Thế hệ Z và câu chuyện khởi nghiệp trong đại dịch

Cập nhật: 10/08/2021

[VOV2] - Là thế hệ lớn lên cùng công nghệ, các bạn sinh viên thế hệ Z mang khát vọng khởi nghiệp từ khi còn trên ghế giảng đường. Dịch Covid-19 trở thành cơ hội để các bạn thử sức và phát triển kinh doanh.

Doanh thu trăm triệu từ kinh doanh online

Đang học năm thứ 3 chuyên ngành PR của Viện Đào tạo Báo chí & Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn), cô gái 21 tuổi Ma Thị Ngọc Ly sở hữu một thương hiệu đồ gia dụng với nhiều mẫu mã đa đạng. Khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử từ 9/2020, tính đến nay, doanh thu của Ngọc Ly đã lên đến hơn 500 triệu đồng.

Trước đó cô sinh viên năm 3 này cũng đã thử sức với kinh doanh quần áo online nhưng mặt hàng này bị bão hòa và đã không thành công. Với những kinh nghiệm từ thất bại, Ngọc Ly đã quyết định khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử.

“Mình chọn thời điểm trong mùa dịch để bắt đầu kinh doanh online, vì bản thân mình dự đoán được thị trường thương mại điện tử sắp tới sẽ phát triển, khi mọi người đều hướng đến sự nhanh chóng, tiện lợi và sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng cao. Đặc biệt lại trong mùa dịch, khi việc hạn chế ra ngoài là điều cần thiết”, Ngọc Ly chia sẻ.

 

Ngọc Ly vẫn tích cực lên internet tìm hiểu kỹ về ngành hàng của mình, tìm các nguồn hàng chất lượng và giá cả hợp lý. “Cuối tuần mọi người thường dành thời gian nghỉ ngơi nhưng đó mới là lúc mình làm việc, mình thường sắp xếp lại kho hàng và chụp ảnh sản phẩm”, Ly cho biết.

Mặc dù bận rộn với việc kinh doanh nhưng Ly vẫn không bỏ bê việc học, GPA (điểm trung bình các môn học của một học kỳ) vẫn đạt loại giỏi. Ngọc Ly cho biết cô còn áp dụng ngay những kiến thức về marketing học được trên lớp vào thực tế.

Khác với Ngọc Ly, cô bạn Nguyễn Hà Phương - sinh viên năm 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh trường đại học Kinh tế quốc dân lại chọn bán hàng trên nền tảng Instagram. Mỹ phẩm là mặt hàng mà cô sinh viên năm 2 lựa chọn để “sống chết” cùng nó.

Đam mê kinh doanh từ nhỏ, trải qua một số mặt hàng nhất định, đến lớp 10 Hà Phương quyết định khởi nghiệp với số vốn ít ỏi bản thân tự tích lũy được. Hà Phương cho biết lý do cô chọn mặt hàng mỹ phẩm ngoại là bởi vì vào thời điểm năm 2017 thị trường rất rộng mở mà mặt hàng này lại có ít người kinh doanh. Bắt tay ngay vào việc nhập hàng từ nước ngoài về bán, doanh thu tăng đều qua các tháng và dần ổn định. Đến nay khi đã là sinh viên năm 2, Hà Phương vẫn đang tiếp tục con đường bán mỹ phẩm online của mình.

Hà Phương cho biết các kiến thức học được từ ngành Quản trị kinh doanh mà cô đang theo học, đã giúp ích rất nhiều trong tư duy bán hàng từ khi lên đại học. “Kinh doanh thời học sinh không có những kiến thức nền tảng và cơ bản nên sẽ là kinh doanh theo bản năng và đam mê. Chính những kiến thức mình học được ở đại học về quản trị kinh doanh đã giúp mình quản lí thời gian, tiền bạc và nhân sự tốt hơn”, Hà Phương chia sẻ.

Cũng chính vì thế, có tháng đỉnh điểm doanh thu của Hà Phương lên tới 500 triệu đồng. Hiện tại thì Hà Phương đã độc lập hoàn toàn về tài chính và có thể giúp đỡ bố mẹ chi trả những khoản tiền trong gia đình. Cô còn chia sẻ số tiền cô kiếm được từ lúc bắt đầu kinh doanh đến bây giờ có thể đủ mua một chiếc ô tô “xịn" cho gia đình mình.

Khởi nghiệp không phải con đường dễ dàng

Khởi nghiệp đang trở thành xu hướng mới của các bạn trẻ thế hệ Z – Thế hệ làm chủ công nghệ và… thích kiếm tiền. Sinh viên khởi nghiệp thành công cũng ngày càng nhiều, điều đó đã tạo động lực cho cho các bạn trẻ khác bắt đầu con đường kinh doanh của riêng mình.

Tuy nhiên việc khởi nghiệp quá sớm mà không có kiến thức hay kinh nghiệm cũng dễ thất bại. Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh, giảng viên bộ môn Khởi nghiệp tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng sinh viên khởi nghiệp cần có kiến thức và môi trường tốt.

Các môn học ở đại học sẽ giúp cho các bạn hình thành được ý tưởng, các kiến thức về cách bắt đầu một mô hình kinh doanh. Hiện nay các trường đại học cũng có những dự án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng như tạo dựng môi trường thúc đẩy sinh viên tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp.

Cô Ngọc Anh cũng nhận xét thế hệ Z đang là một thế hệ đáng được mong chờ, bởi vì ở thế hệ này các bạn trẻ không còn rụt rè mà đã dám tự tin bứt phá ra khỏi đám đông để chọn con đường riêng cho mình.

Tuy nhiên, khởi nghiệp là một hành trình dài. Có vô vàn những công việc không tên sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, sức lực của các bạn start-up. Ngoài trang bị những kỹ năng chuyên môn, các bạn sinh viên cũng cần biết cân bằng giữa lịch làm việc và lịch học trên trường.

Nhiều bạn sinh viên sai lầm khi nghĩ mình buộc phải hy sinh một trong hai để tập trung cho điều còn lại. Về vấn đề này, giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Anh chia sẻ: “Khi đã làm một việc gì đó thì có nền tảng là một điều rất quan trọng. Hãy nhớ trước khi khởi nghiệp, Đại học chính là con đường đầu tiên mà các bạn lựa chọn”.

*Từ Gen Z hay thế hệ Z xuất hiện đầu tiên vào năm 2000 để chỉ những bạn trẻ sinh ra từ khoảng năm 1995 trở lại đây.

*Hầu hết các thành viên thuộc thế hệ Z đều được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ, nên họ cảm thấy rất thoải mái, rất dễ đón nhận công nghệ, Internet và các phương tiện truyền thông xã hội, từ Facebook, Google, Youtube, Instagram,…

*Thế hệ Z (Gen Z) được được mệnh danh là những công dân của thời đại số hoá.

 

Từ khóa: khởi nghiệp, sinh viên học viện báo chí tuyên truyền, kinh doanh online, sinh viên xã hội nhân văn, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập