VOV.VN - Những tổ ong rừng khổng lồ là nguồn cung cấp sáp, dùng trang trí trang phục truyền thống. Đây là nét văn hóa độc đáo của người Dao Tiền ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Xóm Hoài Khao là một trong những ngôi làng tại Cao Bằng vẫn gìn giữ được bản sắc dân tộc truyền thống, với cảnh quan thiên nhiên riêng biệt. Hàng năm cứ mỗi khi đàn ong rừng rời tổ, dân làng Hoài Khao lại phân thành các tổ nhóm, người đi vào rừng lấy tổ ong, người ở nhà chuẩn bị vật dụng để đun sáp.
Hành trình cùng người Dao Tiền vào rừng thu hoạch tổ ong là một chuyến đi đặc biệt, khiến cho bất cứ du khách nào cũng háo hức và xen lẫn hồi hộp. Còn với dân làng, việc này đã trở thành thông lệ hàng năm. Một cụ cao niên tại Hoài Khao cho biết, việc vào rừng thu hoạch sẽ luân phiên từng năm giữa các nhóm, năm nay vào rừng thì năm sau ở nhà chuẩn bị hậu cần.
Tổ ong rừng được thu hoạch vào khoảng tháng 7 âm lịch, khi đàn ong đã ăn hết mật và rời đi. Dân làng tuyệt đối không lấy mật ong, để đàn ong lại quay về vào khoảng tháng 1 âm lịch năm sau. Mục tiêu thu hoạch chỉ để lấy phần sáp, dùng để in hoa văn lên các bộ trang phục truyền thống.
Trước khi lấy tổ ong, dân làng Hoài Khao sẽ phải chọn ngày lành tháng tốt, rồi làm lễ cúng trong rừng. Mâm lễ gồm gà luộc, cơm tẻ, rượu và nén hương, tiền giấy. Làm lễ xong, những người trong nhóm thu hoạch tổ ong rừng mới bắt đầu tiến hành khai thác.
Theo chân người Dao Tiền vào rừng cắt tổ ong, blogger Hà Cương (trang du lịch Cao Bằng Hóng) kể lại: "Chỉ có 2 thợ chính đảm nhiệm việc lấy tổ ong, còn các thành viên khác phối hợp hỗ trợ. Các tổ ong to như cái mâm, cheo leo trên vách đá ở độ cao chừng 30 m. Người thợ chính phải trèo lên cây cao và dùng cây sào dài gắn dao nhọn để cắt tổ ong rơi xuống. Có 2 người trên vách cao hơn, ròng dây thừng xuống để giữ cây sào này, giúp thợ cắt không bị mất sức".
Bên dưới vách đá, những người phụ nữ đảm nhận việc thu gom, buộc dây để gùi tổ ong mang về. Với những du khách như anh Hà Cương, được chiêm ngưỡng màn cắt tổ ong độc đáo, cầm trên tay những tổ ong khổng lồ hay lắng nghe những cây chuyện lý thú về ong rừng là những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ. "Được đi cùng bà con dân tộc Dao Tiền, lần đầu tiên trong đời tôi tận mắt thấy tổ ong to khổng lồ như thế" - anh Hà Cương chia sẻ.
Năm nay, lượng tổ ong thu hoạch được cũng xấp xỉ như năm trước, dù trời đổ mưa lớn khiến công việc khá khó khăn. Một người trong nhóm cắt tổ ong cho biết, với khối lượng này mỗi nhà sẽ được chia khoảng 1,3 kg sáp ong; có những năm thu được nhiều hơn thì mỗi nhà nhận gần 2 kg.
Quy trình nấu sáp cần nhiều công đoạn phức tạp, mất khoảng 1-2 ngày để tạo ra thành phẩm. Tổ ong thu về sẽ được bẻ nhỏ ra, cho vào chảo đun sôi cùng nước, qua các bước lọc tạp chất sẽ được cô đặc lại, để nguội thành sáp. Những người phụ nữ Dao Tiền với bàn tay tài hoa, khéo léo sẽ dùng sáp ong này để in hoa văn lên trang phục truyền thống.
Hiện nay, xóm Hoài Khao với nét văn hóa đặc trưng của người Dao Tiền đang được quan tâm đầu tư, thúc đẩy du lịch cộng đồng. Tại xóm đã thành lập các tổ, đội phục vụ hoạt động du lịch như đội văn nghệ; trình diễn thêu, in hoa văn sáp ong; đan lát các sản phẩm lưu niệm; chế biến các món ăn cùng các tổ đón tiếp và hướng dẫn khách du lịch; tổ an ninh; vệ sinh môi trường... Tới đây, điểm đến Hoài Khao sẽ được kết nối với các tuyến du lịch trải nghiệm Công viên địa chất Non nước Cao Bằng và chào đón du khách ngay khi điều kiện cho phép./.
VOV.VN - Miền non nước Cao Bằng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, nơi cội nguồn cách mạng và sở hữu các danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều điểm đến lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Hiện đây là nơi duy nhất ở Việt Nam chưa có ca mắc Covid-19.
Từ khóa: người Dao Tiền, tổ ong rừng, tổ ong khổng lồ, thu hoạch sáp ong, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.