The Sign Covid Song - thông điệp của nghệ sĩ jazz gốc Việt: Không co cụm trong sợ hãi, vị kỷ
Cập nhật: 01/06/2021
(VOV5) - "Covid-19 nhắc nhở chúng ta không độc quyền sinh sống trên quả đất."
The Sign – Covid Song do Helen Nguyễn sáng tác, hòa âm phối khí, sản xuất âm nhạc và là ca sĩ chính. Covid songlà một dự án cộng đồng, được các bạn bè của nhạc sĩ "ở khắp mọi nơi, từ Việt Nam đến Auatralia, Nhật Bản, Đức, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, Mỹ, Canada... chung tay góp sức, với định dạng video thông dụng nhất thời đại dịch. Đó là video gia đình, không phải đầu tư nhiều, hình ảnh là những gì chân thực, gần gũi nhất, không trau chuốt."
Nhạc sĩ , ca sĩ jazz Jazzy Dạ Lam còn được biết với nghệ danh Helena Nguyen. |
PV: Xin chào Jazzy Dạ Lam. Vâng như chúng ta và quý thính giả đang nghe trong youtube, trong ca khúc này thì tên người sáng tác, sản xuất, hòa âm lại là Helena Nguyễn?
Jazzy Dạ Lam: Chào Phi Hà và mến chào các thính giả của VOV, mình là Thảo Hương. Hồi album đầu tiên của mình được phát hành trong nước, có lẽ được mọi người biết tới với nghệ danh Jazzy Dạ Lam. Còn bạn bè trong giới nghệ sĩ Âu châu thì gọi mình là Helena Nguyen.
Lúc nhỏ mình học ở nhạc viện thành phố HCM từ sơ cấp 1 tới 8 với cô Trần Thanh Thảo. Sau đó được trúng tuyển đi Nga học trung cấp piano ở trường sư phạm âm nhạc Gnesin tại Moscow với bà giáo Moskalenko. Từ Nga mình sang Đức "bụi đời" một thời gian. Sau đó học jazz piano cùng thầy Leonid Chizhik tại Richards Strauß Conservatorium, thành phố München. Và hiện tại mình sống và làm việc ở München, nơi có lễ hội bia lớn nhất thế giới, Oktoberfest yeahhh!!!
Các nghệ sĩ tham gia tthực hiện ca khúc (ảnh cắt từ youtube).. |
PV: Được biết bài hát The Sign - Covid Song đã ra đời năm ngoái năm 2020 khi bắt đầu đại dịch?
Jazzy Dạ Lam: Một năm rưỡi đã trôi qua và mối đe doạ bởi covid vẫn chưa chịu ngừng lại, tới hôm nay corona virus vẫn còn chiếm khá nhiều headlines trên các phương tiện truyền thông, vẫn còn là nỗi sợ hãi cho nhiều người, nhiều nơi trên thế giới. Điển hình là tình trạng bệnh dịch tại VN trong hai tuần vừa qua ngày càng căng thẳng, sau thời gian chứng kiến cơn dịch càn quét ở Ấn Độ.
Nhớ lại năm ngoái khi covid xuất hiện ở Vũ Hán và có nguy cơ lan rộng khắp nơi, mình khá hoang mang khi thấy mấy nước Tây âu.. và cả bên Mỹ phản ứng quá chậm chạp, và không có biện pháp cụ thể để ngăn ngừa cơn dịch. Chắc ai cũng còn nhớ giai đoạn đầu tiên đó, khi dân chúng ai nấy đều lo sợ, thủ thân bằng cách thu gom hàng hoá và thức ăn để phòng khi nạn dịch lan tràn không được ra ngoài.
Dĩ nhiên sẽ hông có gì thắc mắc nếu người ta chỉ lo trữ lương thực ha, nhưng mình tới giờ vẫn không hiểu tại sao người ta phải giành giựt nhau gói giấy toilet. Và trong một lần đi chợ, mình chứng kiến một ông tây to cao vác bốn gói giấy vệ sinh trong khi mỗi người chỉ được hai gói maximum. Khi trả tiền, ổng đã to tiếng chửi bới người giữ quầy thu ngân vì cổ không chịu bán cho ông.
Lúc đó mình có cảm giác sao con người ta dễ trở nên hung dữ mất kiểm soát, vị kỷ và chỉ biết bản thân như vậy? và rồi mình nhận ra họ chỉ là nạn nhân của chính sự sợ hãi của họ.
Hình ảnh trong clip The Sign - Covid Song (Ảnh cắt từ youtube). |
Rồi thêm nữa là câu chuyện buồn của cháu gái 10 tuổi con anh trai mình ở Canada.
Cô bé bị bạn cùng lớp chế giễu là china virus vì là người Á châu. Bé đã viết cảm xúc của mình thành một bài thơ ngắn. Rồi nhờ ba nhắn cho cô Út (là mình), biểu: „cô Út viết thành bài nhạc cho con đi!“.
Mình nghe đầu đuôi vậy thấy thương quá, sao mà từ chối được?
Nên từ những ý tưởng đáng yêu, hồn nhiên, được bày tỏ một cách tình cảm, ngây thơ, nhưng cũng rất chi là "bà cụ non" của con bé, mình suy nghĩ làm sao viết thêm vào đây những suy tư và cái nhìn của mình về vấn đề này, để bài hát không chỉ mang tính phong trào, hay tuyên truyền cổ động cho tinh thần "chống giặc Covid", mà cần mang cái nhìn bao quát, sâu rộng hơn về một vấn đề to lớn, không chỉ mang tính thời sự, mà có chiều sâu và âm vang lâu dài hơn.
Tại vì mình nghĩ làm sao tạo được nguồn vui sống bằng nỗi sợ hãi? Làm sao duy trì được sự hiện hữu bằng sự hủy diệt? Và.......... làm sao dựng được thế giới tốt đẹp nếu nhìn quanh chỉ thấy chia rẽ, đối đầu, phân biệt và tiêu trừ lẫn nhau?
Các nghệ sĩ tham gia thực hiện ca khúc (Ảnh cắt từ youtube). |
PV: Nó là những duy tư trăn trở của một người nghệ sĩ trước sự thay đổi của cả thế giới vì một con virus nhỏ bé?
Jazzy Dạ Lam: Trong cái nhìn của mình, Covid 19 không phải kẻ thù của con người, mà nguy cơ đến với chúng ta là vì chính chúng ta biến nó thành kẻ thù. Bạn có thể tưởng tượng trong người mình đang có hàng triệu triệu vi khuẩn, với hàng trăm nghìn loại khác nhau. Một số là chúng ta cần nó, một số là chúng ta đã quen thuộc với nó. Đó là sự tương sinh. Covid là loại mà cơ thể chúng ta chưa biết cách đối phó khi bị chúng xâm nhập.
Mà nói như vậy hổng phải là mình coi thường hay coi nhẹ nó, mà việc ngăn ngừa virus lây lan là một việc rất quan trọng, vì mạng sống của bất cứ ai cũng đều đáng giá. Và việc ngăn ngừa dịch gồm hai tuyến: một bên trong, một bên ngoài.
Ở tuyến ngoài, thì tuân thủ những biện pháp cần thiết, như giãn cách cộng đồng, mang khẩu trang, tránh tụ tập, và nhất là tránh thái độ vô trách nhiệm như thờ ơ liều lĩnh, cho rằng “tôi sẽ không bị" là nguy hiểm lắm, bởi mình có thể vướng bệnh mà hông chết, nhưng lại có thể làm chết người bị mình lây cho.
Ở tuyến bên trong, cũng là tuyến quan trọng nhất, chính sự căng thẳng (stress) là một nguyên do làm suy nhược hệ miễn dịch. Với dịch Covid hiện nay, sự lo âu của chúng ta dường như không có điểm kết thúc. Nếu mình cứ ôm giữ thái độ lo âu sợ hãi hoài thì hệ miễn dịch sẽ bị co cụm, rồi lỡ khi bị vi khuẩn xâm nhập, chắc chắn sẽ bị chúng tấn công khi hệ thống phòng thủ bên trong mình đang yếu ớt nhất. Nên có lẽ chúng ta cần cất qua một bên sợ hãi, nghi kỵ, giận dữ và thù ghét.
Hình ảnh từ clip The Sign - Covid Song. |
Để bảo đảm sức khoẻ cộng đồng đương nhiên cần sự hợp tác nhiều hơn là đố kỵ, chia cắt, hay bất cần, coi nhẹ. Sự hợp tác đòi hỏi ý thức về chung quanh, và lo lắng về môi trường chung quanh, nói gọn là cần nghĩ đến người khác, vì sức khoẻ của họ cũng chính là sức khoẻ của mình.
Và chỉ cần Ngăn thôi, chứ mình đừng có chống, tại vì "chống trả" thường mất sức nhiều lắm :-)
Tóm lại là, trong bối cảnh cả thế giới hỗn loạn vào năm ngoái, mình nghĩ bài hát cần mang thông điệp xây dựng chứ không chia rẽ; kết nối được yêu thương chứ không lan toả sự hằn học ghét bỏ; làm cho người nghe có cảm giác chia sẻ, đồng cảm chứ không chống đối, đấu tranh; hoà hợp trong sự bao dung và hiểu biết chứ không co cụm trong sợ hãi và vị kỷ. Đó là những suy tư mà jazzy cùng người đồng tác giả đã chia sẻ với nhau. Vì nghĩ cho cùng, đời sống quá ngắn ngủi để chỉ chú tâm vào mỗi việc sống còn của cá nhân chúng ta thôi, có đúng hông?
Jazzy Dạ Lam:Trân trọng cám ơn Phi Hà và đài VOV đã dành sự quan tâm cho bài hát The Sign-Covid Song, và cho Jazzy có cơ hội được chia sẻ tâm tình cùng khán thính giả của đài. Mong mọi người ở Việt Nam sớm vượt qua được cơn dịch thế kỷ này với ít tổn thất nhất nha! <3
Bản dịch tiếng Việt lời bài hát The Sign- Covid - Song
V1:
Để tôi kể bạn nghe về người khách mới tên Covid
Hắn không có quê quán, quốc tịch như vài kẻ muốn bạn tin như vậy
Đây là một trò khó nuốt, nhưng ai là người để trách?
Không được mời, nhung hắn vẫn bắt tay mọi người
V2:
Hắn sẽ bám vào mọi thứ có thể, và chờ đợi cơ hội
Hắn sẽ ho khi ta ho, nhăn mặt khi ta đau
Hắn trở nên hung hãn, cái gì đã khiến hắn như vậy
Thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ, chúng ta đang sống năm tháng vay mượn
Chorus:
Tôi biết tại sao, những kẻ vô ơn luôn thành công trong việc chia rẽ
Dửng dưng tràn lan, cơn lốc bạt đi tiếng kêu gọi của bổn phận
Ta cần biết trong trái tim mình không nên phân loại
Đừng ngần ngại, đâu có đặc ân trong sự bình đẳng, hãy đón nhận muôn loài
V3:
Người ta vô tình làm những điều ngoài dự tính khi bị cuốn vào hoạn nạn
Nhưng ta vẫn đối xứ với nhau như trước, vì ta đâu thay đổi gì
Khi không thấy nhau, chúng ta tiếc những cuộc chơi
Dù khi đó chúng ta có lúc gây buồn phiền cho nhau
Nhưng chúng ta tạm xa để tỏ lòng yêu thương nhau
Bridge:
Khi một người không ôm chầm bạn được, bạn biết họ không có ý xa cách,
Với sự thông cảm, chúng ta nuôi dưỡng ý thức cộng đồng
Khi người ta không thể thăm viếng bạn, bạn biết họ rất muốn làm điều đó
Hãy giữ như vậy, và cùng nhau chặn sự lây lan của Covid19.
Refrain:
Hãy nguyện với chính mình, nắm tay nhau lại, xây một thế giới,
Đi trọn con đường dựng ngôi nhà chung bảo bọc mọi con người
Ta cần biết trong trái tim mình không nên phân loại
Đừng ngần ngại, đâu có đặc ân trong sự bình đẳng, hãy đón nhận muôn loài.
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5