Thế kỷ châu Á bắt đầu vào tháng 5/2020 trong bối cảnh dịch Covid-19

Cập nhật: 23/05/2020

VOV.VN - Khu vực châu Á đã nổi lên như một khu vực kinh tế nổi bật có độ gắn kết như Liên minh châu Âu. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy thêm điều này.

Thắng lợi trong kiểm soát dịch bệnh tạo đà cho hồi phục kinh tế

Các sử gia kinh tế có thể tính sự khởi đầu của thế kỷ châu Á là từ tháng 5/2020, khi hầu hết các nền kinh tế châu Á đã hồi phục gần như đầy đủ trong khi phương Tây thì vẫn chật vật với lệnh phong tỏa phòng chống Covid-19. Châu Á đã nổi lên như một khu vực kinh tế có độ gắn kết tương tự như Liên minh châu Âu (EU), và ngày càng được cách biệt tốt với các cú sốc kinh tế ở cả Mỹ và châu Âu.

the ky chau a bat dau vao thang 5/2020 trong boi canh dich covid-19 hinh 1
Đeo khẩu trang chống Covid-19 ở châu Á. Ảnh: Reuters.

Dữ liệu hàng ngày của Google về sự cơ động chỗ làm sử dụng định vị qua điện thoại thông minh để xác định số người đi làm – cho tới nay, đây là cách phản ánh chính xác nhất và cập nhật nhất về hoạt động kinh tế. Theo đó, cho đến ngày 13/5/2020, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, và Việt Nam đều đã quay trở về với mức độ bình thường. Nhật Bản và Đức đã leo trở lại mức độ 20% dưới bình thường. Trong khi đó, Mỹ, Pháp, và Anh vẫn tê liệt. Google không “đọc” được về tình hình ở Trung Quốc, nhưng có một số bằng chứng cho thấy Trung Quốc cũng đã khôi phục được tình hình.

Khả năng hồi phục kinh tế của châu Á là nhất quán với thành công của khu vực trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19. Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), và Singapore đều có tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở mức chỉ bằng 1/10 của Đức và 1/100 của Mỹ, Anh, Pháp, hay Tây Ban Nha.

Hôm 21/5 Mỹ phải đấu tranh để tái mở cửa nền kinh tế của mình bất chấp tỷ lệ ca nhiễm mới cao hơn nhiều so với các nước châu Á hoặc Đức. Nhưng điều này kéo theo nguy cơ lớn. Thí dụ, hai nhà máy Ford Motor ở Mỹ mới mở cửa trở lại vào hôm 17/5 đã đóng lại vào hôm 20/5 sau khi các nhân viên tại đây cho kết quả dương tính với Covid-19.

Sự dẻo dai và gắn kết của kinh tế châu Á

Châu Á hiện nay đóng vai trò của một khối kinh tế gắn kết. 60% thương mại của các nước châu Á là bên trong bản thân châu Á, cùng tỷ lệ như Liên minh châu Âu. Số liệu của hãng Google xác thực các dữ liệu thương mại tháng 4 của Trung Quốc. Thương mại nội châu Á tăng so với năm 2019, trong khi thương mại với Mỹ đình trệ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cho tới thời điểm này trong năm 2020 chỉ bị giảm 2% trên chỉ số MSCI tính theo đồng USD, trong khi các thị trường chứng khoán lớn khác đều bị âm nặng.

Mức độ dẻo dai của thị trường chứng khoán Trung Quốc là đáng lưu ý trong bối cảnh leo thang chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm cả việc Mỹ cấm bên thứ 3 xuất khẩu các con chip máy tính được sản xuất bằng tài sản trí tuệ Mỹ tới các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen, và mối đe dọa đưa các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên thị trường Trung Quốc ghi nhận sự áp đảo của các công ty công nghệ y tế, như Alibaba Health Information (Thông tin Y tế Alibaba) đã tăng trưởng gấp đôi cho tới thời điểm này của năm 2020. Tham vọng của Trung Quốc đi tiên phong thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu lớn trong ngành y tế đã được thúc đẩy bởi chính đại dịch Covid-19, trước sự lo ngại của các quan chức Mỹ.

Kỳ họp tuần này của Quốc hội Trung Quốc dự kiến thông qua khoản đầu tư chính phủ mới trị giá 1.400 tỷ USD vào băng thông rộng 5G, tự động hóa nhà máy, ô tô tự lái, trí tuệ nhân tạo, và các lĩnh vực liên quan.

Trung Quốc đe dọa thế thống trị của Mỹ về công nghệ?

Tuần trước Bộ Thương mại Mỹ áp các kiểm soát lên mức bán các thiết bị bán dẫn cho các hãng Trung Quốc nếu như các sản phẩm này được sản xuất ở bất cứ nơi đâu trên thế giới bằng công nghệ của Mỹ.

Nhưng gã khổng lồ viễn thông Huawei của Trung Quốc thiết kế các vi mạch (chip) của riêng mình và thuê TSMC (hãng Đài Loan chuyên sản xuất chất bán dẫn) sản xuất các con chip đó. TSMC sử dụng các thiết bị chế tạo chip của Mỹ và do vậy sẽ thuộc diện chịu tác động của lệnh cấm của Mỹ. Giới phân tích về công nghiệp đang đợi chờ xem Mỹ sẽ thực hiện các quy định của mình chặt chẽ ở mức nào với trường hợp này. Các quy định của Mỹ có thời gian ân hạn là 120 ngày.

Hiện nay chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã thất bại trong việc thuyết phục hầu hết các đồng minh của mình không làm ăn với Huawei mà Washington coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Một số nhỏ các công ty Mỹ và công ty ASML của Hà Lan hiện đang thống trị thị trường thiết bị sản xuất chất bán dẫn có khả năng tạo ra các con chip tối tân. Nếu Mỹ ngăn ngừa các hãng trên thế giới bán hàng cho Huawei thì hãng Trung Quốc này sẽ không còn nguồn thiết bị bán dẫn cao cấp.

Huawei được cho là sở hữu một kho con chip. Lượng bán dẫn được Trung Quốc nhập khẩu đã tăng gấp đôi trong thời gian từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018, cho thấy Trung Quốc đã thận trọng tích trữ chip. Lệnh cấm của Mỹ nếu được thực hiện đầy đủ sẽ gây thiệt hại cho Huawei.

Nhưng đây là quân bài cuối cùng mà Washington có thể tung ra hiện nay. Thiết bị sản xuất chất bán dẫn là điểm kiểm soát cuối cùng của Mỹ đối với các công nghệ trọng yếu.

Nếu đến một ngày nào đó mà Trung Quốc tự chủ hoàn toàn trong việc sản xuất chip một cách nhanh chóng thì thành trì cuối cùng cho sự thống trị của Mỹ về công nghệ được cho là sẽ sụp đổ./.

Từ khóa: Thế kỷ châu Á, Covid-19, dịch bệnh, thế giới thay đổi, kinh tế châu Á

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập