Theo dõi lịch sử tiếp xúc có ý nghĩa thế nào khi lệnh “ở nhà” kết thúc
Cập nhật: 15/04/2020
VOV.VN -Khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 hiện nay được dỡ bỏ, việc theo dõi lịch sử tiếp xúc là cần thiết để tránh bùng phát đợt dịch mới.
Việc theo dõi lịch sử tiếp xúc đã được sử dụng từ hàng chục năm trước nhằm kiểm soát sự lây lan của các dịch bệnh truyền nhiễm. Ý tưởng cơ bản rất đơn giản: phát hiện những người nhiễm bệnh, sau đó tìm bất cứ ai đã từng tiếp xúc gần với người bệnh và khuyến khích họ ở trong nhà cho đến khi chắc chắn là họ không bị lây bệnh.
Hiện nay, các sắc lệnh “ở nhà” đang được thực hiện trên khắp thế giới nhằm giảm thiểu khả năng những người mang mầm bệnh (virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19) có thể làm lây lan virus cho những người khác. Khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ và các hoạt động thường này được khôi phục, việc theo dõi lịch sử tiếp xúc sẽ càng cần thiết hơn để ngăn chặn các đợt dịch mới.
Khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 hiện nay được dỡ bỏ, việc theo dõi lịch sử tiếp xúc là cần thiết để tránh bùng phát đợt dịch mới. Ảnh: NEXU/Reuters |
Việc theo dõi lịch sử tiếp xúc được thực hiện như thế nào?
Trước tiên, các nhà điều tra y tế cộng đồng phải tìm ra tất cả những người nhiễm bệnh và tất cả những người đã từng tiếp xúc với người bệnh trong vài ngày trước đó.
Giáo sư Prathit Kulkarni thuốc đại học y khoa Baylor ở Houston cho biết gần như tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều có một khoảng thời gian ủ bệnh và trong khoảng thời gian này, họ có thể làm lây bệnh sang cho những người tiếp xúc gần.
“Theo dõi lịch sử tiếp xúc là một quá trình nhằm xác định những ai đã từng tiếp xúc với ca bệnh trong thời gian ủ bệnh và nguy cơ bị phơi nhiễm”, giáosư Kulkarni cho biết.
Nếu phát hiện một số người tiếp xúc gần có triệu chứng bệnh (trường hợp nghi nhiễm), các nhà điều tra có thể đề nghị họ tự cách ly 2 tuần đồng thời cung cấp lịch sử tiếp xúc của họ với những người khác. Những người không có triệu chứng cũng có thể được đề nghị tự cách ly hoặc theo dõi xem liệu họ có duy trì tình trạng không triệu chứng nữa hay không.
Vì sao theo dõi lịch sử tiếp xúc là cần thiết khi lệnh “ở nhà” kết thúc
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang dần nới lỏng các lệnh phong tỏa, các biện pháp hạn chế, và dần khôi phục lại các hoạt động thường ngày do lo ngại về các hậu lớn về quả kinh tế nếu các biện pháp này còn tiếp tục kéo dài.
Tây Ban Nha từ đầu tuần này đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó, những người không thể làm việc từ xa như các công nhân xây dựng hay những người làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất, được phép trở lại làm việc. Tuy nhiên, các nhà hàng, quán ăn, quán bar và các cơ sở kinh doanh khác được coi là không thiết yếu vẫn tiếp tục đóng cửa.
Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte phê chuẩn sắc lệnh cho phép một số cửa hàng và doanh nghiệp nước này được phép hoạt động trở lại từ ngày 14/4. Những cửa hàng được phép mở cửa trở lại bao gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em.
Ngoài Tây Ban Nha và Italy, một số nước châu Âu khác cũng đang cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Áo cho biết nước này sẽ dần mở cửa trở lại các cửa hàng sau Lễ Phục sinh. Ở Đức, một nhóm các nhà kinh tế học, luật sư và chuyên gia y tế cũng khuyến cáo khôi phục dần các hoạt động thường ngày để cho phép một số ngành công nghiệp nhất định khôi phục hoạt động trong khi vẫn tiếp túc các biện pháp ngăn ngừa dịch tái bùng phát.
Trong khi đó, Đan Mạch sẽ mở cửa trở lại các nhà trẻ và trường học trong tuần này nếu số ca mắc Covid-19 mới duy trì ở mức ổn định. Tại Na Uy, các em nhỏ có thể trở lại trường vào tuần sau.
Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 14/4 cho biết ông sẽ sớm công bố chi tiết và hướng dẫn về việc mở cửa trở lại nền kinh tế nước này. Mục tiêu của ông là để nền kinh tế Mỹ có thể mở cửa trở lại từ đầu tháng 5 tới.
Theo giáo sư George Rutherford tại Đại học San Francisco ở California - hiện đang phối hợp với giới chức địa phương trong việc theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh mới - khi lệnh “ở nhà” được thực hiện, những người mang mầm bệnh sẽ không tiếp xúc với nhiều người. Ví dụ ở San Francisco, mỗi trường hợp nhiễm bệnh mới chỉ có khoảng 5 người tiếp xúc gần cần theo dõi. Tuy nhiên, một khi người dân trở lại làm việc, học sinh trở lại trường học, thì mỗi người mang mầm bệnh có thể tiếp xúc với 1.000 người khác.
Cần phải làm gì để theo dõi lịch sử tiếp xúc?
Ở Mỹ, sẽ cần phải có hàng trăm nghìn nhà điều tra thực hiện công việc theo dõi lịch sử tiếp xúc khi lệnh “ở nhà” được dỡ bỏ, theo Rutherford.
Một số nhà điều tra dịch bệnh đã đang thực hiện công việc này tại Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) và các cơ quan y tế địa phương cũng như cấp bang. Tuy nhiên lực lượng này mới chỉ chiếm 10% con số cần thiết.
Khoảng 90% số nhà điều tra dịch bệnh còn lại có thể kết hợp cả những người vừa tốt nghiệp các chương trình y tế cộng đồng, các tình nguyện viên hay các nhân viên nhà nước đang được cho nghỉ phép.
“Việc tăng cường xét nghiệm và theo dõi lịch sử tiếp xúc là thiết yếu nhằm kiềm chế dịch Covid-19 và tránh để dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát”, bác sỹ Ranu Dhillon tại Bệnh viện Phụ nữ tại Boston cho biết./.
Từ khóa: lịch sử tiếp xúc, dịch Covid-19, bệnh nhân Covid-19, nới lỏng phong tỏa, khôi phục hoạt động kinh tế
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN