng đây không phải mục tiêu sau cùng anh muốn hướng tới. “Nếu đỗ, con sẽ được vào học trường chuyên. Hỏi rằng, bố mẹ có thích không, thích chứ. Nếu ai đó hỏi, con anh học trường nào, có thể kể ra một cái tên trường chuyên, có lẽ cũng tự hào hơn. Nhưng điều đó không quan trọng. Tôi ủng hộ vì con muốn thế. Còn với tôi, con dám đi thi, dám bước vào cuộc thi này đã là một sự dũng cảm và thành công. Điều tôi mong muốn là con có thể phát triển toàn diện, có đẩy đủ các kỹ năng và kiến thức để bước vào đời. Chưa chắc thành công ở các kỳ thi, đã thành công khi bước vào cuộc sống của một người trưởng thành”.
Con gái chị Hà Thu (Hoàn Kiếm) Hà Nội cũng đang trải qua 1 chuỗi các kỳ thi chuyên. Vừa hoàn thành kỳ thi chuyên Văn vào THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn, ngay ngày hôm sau, lại bước vào kỳ thi chuyên tại THPT chuyên Sư phạm, và cuối tuần này là kỳ thi chung của Sở GD-ĐT.
Tại trường thi THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn ngày 13/7, chị Hà đón con ra khỏi phòng thi bằng cái ôm thật chặt. Vội lau những giọt mồ hôi, vuốt lại mấy sợi tóc mai xõa xuống mắt con gái, chị chỉ hỏi, có mệt không con, chứ không hỏi, làm được bài không con.
Con gái chị chạy ra với mẹ: “Con làm cũng được mẹ ạ”. Chị vui mừng, khấp khởi trò chuyện cùng con gái.
Chị Hà chia sẻ, mấy ngày nay, chị đều phải xin nghỉ làm để đưa con đi thi. “Thực ra có thể đưa con đến trường rồi về, nhưng tôi vẫn ngồi lại đợi. Con bảo để tự đi cùng bạn, nhưng tôi không yên tâm. Ra khỏi phòng thi có mẹ đứng đợi sẽ cảm thất thoải mái hơn. Chỉ sợ các bạn đều có bố mẹ đón, con 1 mình lại dễ tủi thân”.
Chị Hà Thu chia sẻ, những ngày này, không chỉ các con đi thi, mà cả nhà ai cũng chung không khí hồi hộp, lo lắng của mùa thi. Vợ chồng chị phải phân công nhau thay phiên nghỉ làm để đưa đón con đi thi. Mọi việc không quan trọng đều được gác lại. Bữa cơm gia đình cũng được chú ý hơn bình thường, để đảm bảo con đủ sức khỏe đi thi. Những việc vặt vốn được giao như quét nhà, rửa bát, giặt quần áo cũng được tạm miễn cho sỹ tử.
Phụ huynh này cho biết, chị luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con, những căng thẳng, áp lực được gói gọn cất kỹ miễn sao không làm ảnh hưởng đến tâm lý của con.
“Học tập là cả quá trình. Bản thân tôi cũng đã từng trải qua những kỳ thi như thế này. Đến giờ, khi đã đi làm, trong quá trình công tác vẫn phải trải qua những đợt thi liên quan đến chuyên môn, thi nâng ngạch. Thi cử khó tránh khỏi những áp lực, lo âu. Tâm lý và sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất, việc học là cả quá trình, nên những ngày này, mỗi lần thấy con căng thẳng, tôi lại ngồi nói chuyện với con như 2 người bạn, kể cho con nghe những kinh nghiệm thi cử của bản thân. Cố gắng khuyên con nên dành thời gian thư giãn thay vì ôn thi, nhồi nhét kiến thức. Mỗi kỳ thi chỉ là một lần thử thách để các con trưởng thành hơn mà thôi”, chị Thu chia sẻ./.
Từ khóa: trường chuyên, thi chuyên, đỗ hay không cũng được, con dám thi đã là một thành công, tuyển sinh lớp 10
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN